Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, trong quí 1/2019, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 39 nghìn chiếc ôtô nguyên chiếc, tăng gấp đến 9,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ tăng mạnh về số lượng, giá trị kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giai đoạn này cũng tăng gấp đến 7,5 lần, đạt 883 triệu USD.

Một điểm đáng chú ý nữa, cũng theo số liệu từ TCHQ và TCTK, giá bình quân các loại ôtô nhập khẩu về Việt Nam đã giảm đáng kể.
Cụ thể, mức giá nhập khẩu ô tô bình quân 412 triệu đồng/chiếc trong tháng 3, thấp hơn mức đầu năm là 461 triệu đồng/xe, rẻ hơn 100 triệu đồng/chiếc so với đầu năm 2018.
Hiện tượng giá ô tô nhập khẩu giảm trong giai đoạn đầu năm ngay được cho là xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp tập trung đưa về Việt Nam các dòng xe có giá trị thấp, xe cỡ nhỏ và xe phổ thông. Các loại ô tô hạng sang có giá trị cao chỉ được nhập khẩu với số lượng nhỏ.
Lượng ô tô nhập khẩu về nước tăng mạnh trong khi giá trị xe nhập khẩu giảm đáng giúp thị trường ô tô giải bớt cơn khát ô tô đã kéo dài từ năm ngoái.
Bên cạnh đó, giá trị ô tô nhập khẩu giảm cũng giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội sở hữu loại hình phương tiện này thay cho các loại xe máy đang trong “tầm ngắm” cấm sử dụng tại một số thành phố lớn.
Theo số liệu thống kê từ TCHQ, trong quý 1/2019, phần lớn các loại ô tô nhập khẩu về nước đều có xuất xứ từ Thái Lan với tổng cộng 25,94 nghìn chiếc, chiếm đến 66,5% tổng lượng ôtô nhập khẩu, trị giá 516,95 triệu USD, giá nhập bình quân 19924,98 USD/chiếc, tăng gấp 7,4 lần về lượng (tức tăng 647,69%) và 7 lần về trị giá (tức tăng 606,51%) và giảm 5,51% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính riêng tháng 3/2019, thì Việt Nam cũng nhập từ Thái Lan 9,21 nghìn chiếc, trị giá 177,86 triệu USD, giảm 1,83% về lượng và giảm 3,97% trị giá so với tháng 2/2019, nhưng tăng gấp 2,7 lần về lượng (tương ứng 168,32%) và tăng gấp 2,5 lần trị giá (tương ứng 147,17%) so với tháng 3/2018.
Đứng ở vị trí tiếp theo là Indonesia với lượng xe nhập khẩu đạt 9,05 nghìn chiếc, chiếm 23,2%, trị giá 143,71 triệu USD. Đáng chú ý, trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, tốc độ nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ thị trường Indonesia tăng đột biến cả về lượng và trị giá, mặc dù giá nhập khẩu bình quân chỉ tăng 45,15% đạt 15874,58 USD/chiếc, tăng lần lượt gấp 3017,6 lần (tương ứng 301.666,67%) và gấp 4380,01 lần (tương ứng 437.901,15%).
Việc ô tô nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia chiếm tỷ trọng lớn trên thực tế không nằm ngoài dự tính. Bởi lẽ, các loại ô tô nhập khẩu từ 2 quốc gia này đều đang được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).
Trung Quốc đứng thứ 3 về số lượng xe xuất sang Việt Nam, đạt 995 chiếc. Các quốc gia Nhật Bản, Đức và Mỹ xuất khẩu số lượng xe sang Việt Nam đạt lần lượt 944 chiếc, 502 chiếc và 375 chiếc.
Thống kê thị trường nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc quý 1/2019

(*Vinanet tính toán số liệu từ TCHQ)

Về nhu cầu, thời gian qua, phân khúc xe đa dụng dành cho gia đình đang dần có những sự quan tâm nhất định tại Việt Nam.
