Thế giới
Giá Ure thế giới đã giảm xuống sau khi Ấn Độ chốt thầu nhập khẩu Ure ở mức giá thấp hơn mức tăng trên thế giới trước đó. Cụ thể, trong phiên thầu nhập khẩu Ure của Ấn Độ đóng ngày 1/7/2019, MMTC đã chốt mua khoảng 1,7 triệu tấn Ure, trong đó Ure nguồn gốc Trung Quốc ở mức khoảng 750.000 – 1 triệu tấn (với mức giá tại cảng Trung Quốc khoảng 278 USD/tấn, FOB). Ấn Độ chốt mua lượng Ure lớn trong phiên thầu lần này có thể do Ấn Độ điều chỉnh giảm sản xuất trong nước. Mặc dù Ấn Độ đang hướng tới tự cung tự cấp phân bón, tuy nhiên, do thiếu nguồn cung khí đốt tự nhiên để sản xuất Ure nên trong trường hợp chi phí sản xuất trong nước cao hơn chi phí nhập khẩu, hàng nhập khẩu vẫn được ưu tiên hơn.
Sau phiên thầu, các nhà sản xuất Ure ở Vịnh Ả rập đã chấp nhận giao dịch Ure ở mức giá FOB thấp hơn 7 USD/tấn, tại Vịnh Hoa Kỳ giảm 4 -11 USD/st, tại Baltic giảm 5 USD/tấn.
Giá phân bón bán lẻ trong tháng biến động so với tháng trước và tùy theo từng chủng loại. Cụ thể, MAP giảm 1 USD xuống còn 535 USD/tấn; Ure giảm 5 USD xuống còn 430 USD/tấn; phân hỗn hợp 10-34-0 giảm 2 USD xuống 584 USD/tấn; Anhydrous giảm 4 USD xuống 585 USD/tấn và UAN32 giảm 1 USD còn 317 USD/tấn. Ngược lại, DAP tăng 1 USD lên 497 USD/tấn; Kali tăng ít nhất 1 USD lên 392 USD/tấn; UAN28 tăng 5 USD lên 275 USD/tấn.
So sánh với cùng thời gian này năm trước giá phân bón ở các chủng loại hầu hết đều tăng. Theo đó, DAP tăng 2%, MAP tăng 5%, phân hỗn hợp 10-34-0 tưng 10%, Kali tăng 11%; UAN28 và UAN32 tăng 14%; Anhydrous tăng 16% và cuối cùng là Ure tăng cao nhất 18%.
Giá phân Ure bình quân tính từ đầu năm đến ngày 19/7/2019
ĐVT: USD/tấn

Đối với thị trường Trung Quốc, những tuần đầu tháng 7/2019 nhu cầu tiêu thụ cho nông nghiệp tăng nhẹ, các nhà sản xuất Ure đã tăng giá khoảng 20 – 40 CNY/tấn tại một số khu vực như Sơn Đông, Giang Tô… Kể từ cuối tháng 6/2019, do nhu cầu thấp, giá nông sản không cao, thị trường Ure nội địa tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên, ở một số khu vực như Sơn Đông, Giang Tô… nhờ mưa làm giảm hạn hán, lượng mua tăng nên các nhà sản xuất đã tăng giá Ure. Trong khi đó, ở các khu vực khác, giá Ure vẫn tương đối ổn định.
Về nguồn cung, các khu vực Trung và Đông Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi thanh tra môi trường trong khi một số nhà máy đã khôi phục sản xuất sau bảo trì ở An Huy, Giang Tô, Nội Mông… sản lượng Ure hàng ngày tăng, nguồn cung khá dồi dào.
Tại thị trường nội địa, cuối tháng 7/2019 tiếp tục suy yếu do nhu cầu phân bón thấp dù một số khu vực tại ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đồng 2019. Trong khi đó, tại các khu vực khác, nhu cầu phân bón cũng duy trì ở mức thấp; tại miền Đông và Tây Nguyên do nắng nóng nên nhu cầu bón phân cho cây công nghiệp không nhiều, đại lý ít nhập hàng; tại miền Trung, miền Bắc đang cuối vụ Hè Thu nên nhu cầu phân bón chậm. Giá phân bón giao dịch tại thị trường nội địa tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt đối với DAP trong khi giá Ure tạm giữ ở mức thấp. Tính đến ngày 25/7/2019, giá DAP bình quân đã giảm 10-15%, giá Ure giảm 4-10% so với đầu năm 2019.
