Đây là báo cáo đầu tiên mà OPEC đánh giá thị trường dầu vào năm tới. Tổ chức này cho biết, dự báo trên dựa trên giả định rằng không có yếu tố nào gây rủi ro suy giảm nữa trong năm 2021 như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, mức nợ cao hay làn sóng lây nhiễm coronavirus thứ hai.
“Dự báo này được xây dựng với giả định rằng đại dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn, tạo điều kiện cho sự phục hồi của đầu tư và tiêu dùng hộ gia đình, được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích lớn được thực hiện để chống lại đại dịch”, OPEC nói.
Giá dầu đã sụp đổ trong năm nay do nhu cầu toàn cầu sụt giảm một phần ba trong bối cảnh các chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế, thậm chí là đóng cửa nền kinh tế để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Trong báo cáo lần này OPEC cho biết, nhu cầu dầu sẽ giảm 8,95 triệu thùng/ngày trong năm 2020, thấp hơn một chút so với báo cáo hồi tháng trước.
Với năm 2021, Tổ chức này cho rằng, những thay đổi thời kỳ hậu dịch như tăng cường làm việc từ xa có thể làm hạn chế đà phục hồi và khiến nhu cầu dầu toàn cầu vẫn thấp hơn so với năm 2019. Theo đó, OPEC dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 7 triệu thùng/ngày lên 29,8 triệu thùng/ngày trong năm 2021. “Thị trường dầu đang tiến gần hơn đến cân bằng khi nhu cầu tăng dần”, Tổng thư ký OPEC cho biết hôm thứ Hai.
Trong khi đó, từ tháng 5/2020, OPEC và các đồng minh ngoài OPEC do Nga dẫn đầu đã cắt giảm sản lượng gần 10 triệu thùng/ngày để thúc đẩy giá dầu. Sản lượng dầu tại các quốc gia khác như Mỹ, Na Uy và Canada cũng đã được cắt giảm, mặc dù những nước này không nằm trong thỏa thuận của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng.
Cũng theo OPEC, trong tháng 6 họ đã cắt giảm nguồn cung thêm 1,89 triệu thùng/ngày xuống còn 22,27 triệu thùng/ngày. Một nguồn tin cũng cho biết, OPEC+ đã thực hiện 107% việc cắt giảm sản lượng dầu đã được thống nhất vào tháng 6.
Trong khi tổ chức này ước tính, nhu cầu dầu thô của họ ở mức 23,8 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng 200.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước và cao hơn 1,5 triệu thùng/ngày so với mức bơm trong tháng 6. Điều đó cho thấy việc duy trì sản lượng hiện tại sẽ dẫn đến thâm hụt nguồn cung năm 2020.
OPEC cũng dự kiến, nguồn cung dầu ngoài OPEC vào năm 2020 sẽ giảm 3,26 triệu thùng/ngày và chỉ tăng 0,92 triệu thùng/ngày vào năm 2021. OPEC cũng cho biết, họ dự kiến sản lượng từ khối Liên Xô cũ sẽ không tăng trưởng trong năm 2021 mặc dù Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đã cắt giảm sản lượng song song với OPEC. Sản lượng dầu của Mỹ cũng được dự báo sẽ chỉ tăng 0,24 triệu thùng/ngày trong năm 2021 sau khi giảm 1,37 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và tăng 1,7 triệu thùng ngày vào năm 2019.
Tuy nhiên theo chuyên gia Amrita Sen – đồng sáng lập tổ chức tư vấn Energy Aspects, dự đoán về sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu của OPEC là quá lạc quan. Tổ chức này chỉ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng thêm 5 triệu thùng/ngày vào năm tới.
Hiện thị trường đang chờ đợi tin tức từ OPEC+ về mức cắt giảm sản lượng tiếp theo. Ủy ban kỹ thuật chung của OPEC nhóm họp vào thứ Ba (14/7) và Ủy ban giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC sẽ họp vào thứ Tư (15/7).
Bên cạnh đó, thị trường vẫn tỏ ra thận trọng trước những lo ngại rằng các bang của Mỹ có thể tăng cường các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus như California đã làm vào thứ Hai, sau các động thái tương tự ở các bang khác, như Florida và Texas. Những hạn chế mới cũng được thực hiện ở nhiều quốc gia châu Á và Úc. Điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới đà phục hồi của nhu cầu dầu toàn cầu.
Trong khi dù đã cắt giảm sản lượng, lượng dầu dự trữ tại các nước công nghiệp vẫn tiếp tục tăng thêm 29,9 triệu thùng trong tháng 5 lên 3.167 tỷ thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm khoảng 210 triệu thùng.

Nguồn: Thời báo ngân hàng