Tổ chức OPEC cùng với Nga và các nhà sản xuất khác – gọi là OPEC+ - hợp tác với các nước sản xuất dầu khác gồm cả Mỹ để cắt giảm sản lượng khoảng 20 triệu thùng/ngày. Số lượng đó chiếm khoảng 20% nhu cầu toàn cầu trước đại dịch virus corona, và là bước tiến chưa từng có để hỗ trợ giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất 18 năm trong tháng 3/2020.
Eugen Weinberg, nhà phân tích dầu tại ngân hàng Commerzbank nói về mục tiêu sản lượng “mọi người phải nhận ra rằng điều này đơn giản là không thể về mặt kỹ thuật hay toán học”. “Dù OPEC có cố gắng thuyết phục thị trường về sức mạnh và quyết tâm của họ đến đâu, thì cho tới nay vẫn không thành công”.
Trong thỏa thuận cuối tuần, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020. Phần cắt giảm còn lại từ Mỹ, Canada và các quốc gia khác ít cụ thể hơn và là do giá yếu và đang diễn ra.
ABN Amro cho biết “một số có thể dự đoán rằng do kết quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng chưa từng có, giá dầu sẽ tăng vọt. Điều đó không xảy ra”. Ngân hàng này bổ sung rằng thị trường đã định giá thỏa thuận này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông dự kiến thỏa thuận diễn ra trong đầu tháng 4/2020.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết lượng cắt giảm thực sự là 19,5 triệu thùng/ngày, trong đó các nhà sản xuất G20 cam kết cắt giảm 3,7 triệu thùng/ngày và các kho dự trữ chiến lược mua khoảng 200 triệu thùng trong vài tháng tới.
Nhưng Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã không đề cập tới các kế hoạch như vậy trong một báo cáo ngày 15/4/2020, nói rằng “vẫn đang đợi chi tiết về một số cắt giảm sản lượng theo kế hoạch và đề xuất sử dụng kho dự trữ chiến lược”. IEA cho biết lượng dầu chuyển vào kho dự trữ chiến lược khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Mỹ cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết họ có thể mua để bổ sung dự trữ. Ấn Độ dự định lấp đầy kho dự trữ chiến lược vào tuần thứ 3 của tháng 5/2020 bằng cách chuyển 19 triệu thùng vào các kho đó.
Tại Texas, các cuộc đàm phán giữa các cơ quan quản lý năng lượng và các giám đốc điều hành hàng đầu cho tới nay chưa có kết quả nào về động thái giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày.
Một loạt các dự thảo của OPEC+ mà Reuters được thấy có mức cắt giảm sản lượng toàn cầu sẽ là hơn 20 triệu thùng/ngày, thậm chí còn đề xuất gồm cả việc giảm sản lượng không tự nguyện tại Iran, Libya và Venezuela – các nước OPEC được miễn trừ cắt giảm do bị các lệnh cấm vận của Mỹ hay bị xung đột nội bộ.
OPEC+ cũng tính đến sự khác biệt giữa sản lượng hiện tại và mức cơ sở sử dụng cho việc cắt giảm thấp hơn nhiều đối với các nhà sản xuất như Saudi Arabia và UAE, những quốc gia cho biết họ đã nâng sản lượng trong những tuần gần đây.
Tuy nhiên, tuyên bố được công bố đã loại bỏ bất kỳ đề cập nào tới con số 20 triệu thùng/ngày hay cách tính toán thế nào.
Một nhà giao dịch dầu thô kỳ hạn cho biết “số lượng các nhà sản xuất dựng lên càng nhiều, nó càng kém tin cậy. Tôi nghĩ lượng cắt giảm thực sự nhiều khả năng bằng 1/3 con số đó, khoảng 7 tới 8 triệu thùng/ngày”.

Nguồn: VITIC/Reuters