Trong thập kỉ qua, Mỹ đã sản xuất gấp hơn hai lần, đưa sản lượng dầu lên 12,3 triệu thùng/ngày và giúp Mỹ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng cần thiết để vận chuyển dầu thô ra khỏi các mỏ dầu ở Texas và đưa vào thị trường thế giới vẫn còn thiếu.
Tháng 8 đánh dấu một sự thay đổi lớn cho ngành công nghiệp với sự khởi động đường ống dẫn dầu Cactus II của công ty Plains All American Pipeline.
Đường ống Cactus II có công suất tải 670.000 thùng/ngày, kết nối mỏ dầu Permian với Corpus Christi, Texas và từ đó ra thế giới.
Đường ống này, và một cái khác, được đặt tên là Epic, chỉ là khởi đầu, với nhiều đường ống sẽ được xây dựng theo.
Các đường ống mới dự kiến sẽ đưa thêm dầu thô Texas đến Bờ Vịnh, và từ đó có thể được vận chuyển ra thế giới, nhưng thị trường thế giới vẫn được cung cấp đầy đủ, và thậm chí sự gia tăng dầu Mỹ có thể giúp hạ giá dầu, đặc biệt nếu chiến tranh thương mại tiếp tục khiến nhu cầu suy yếu.
Theo Citigroup, những đường ống dẫn dầu mới có thể giúp tăng xuất khẩu dầu Mỹ từ mức 3 triệu thùng/ngày hiện tại cộng thêm 1 triệu thùng vào cuối năm nay và thêm một triệu thùng vào năm tới.
Xuất khẩu đã tăng trung bình 970 thùng/ngày trong năm nay so với năm ngoái, theo Citigroup.
Công suất đường ống dẫn dầu gia tăng sẽ giúp giải phóng sự tắc nghẽn dầu tại mỏ Permian, với Citigroup đã dự báo có thể tăng gấp đôi sản lượng lên khoảng 8 triệu thùng/ngày vào năm 2023.
Với việc các đường ống dẫn đang được xây dựng, công suất xuất khẩu sẽ cần tăng thêm.
Nhiều cơ sở vận chuyển đang được mở rộng dọc theo Bờ Vịnh, Texas và Louisiana.
Mỹ sẽ sớm đạt công suất xuất khẩu 6 triệu thùng/ngày và thậm chí nhiều hơn dự kiến, theo Citigroup.
Trật tự thế giới mới?
Toàn bộ lượng dầu mới này tạo ra một vấn đề nan giải cho OPEC.
Arab Saudi, lãnh đạo không chính thức của OPEC, và đối tác Nga, đã giảm sản xuất để giúp ổn định giá dầu.
Tuy nhiên, ngay cả mất rất nhiều dầu Venezuela và 2 triệu thùng/ngày từ Iran, thị trường vẫn tràn ngập dầu với sản lượng của Mỹ tăng trưởng hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng trưởng nhu cầu ghi nhận tốc độ tương tự.
"OPEC mất 1% thị phần mỗi năm trong 7 năm qua", theo Francisco Blanch, người đứng đầu phòng nghiên cứu và phái sinh hoàng hóa của Ngân hàng Mỹ.
Giá dầu đã dao động không có xu hướng, với giá dầu thô ngọt nhẹ WTI rời xa khỏi đỉnh một năm ở 75 USD/thùng, giảm xuống mức thấp 42 USD vào đêm Giáng sinh, khi thị trường rủi ro bị bán tháo, và neo ở gần mức 50 USD trong thời gian gần đây.
Giá dầu Brent, được coi là mức giá chuẩn quốc tế, đã dao động quanh mức 60 USD/thùng trong tháng này.
Trong khi OPEC đã cố tình hạn chế sản xuất, kinh tế học đơn giản đã kìm hãm sự tăng trưởng sản xuất của Mỹ, vốn đã giảm trong những tuần gần đây, sau khi tăng từ 11 triệu thùng/ngày một năm trước.
Ông Blanch cho hay rõ ràng các công ty đang giảm đầu tư và hoạt động, với số lượng giàn khoan thấp hơn. Hiệu suất sản xuất sẽ vẫn thúc đẩy tăng trưởng, nhưng tốc độ chậm lại từ đây.
Edward Morse, người đứng đầu phòng nghiên cứ hàng hóa thế giới của Citigroup, cho biết ông hi vọng Nga và OPEC sẽ tiếp tục giảm sản xuất, và suy thoái kinh tế sẽ khuyến khích hai quốc gia duy trì hợp tác.
Nhu cầu giảm, giá giảm và các nhà sản xuất Mỹ sẽ không còn thấy việc bơm nhiều dầu mang lại ý nghĩa kinh tế.
Tuy nhiên, một đợt suy thoái kinh tế sẽ chỉ làm chậm xu hướng, không ngăn chặn nó.
"Chúng tôi thống nhất nguồn cung sẽ dư thừa trong hai đến ba năm tới. Chúng tôi nhận thấy giá bị thách thức trong hai đến ba năm tới. [...] giá dầu Brent ở mức thấp 50 USD và WTI ở 40 USD, vốn không phải là môi trường sẽ được tái đầu tư nhiều như hiện tại", ông Morse nói.
Dầu thô Mỹ sẽ trở thành chuẩn mực?
Mặc dù vậy, ngay cả khi có một sự chậm lại đáng kể hơn, Mỹ sẽ tiếp tục hướng tới vai trò chi phối nhiều hơn trên thị trường dầu mỏ thế giới, với mỗi thùng rời khởi Bờ Vịnh.
Ông Morse nhận định sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà xuất khẩu lớn có thể thay đổi trọng tâm thị trường thế giới và giá dầu thô tại Bờ Vịnh có thể trở thành chuẩn mực toàn cầu, thay thế dầu Brent.
Sự chênh lệch giữa giá dầu Brent và WTI đã thu hẹp, khi ngày càng nhiều thô Mỹ được đưa vào thị trường thế giới.
Ông Morse cho biết Mỹ đang trên đường trở thành nhà xuất khẩu dầu ròng. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuất khẩu dầu diesel, xăng và nhiên liệu khác.
Theo dữ liệu hàng tuần của chính phủ, hai tuần trước, Mỹ đã xuất khẩu 5,3 triệu thùng sản phẩm tinh chế và 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Mỹ đã từng là nhà sản xuất dầu có ảnh hưởng lớn của thế giới, trước Thế chiến II. Và theo ông Daniel Yergin, Phó Chủ tịch IHS Markit, danh hiệu này sẽ quay trở lại với Bờ Vịnh trong tương lai.
Ông Yergin cho biết Mỹ sẽ không có cơ hội tăng sản lượng nhiều đến vậy nếu không gỡ bỏ lệnh cấp và cho phép xuất khẩu dầu Mỹ vào năm 2015.

Nguồn: LyLy Cao/Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng