Được kỳ vọng trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững với kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10 tỷ USD, nhưng ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ngay từ đầu năm 2018, các dự báo cho thấy nguồn cung thế giới sẽ tăng mạnh trong năm nay, gây nên áp lực giảm giá bán đối với mặt hàng tôm xuất khẩu Việt Nam ở các thị trường. Điều này đồi hỏi ngành tôm cần có chiến lược phát triển bài bản để đứng vững trong cơn khủng hoảng giá thấp hiện nay.
Bài 1: Giá giảm sâu, người nuôi lao đao 
Kể từ cuối tháng 2/2018, giá tôm thế giới giảm nhanh do tồn kho tại Mỹ tăng cao, sản lượng tăng tại các nước sản xuất chính ngay lập tức đã ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Chưa kể đến yếu tố thị trường, giá tôm nuôi gần chạm đáy như hiện nay cũng đủ khiến người nuôi lao đao, thua lỗ.
 * Giãn vụ và... "treo ao"
Gần 2 tháng nay, những người nuôi tôm ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long “đứng ngồi không yên” khi giá tôm liên tục sụt giảm mạnh, trong khi các doanh nghiệp, thương lái lại hạn chế thu mua. Theo một số hộ nuôi tôm và thương lái ở khu vực này, giá tôm thẻ nguyên liệu hiện đang giảm thấp nhất trong những năm gần đây.
Cùng chung tâm trạng với nhiều hộ nuôi tôm, ông Trần Văn Trưởng, xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, Bến Tre đang lo lắng lượng tôm nuôi gần 1ha sắp tới kỳ thu hoạch sẽ bị thua lỗ nếu giá nguyên liệu không cải thiện.
Hộ gia đình ông có 3ha diện tích mặt nước để thả nuôi tôm, nhưng chỉ dám thả nuôi 1ha cầm chừng chứ không dám thả nhiều. Chỉ tính riêng tiền con giống đã phải đầu tư hơn 300 triệu đồng/ha, chưa kể tiền thức ăn chăn nuôi, chi phí thuốc men, khấu hao thiết bị máy móc… Với giá bán hiện nay, chắc chắn gia đình ông sẽ khó thu hồi vốn đầu tư như dự kiến.
Bà Nguyễn Thị Ơi, chủ vựa thu mua tôm ở huyện Bình Đại, Bến Tre cũng cho biết: giá tôm thẻ hiện sụt giảm mạnh từ 40.000 - 50.000 đồng/kg ở tất cả các kích cỡ so với thời điểm đầu năm 2018. Loại tôm có kích cỡ 30 con/kg chỉ bán được ở mức 130.000 đồng/kg; 40 con/kg có giá 110.000 đồng/kg; 100 con/kg là 70.000 đồng/kg…
Với mức giá này người nuôi tôm may ra chỉ hòa vốn hoặc lãi rất thấp, riêng một số hộ chăm sóc không tốt còn bị lỗ vốn. Do lượng mua không nhiều nên hiện nay đa số người nuôi không tái đầu tư mà buộc phải "treo ao" hoặc nuôi với mật độ thấp chờ đến khi giá bán cải thiện hơn. Cùng với việc tôm thẻ rớt giá, người nuôi tôm ở khu vực phía Nam còn đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát ở tôm do điều kiện thời tiết nắng nóng, nhưng lại xuất hiện nhiều cơn mưa.
Không chỉ riêng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngay tại Tp.Hồ Chí Minh, nơi có thị trường tiêu thụ và lượng doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân được xem như nhiều nhất cũng trong tình trạng này.
Gần 20 năm nuôi tôm, ông Trịnh Đức Huấn, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ cho biết, đây là lần đầu tiên ông thấy giá tôm sụt giảm mạnh như hiện nay. Giá xuống thấp, nhưng lại không có người mua. Thậm chí, lượng tôm thẻ nuôi trải bạt sản xuất theo quy trình công nghệ cao và được công nhận đạt chuẩn VietGap của hộ gia đình ông lại bị ép giá bán thấp hơn so với tôm thông thường.
Theo ông Huấn, giá tôm thẻ nuôi trải bạt thường có màu xanh ngả vàng, nhưng nhu cầu mua ở thị trường trôi nổi lại ưa chuộng tôm màu đỏ hơn. Trước tình hình các doanh nghiệp không thu mua thì khi bán tôm trên thị trường, qua các chợ đầu mối, tôm trải bạt thường bị ép giá thấp hơn. Hiện giá tôm loại 40 con/kg chỉ còn 90.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí để nuôi tôm loại 30 - 40 con/kg đã lên đến 100.000 - 110.000 đồng/kg.
