Các công ty dầu mỏ đang đối mặt với một thách thức thực sự, khi họ buộc phải cắt giảm đầu tư để tìm đường sống sót sau khi thị trường năng lượng sụp đổ bởi “đòn kép”: dịch COVID-19 và cuộc chiến giá cả giữa Nga-Saudi Arabia.
Sự gián đoạn trong hoạt động đầu tư
Theo Cơ quan nghiên cứu IFPEN của Pháp, đầu tư vào hoạt động thăm dò và sản xuất dầu trên toàn cầu dự kiến sẽ chạm mốc trên 500 tỷ USD trong năm 2020. Tuy nhiên, sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, từ đó tạo ra làn sóng “bế quan toả cảng” của nhiều quốc gia trên thế giới, đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nơi tư vấn cho các quốc gia nhập khẩu dầu về chính sách năng lượng, cho biết họ dự báo sẽ nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, khi nền kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái.
Trên các thị trường toàn cầu, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm từ mức 60 USD/thùng xuống chỉ còn chưa đến 25 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI cũng hạ từ mức gần 54 USD/thùng xuống chỉ còn hơn 20 USD/thùng.
Tuy nhiên, không phải mọi sự sụt giảm đều là hậu quả của dịch COVID-19. Trong vài năm qua, giá dầu đã được hỗ trợ bởi các thoả thuận giới hạn sản xuất giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu, và một số nhà sản xuất khác, trong đó có Nga.
Việc giữa Nga và Saudi Arabia hồi đầu tháng Ba đã không đạt được thoả thuận cắt giảm sâu hơn nữa sản lượng đã khiến Saudi Arabia điều chỉnh giảm giá bán “vàng đen” và tuyên bố tăng sản lượng. Để trả đũa, Moskva cũng làm điều tương tự, khiến giá dầu lao dốc không phanh.
Giáo sư David Elmes tại Trường Kinh doanh Warwick (Anh) cho biết: "Tất cả các công ty trong lĩnh vực (năng lượng) sẽ nhận ra họ không có nhiều lựa chọn ngoài việc cắt giảm chi phí, chuyển sang hoạt động trong những lĩnh vực có chi phí thấp nhất, cắt giảm đầu tư và điều chỉnh các chính sách cổ tức".
Giáo sư Elmes cho rằng mặc dù việc cắt giảm đầu tư có thể được thực hiện một cách tương đối dễ dàng nhưng nếu giá dầu được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, các công ty sẽ phải cân nhắc về việc đóng cửa những cơ sở sản xuất có chi phí cao, chẳng hạn như ở nước ngoài.
Đồng quan điểm này, nhà phân tích Biraj Borkhataria tại RBC Capital Markets, cho biết đối với tất cả các công ty dầu mỏ, việc triển vọng giá dầu ở mức 30 USD/thùng hoặc thấp hơn trong khoảng thời gian dài sẽ là một thách thức rất lớn. Theo đó, nếu các mức giá này kéo dài trong hơn sáu tháng, các công ty sẽ phải cắt giảm cổ tức. Đây là yếu tố lâu nay vẫn được giới đầu tư đánh giá cao, và có ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán.
Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco cho biết họ sẽ hạn chế các khoản đầu tư xuống còn 25 - 30 tỷ USD trong năm nay, một mức giảm khiêm tốn so với con số 32,8 tỷ USD mà họ đã chi trong năm ngoái.
Darren Woods, Giám đốc điều hành của Exxon Mobil Corporation, cho biết: "Dựa trên những điều kiện (tiêu cực) chưa từng có này, chúng tôi đang đánh giá lại tất cả các bước đi thích hợp nhằm làm giảm đáng kể nguồn vốn và chi phí hoạt động trong thời gian tới".
Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ của Anh BP đang hướng tới mục tiêu giảm 20% chi tiêu trong năm nay, Giám đốc tài chính Brian Gilvary cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg.
Chuyên gia Moez Ajmi tại hãng kiểm toán EY ở Pháp cho biết sẽ có nhiều công ty dầu nhỏ hơn phải đấu tranh để tồn tại, trong khi các công ty độc lập cỡ trung sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với đó, nhiều dự án sẽ bị trì hoãn và quá trình cơ cấu nợ sẽ bắt đầu.
Sự bùng nổ trong hoạt động sản xuất dầu đá phiến đã khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới và thậm chí là nhà xuất khẩu ròng. Tuy nhiên, ngành này rất mong manh. Nhiều công ty dầu đá phiến độc lập đang hoạt động dựa trên nền tảng nợ và ngay cả trước khi giá dầu sụp đổ, cũng công ty này đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. Ảnh: AFP/ TTXVN
Một cơ hội cho ngành môi trường thế giới
Trong khi đó, ở một góc nhìn khác, các nhà hoạt động môi trường lại nhìn thấy những khía cạnh tích cực của cuộc khủng hoảng trên thị trường năng lượng ngày nay.
"Về những tác động đối với khí hậu, chúng tôi cho rằng việc các dự án (thăm dò và phát triển dầu) có thể không được thực hiện là một tín hiệu tốt", một đại diện của chương trình hành động vì môi trường Friends of the Earth cho biết.
Mặc dù vậy, chuyên gia này cũng thừa nhận rằng từ bỏ những dự án trên sẽ không phải là đối sách dài hơi, trừ khi có những thay đổi trong chính sách kinh tế và chính trị ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, nguy cơ về một "sự tập trung quyền lực rơi vào tay các ‘ông lớn’ dầu mỏ, vốn có khả năng phục hồi tốt hơn so với các công ty nhỏ, là có".
Trong khi đó, Giáo sư Elmes cũng chỉ ra một số mặt tích cực của tình hình hiện nay bởi trước đó các công ty dầu khí châu Âu đã có ý định giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và sử dụng nhiều hơn các năng lượng tái tạo như gió và Mặt Trời.
"Sẽ có những cuộc thảo luận căng thẳng về những thay đổi có thể xảy ra để phát triển nhanh hơn", ông Elmes nói. Giờ đây, ngành dầu khí đã không còn là “đứa con cưng” của các nhà đầu tư. "Lợi nhuận của ngành này từng rất hấp dẫn, nhưng giờ đây lại nằm trong nhóm mang lại lợi nhuận tồi tệ nhất trong 5 năm qua, trong tổng số 33 ngành công nghiệp khác nhau”, chuyên gia này lưu ý.

Phương Nga (Theo AFP)

Nguồn: BNEWS/TTXVN