"Các tác động của đại dịch Covid-19 đã thể hiện - ở các mức độ khác nhau - trên tất cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm mà FAO đánh giá. Trong khi Covid-19 nhìn chung đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh lương thực, phân tích của chúng tôi thể hiện cái nhìn toàn cảnh khắp thế giới, và các thị trường hàng hóa nông sản đang chứng tỏ khả năng chống chọi với đại dịch tốt hơn nhiều so với các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy quy mô của những thách thức và bất ổn liên quan đến Covid-19 là rất lớn, và cộng đồng quốc tế phải thận trọng, luôn luôn sẵn sàng ứng phó khi cần thiết”, ông Boubaker Ben-Belhassen, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của FAO cho biết.
FAO đưa ra những xu hướng và triển vọng chính về các mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ chốt trong năm 2020/21 như sau:
Ngũ cốc
Mặc dù còn nhiều bất trắc do đại dịch gây ra, dự báo đầu tiên của FAO về cung – cầu các loại ngũ cốc trong niên vụ 2020/21 khá lạc quan. Triển vọng sơ bộ cho thấy sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm 2020 sẽ vượt 2,6% so với mức kỷ lục của năm trước.
Thương mại ngũ cốc thế giới năm 2020/21 dự báo sẽ đạt 433 triệu tấn, cũng tăng 2,2% (9,4 triệu tấn) so với năm 2019/20 để lập kỷ lục mới. Lý do chủ yếu bởi thương mại dự báo sẽ tăng đối với tất cả các loại ngũ cốc chính.
Thịt
Tổng sản lượng thịt trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm 1,7% vào năm 2020 do các dịch bệnh ở động vật, sự gián đoạn ở nhiều khâu trên thị trường liên quan đến Cocid-19 và ảnh hưởng của hạn hán kéo dài.
Thương mại các mặt hàng thịt trên toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng vừa phải (ở tốc độ chậm hơn so với mức tăng của năm 2019), chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc vẫn cao.
Giá thịt trung bình trên thế giới đã giảm 8,6% kể từ tháng 1/2020, trong đó giá thịt cừu giảm mạnh nhất, tiếp đến lần lượt là thịt gia cầm, thịt lợn và thịt bò, do các vấn đề liên quan đến Covid-19, như tắc nghẽn ở khâu hậu cần, nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu giảm dần, và một khối lượng lớn các sản phẩm không bán được.
Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục ảnh hưởng nhiều đến thị trường thủy sản trong năm nay, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản tươi sống và các loài mà nhà hàng ăn uống thường sử dụng. Về phía nguồn cung, các đội tàu đánh cá vẫn đang neo ở bờ (nhàn rỗi), còn các cơ sở nuôi trồng thủy sản giảm mạnh việc nuôi thả vì lo ngại triển vộng nhu cầu yếu.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất một số loại thủy sản như tôm và cá hồi. Mùa nuôi tôm ở Châu Á thường bắt đầu từ tháng 4, năm nay bị trì hoãn đến tháng 6-7. Ví dụ, tại Ấn Độ, sản lượng nuôi tôm dự báo sẽ giảm 30-40%.
Nhu cầu tôm cả tươi và đông lạnh trên thế giới đều đang giảm đáng kể, trong khi nhu cầu cá hồi dự báo sẽ giảm ít nhất 15% trong năm 2020. Đặc biệt, doanh số bán lẻ cá hồi tươi giảm đáng kể và dự báo sẽ chưa sớm hồi phục trong một thời gian nữa.
Đường
Sản lượng đường thế giới niên vụ 2019/20 dự báo sẽ giảm năm thứ hai liên tiếp và xuống dưới mức tiêu thụ (dự báo) trên toàn cầu - lần đầu tiên trong vòng 3 năm, cầu sẽ vượt cung.
Thương mại đường dự báo sẽ tăng lên do giá duy trì ở mức thấp và một số nước nhập khẩu truyền thống muốn tăng lượng đường dự trữ.
Cho đến thời điểm hiện tại, giá đường vẫn không cải thiện nhiều mặc dù dự báo thị trường đường thế giới vụ 2019/20 sẽ thiếu hụt nguồn cung. Giá đường đã giảm từ giữa năm 2017, và duy trì ở dưới chi phí sản xuất của đa số các nước sản xuất chủ chốt.
Sữa
Mặc dù có sự gián đoạn thị trường do đại dịch Covid-19, sản lượng sữa trên toàn cầu đang chứng tỏ khả năng phục hồi, có thể tăng 0,8% vào năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sữa thế giới dự kiến sẽ giảm 4%, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu đang chững lại.
Hạt có dầu
Mặc dù triển vọng nhu cầu yếu, giống như các mặt hàng khác, do đại dịch Covid-19, song dự báo mới nhất của FAO về các loại hạt có dầu cũng như sản phẩm của các loại hạt này vẫn hướng đến tình trạng nguồn cung trên toàn cầu ngày càng bị thắt chặt, chủ yếu do sản lượng sụt giảm.
Trong niên vụ 2020/21, dự báo cung hạt có dầu sẽ vẫn thấp hơn so với nhu cầu.

Nguồn: VITIC/FAO