“Vào vụ thu hoạch này năm ngoái, tôi có hơn 30 tấn tôm bán với mức giá thấp nhất là 180.000 đồng/kg. Mặc dù chi phí đầu tư cao, so giá bán tốt nên lời ít nhất là gấp đôi. Còn hiện nay, giá bán xuống thấp hơn cả giá thành nên chúng tôi chỉ còn cách giãn vụ. Nếu "treo ao", các thiết bị máy móc đầu tư sẽ bị hư hỏng, khi đó thiệt hại còn lớn hơn bởi chi phí đầu tư nuôi tôm công nghệ cao lên tới gần 1 tỷ đồng/ha”, ông Huấn chia sẻ.
* Đối mặt với khó khăn
Lý giải tình trạng giá tôm sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung tôm trên thế giới tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay, trong khi lượng tồn kho tại Mỹ và các doanh nghiệp vẫn còn nhiều. Các báo cáo cho thấy, tồn kho của Mỹ tăng cao sau khi nhập khẩu trong năm 2017 tăng 10%. Khối lượng nhập khẩu tôm của Mỹ tăng 15% trong tháng 2 năm nay.
Xu hướng giá giảm không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở cả các nguồn cung tôm trên thế giới như Ecuador, Thái Lan, Indonesia… khiến người nuôi đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá xuống thấp.
Đề cập về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết: Trên thực tế, xu hướng giá giảm đã được cảnh báo từ trước. Trong năm 2017, thị trường tôm thế giới tiêu thụ khá tốt, người nuôi được giá. Do vậy, nhiều nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng diện tích nuôi, trong đó có cả Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số nước như Indonesia, Ecuador… đang vào vụ thu hoạch tôm dẫn đến nguồn cung trên thế giới tăng lên. Trong khi đó, hiện chưa tới thời điểm tiêu thụ tôm mạnh trên thị trường nên các doanh nghiệp không mặn mà bán ra mà đưa ra một mức giá gợi ý khá thấp. Muốn bán được nhiều, các nhà cung ứng phải chấp nhận bán giá thấp, dẫn đến mặt bằng giá xuất khẩu cũng giảm theo.
Theo các doanh nghiệp chế biến tôm, giá tôm nguyên liệu và tôm xuất khẩu có xu hướng sụt giảm từ cuối tháng 2/2018. Hiện giá tôm xuất khẩu đã giảm đến 20% so với thời điểm cuối năm 2017 và chưa biết giá sẽ giảm sâu như thế nào cũng như lo lắng các nhà nhập khẩu tiếp tục giảm mua. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp chế biến không dám thu mua nguyên liệu nhiều dù giá khá thấp.
Để đẩy mạnh thu mua nguyên liệu vào thời điểm này, doanh nghiệp phải có vốn mạnh và kho dự trữ lớn, nhưng với tình hình xuất khẩu khó khăn như hiện nay thì rất ít doanh nghiệp làm được điều này. Thêm vào đó, phần lớn các doanh nghiệp chế biến lớn hiện đều có vùng nguyên liệu nên họ cũng ít mặn mà với những ao nuôi chưa có chứng nhận của người dân.
Theo ông Hòe, dù bối cảnh giá sụt giảm, nguồn cung lớn chỉ diễn ra trong ngắn hạn nên việc điều chỉnh nguồn cung xuống thấp là điều cần thiết hiện nay. Vấn đề này chỉ có người nuôi tôm mới có thể làm được và các địa phương cần khuyến cáo người nuôi hạn chế thả nuôi trong khoảng thời gian này. Với quy trình sản xuất hiện nay, khi giá cả phục hồi, tín hiệu thị trường tốt thì việc sản xuất của người dân sẽ ổn định hơn.
Các doanh nghiệp cho rằng, với tình hình cung cầu như hiện nay, diễn biến giá thấp có thể tiếp diễn đến hết quý II/2018 khi các nước đã thu hoạch xong và lúc đó diện tích thả nuôi bị thu hẹp do đợt thua lỗ vừa qua. Thực tế tại thời điểm này, người nuôi tôm ở Indonesia, Thái Lan… đều hạn chế thả nuôi, sản lượng tôm sắp tới sẽ giảm và dự báo đầu quý III/2018 giá tôm sẽ có xu hướng tăng trở lại./.
Nguồn: TTXVN