Phân khúc xe dành cho gia đình (bao gồm cả các dòng MPV 5+2 và từ 7 - 9 chỗ) tại Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực khi dòng xe này chứng minh được sự tiện dụng với người tiêu dùng - không gian rộng rãi, nhiều chỗ ngồi, khoang chứa hành lí lớn… Hơn nữa, sự thay đổi và làm mới về thiết kế, trang bị động cơ theo hướng trẻ trung và thể thao hơn cũng trở nên phù hợp với đa số khách hàng gia đình trẻ tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của mẫu Mitsubishi Xpander nhập khẩu từ Indonesia khiến cuộc cạnh tranh ở phân khúc xe gia đình càng thêm khốc liệt, đặc biệt là với ngôi vị số 1 của Toyota Innova.
Là mẫu “xe vua” vốn là sự lựa chọn hàng đầu của các công ty kinh doanh vận tải, Toyota xem ra không quá lo lắng về vị thế của Innova khi doanh số đạt hơn 3.250 chiếc trong quý I năm nay. Đó là chưa kể hiện tại, Toyota tỏ ra khá mạnh ở phân khúc xe gia đình, khi còn có thêm 2 mẫu MPV cùng tham gia chia sẻ thị phần tại Việt Nam - mẫu Avanza (đối thủ trực tiếp cùng phân khúc với Xpander) và mẫu MPV hạng trung cao cấp Alphard.
Trong số các đối thủ còn lại, KIA tại Việt Nam cũng có hai mẫu xe góp mặt trong phân khúc này - mẫu Rondo (5+2) và mẫu MPV 7 chỗ Sedona.
Ngoài ra, ở phân khúc xe gia đình tại Việt Nam còn có sự góp mặt của một số mẫu xe cao cấp hơn, như Honda Odyssey, Mercedes-Benz V-Class, Volkswagen Sharan… Trước đó, còn có mẫu Hyundai Starex H1, Ssangyong Stavic (cả bản 7 chỗ và 9 chỗ) nhập khẩu từ Hàn Quốc, Suzuki Ertiga nhập khẩu từ Indonesia và cả Chevrolet Orlando từng được lắp ráp trong nước.
Trong tháng 3/2019, doanh số của các mẫu xe gia đình 7 chỗ (bao gồm cả dòng MPV 5+2) đã có những kết quả kinh doanh rất khả quan. Có vẻ như một xu hướng mới về nhu cầu sử dụng xe dần xuất hiện khi mẫu Mitsubishi Xpander nhận được sự chào đón của thị trường Việt Nam, với doanh số đứng đầu phân khúc, vượt qua cả mẫu Toyota Innova vốn hiếm khi chịu đứng vị trí thứ 2.
Tháng 3/2019, đã có 4.022 chiếc MPV đến tay người tiêu dùng, tăng hơn 200% so với cùng kì năm ngoái. Nếu tính gộp cả quý I/2019, số lượng xe bán ra ở phân khúc này đạt 7.616 chiếc, tăng khoảng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo doanh số này sẽ tăng cao trong năm nay khi mà toàn bộ doanh số năm 2018 của phân khúc MPV chỉ đạt 20.305 xe.
Có một điều đáng lưu ý, thị trường phía Nam luôn là nơi ưa chuộng các dòng xe lớn, tiếp tục là thị trường phát triển tốt nhất của dòng xe gia đình này, cụ thể trong quý I/2019 vừa qua đã có hơn 4.500 chiếc bán ra tại thị trường phía Nam, chiếm khoảng 60% doanh số của phân khúc này, trong khi số lượng xe còn lại phân phối ở thị trường phía Bắc chiếm khoảng 39% (đạt 1.760 xe).
Không dừng lại ở đó, một số thương hiệu ôtô lớn cũng đang bộc lộ kế hoạch tham gia vào phân khúc này, những cái tên đáng chú ý bao gồm việc Nissan đưa trở lại mẫu Livina trước đây đã từng được lắp ráp trong nước, nay được “nhân bản” từ mẫu xe cùng tập đoàn - mẫu Mitsubishi Xpander.
