Những cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc nhóm tài chính và công nghệ. Đến 11h (giờ Hà Nội), Hang Seng China Enterprises Index - theo dõi cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng mất 0,8%, sau khi tăng 1,4% trước đó.

Số liệu công bố hôm qua cho thấy sản lượng công nghiệp tháng 8 không đạt kỳ vọng, còn đầu tư vào tài sản cố định 8 tháng đầu năm tăng chậm nhất từ năm 2000. Chính phủ Trung Quốc cũng công bố một số chi tiết về kế hoạch cải tổ doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích đầu tư tư nhân.

 "Các báo cáo kinh tế không tốt như kỳ vọng, khiến nhà đầu tư thà đứng ngoài thị trường còn hơn. Các chính sách cải tổ doanh nghiệp nhà nước vốn rất được kỳ vọng lại không đủ chi tiết. Vì thế, phản ứng của thị trường rất hạn chế và có thể xuống thấp hơn", Wu Kan - Giám đốc quỹ đầu tư JK Life Insurance nhận xét.

5 đợt giảm lãi suất từ tháng 11 năm ngoái và kế hoạch tăng chi tiêu Chính phủ vẫn chưa thể làm hồi sinh nền kinh tế vốn đang trong tình trạng dư thừa công suất, bất động sản yếu kém và chỉ số giá sản xuất giảm. Theo Tập đoàn Vốn Quốc tế Trung Quốc, nhà đầu tư đã rút ròng 1,7 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán nước này trong tuần tính đến ngày 9/9. Đây là tuần rút ròng thứ 9 liên tiếp.

Chứng khoán châu Á sáng nay cũng diễn biến trái chiều, khi nhà đầu tư thận trọng trước phiên họp chính sách tuần này của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Phiên họp sẽ đưa ra quyết định có tăng lãi suất lần đầu trong gần một thập kỷ hay không. Đến nay, các nhà kinh tế học vẫn còn chia rẽ trong dự báo về sự kiện này.

Nikkei 225 (Nhật Bản) sáng nay giảm 1%, Kospi (Hàn Quốc) mất 0,88%, trong khi S&P/ASX 200 của Australia tăng nhẹ 0,1%. Nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang chờ phiên họp chính sách của Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) vào thứ Ba. BOJ được kỳ vọng giữ nguyên chương trình nới lỏng hiện tại.

Theo Hà Thu

VnExpress

Nguồn: VnExpress