Chỉ số MSCI toàn cầu tăng 1,26% lên 398,65 điểm.

Trong đó, thị trường chứng khoán Mỹ chốt phiên ở mức cao nhất trong 4 tuần qua bất chấp số liệu CPI suy yếu. Cụ thể, S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 0,87% và 0,84%; chỉ số Nasdaq cũng tăng 0,59% với khoảng 6,6 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu của 9 trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng tăng giá, trong đó cổ phiếu năng lượng tăng mạnh nhất với 2,8% nhờ giá dầu bật tăng 8%.

Thị trường chứng khoán Mỹ duy trì được đà tăng bất chấp báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, CPI của nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ giảm 0,1% trong tháng 8 sau khi tăng liên tiếp trong 7 tháng đầu năm 2015.

Tương tự, thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng hơn 1% dù áp lực lạm phát suy yếu. Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 1,6%, một phần nhờ thương vụ sáp nhập giữa 2 hãng bia lớn nhất thế giới  Anheuser-Busch InBev với SABMiller. Trong khi đó, Eurostat cho biết, giá tiêu dùng tại Eurozone chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, thấp hơn mức tăng 0,2% ghi nhận trong tháng trước đó.

Ngược lại, thị trường chứng khoán Nhật Bản lại được hỗ trợ bởi báo cáo chi tiêu tiêu dùng. Chỉ số Nikkei tăng 0,8% nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng ổn định trong vòng 2 tháng qua.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chốt phiên tăng mạnh nhất 3 tuần nhờ đồn đoán cho rằng, chính phủ đã can thiệp vào thị trường để đẩy giá lên cao. Chỉ số Shanghai Composite theo đó tăng 4,89% trong cả phiên.

Hiện tại, giới đầu tư toàn cầu nhìn chung vẫn giữ tâm lý giao dịch thận trọng khi Fed đã bước vào ngày họp đầu tiên. 2h00 sáng ngày 18/9 theo giờ Việt Nam, Fed sẽ công bố quyết sách cuối cùng.

Nguyễn Dung

Theo Reuters