Ngoài ra ở phân khúc MPV 7 chỗ Ford Tourneo và Peugeot Traveller cũng đang chuẩn bị ra mắt. Giá bán dự kiến của hai mẫu xe này lần lượt là 1,25 và 1,65 tỉ đồng.
Doanh số các mẫu MPV tại thị trường Việt Nam trong quí I/2019 như sau:
Mitsubishi Xpander: Doanh số tháng 3 đạt 1.838 xe, quý I/2019 đạt 3.138 xe
Mẫu MPV 5+2 này được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, với động cơ 1.5L (103 mã lực/141 Nm) đi kèm lựa chọn hộp sàn 5 cấp hoặc hộp số tự động 4 cấp.
Xe có giá bán lần lượt là 550 và 620 triệu đồng.
Toyota Innova: Doanh số tháng 3 đạt 1.712 chiếc, quý I/2019 đạt 3.258 chiếc
Vẫn được Toyota lắp ráp trong nước, mẫu MPV bán nhiều nhất lịch sử Toyota tại Việt Nam, với động cơ 2.0L (134 mã lực/182 Nm) có duy nhất phiên bản E dùng hộp số sàn 5 cấp, trong khi có tới 3 phiên bản G/V/Venturer sử dụng hộp số tự động 6 cấp.
Hiện mẫu Toyota Innova có giá bán từ 771 - 971 triệu đồng.
KIA Sedona: Doanh số tháng 3 đạt 264 xe, quý I/2019 đạt 644 xe
Mẫu xe này vẫn duy trì hai loại động cơ; diesel 2.2L và xăng 3.3L, cả hai phiên bản này đều sử dụng hộp số tự động 6 cấp, tuy nhiên nếu như chỉ có duy nhất phiên bản máy xăng (giá bán 1,429 tỉ đồng) thì Sedona dùng động cơ diesel có hai phiên bản mang tên Luxury (1,129 tỉ đồng) và Platinum (1,209 tỉ đồng).
KIA Rondo: Doanh số tháng 3 đạt 102 xe, quý 1/2019 đạt 314 xe
Từ tháng 3, mẫu xe này đã không còn phân phối phiên bản dùng động cơ diesel, chỉ giữ lại phiên bản dùng động cơ xăng 2.0L đi kèm hai lựa chọn hộp số sàn 6 cấp hoặc hộp số tự động 6 cấp, với giá bán lần lượt là 609 và 669 triệu đồng.
Toyota Avanza: Doanh số tháng 3 đạt 103 xe, quý 1/2019 đạt 314 xe
Xuất hiện tại Việt Nam từ tháng 11/2009 nhưng đến tận tháng 9/2018, mẫu MPV 5+2 này mới chính thức được nhập khẩu từ Indonesia.
Là đối thủ trực tiếp của Mitsusbishi Xpander, Toyota Avanza cũng có 2 phiên bản, nhưng dùng 2 loại động cơ khác nhau - 1.3L đi kèm hộp số sàn 5 cấp 94 mã lực/121 Nm) và động cơ 1.5L đi kèm hộp số tự động 4 cấp (102 mã lực/136 Nm).
Hiện Toyota Avanza có giá bán từ 537 - 593 triệu đồng.
Toyota Alphard: Doanh số tháng 3 đạt 3 chiếc và tính cả quý 1/2019 là 18 chiếc
Là một mẫu xe hạng trung cao cấp, với giá bán lên tới hơn 4 tỉ đồng, nên không có gì lạ khi mà doanh số của Alphard không thể so sánh với các mẫu xe bình dân khác.
Ngoài ra, không có vẻ gì là Toyota Việt Nam đặt nặng vấn đề kinh doanh với Alphard - một mẫu xe để làm hình ảnh, hơn là những con số lợi nhuận.
Nguồn: VITIC Tổng hợp/Dân trí, VietnamExpress 

Nguồn: vinanet