Đơn cử như, giá phân bón DAP liên tục giảm theo xu hướng thị trường thế giới. Giá phân bón DAP của Trung Quốc hiện còn khoảng 9.500 đồng/kg, giảm khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; giá phân bón DAP Đình Vũ giảm nhẹ khoảng 500 đồng/kg và hiện còn khoảng hơn 9.000 đồng/kg…
Giá bán lẻ nhiều loại phân Urê do trong nước sản xuất như Urê Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, Urê Ninh Bình và Urê Hà Bắc tại Đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 360.000 - 390.000 đồng/bao. Còn nhiều loại Urê nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia, Qatar... giá 350.000 - 400.000 đồng/bao.
Các loại phân DAP sản xuất trong nước như DAP Đình Vũ, DAP Cà Mau có giá 500.000 - 640.000 đồng/bao, trong khi nhiều loại DAP nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc có giá từ 600.000 - 780.000 đồng/bao, tùy loại.
Tiêu thụ phân bón thời gian tới tiếp tục gặp khó khăn do giá các loại nông sản xu hướng giảm, cùng với đó ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Vụ Thu Đông 2019 tại khu vực ĐBSCL ước tính có diện tích xuống giống giảm mạnh do giá lúa giảm, do chuyển đổi diện tích cây trồng từ vụ Hè Thu 2019. Ngoài ra, gần đây, dự báo mực nước sông Mekong thấp kỷ lục cũng gây ảnh hưởng tới tâm lý xuống giống vụ 3 tại khu vực ĐBSCL.
Trong tháng 7/2019 ngày 18, MRC đã xác nhận mực nước đầu mùa lũ, tháng 6-7/2019 trên sống Mekong đang ở mức thấp nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Mực nước thấp dự kiến gây lũ về không dần cao, kéo theo một số hệ lụy như: phù sa ngày càng ít dần; lượng thủy sản ít; không có đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa, không rửa được tạp chất khác trong đất, ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa, cây trồng.
Do giá lúa thấp từ vụ Đông Xuân 2018 – 2019, ngay từ vụ Hè Thu, một số địa phương vùng ĐBSCL đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây cạn hoặc nuôi trồng thủy sản. Cụ thể: tỉnh Kiên Giang chuyển đổi 29.161 ha, Vĩnh Long chuyển 18.389 ha, Tiền Giang 8.608 ha, Long An 5.857 ha…
Về hoạt động xuất, nhập khẩu theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tình trạng nhập siêu vẫn tiếp diễn. Cụ thể:
Tháng 7/2019 cả nước đã xuất khẩu 65,4 nghìn tấn phân bón các loại, trị giá 22,65 triệu USD, tăng 7,6% về lượng và 7,8% về trị giá so với tháng 6/2019, giá xuất bình quân 346,12 USD/tấn, giảm 2,1% so với tháng 6/2019, nhưng tăng 0,2% so với tháng 7/2018. Nâng xuất khẩu phân bón 7 tháng đầu năm 2019 lên 409,5 nghìn tấn, trị giá 133,23 triệu USD, giảm 26,2% về lượng và giảm 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Tháng 7/2019 cả nước đã nhập khẩu 302,4 nghìn tấn phân bón, trị giá 85,92 triệu USD, tăng 9,7% về lượng và 7,5% trị giá so với tháng 6/2019, giá nhập bình quân 284,09 USD/tấn, tăng 0,74% so với tháng 6/2019 nhưng giảm 2,01% so với tháng 7/2018. Nâng lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng 2019 lên 2,29 triệu tấn, trị giá 649,94 triệu USD giảm 7,7% về lượng và giảm 7,8% trị giá so với 7 tháng năm 2018.
Dự báo, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, thị trường phân bón thời gian cuối tháng 7 và đầu tháng 8 suy yếu do nhiều địa phương đã xuống giống vụ Thu Đông 2019. Trong khi đó, nhiều khu vực chịu nắng nóng, hạn hán nên lượng phân bón chăm sóc cây trồng cũng giảm. Cùng với đó, sự cạnh tranh giữa các thương hiệu phân bón trong và ngoài nước trên thị trường cũng khiến giá các loại phân bón giảm nhẹ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam nhận định, tình hình tiêu thụ phân bón sẽ ngày càng khó khăn do giá các loại nông sản có xu hướng giảm, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết. Đặc biệt, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn còn tồn tại ở nhiều địa phương.
Ông Thúy đề nghị, Chính phủ sớm công bố bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón hữu cơ. Ngoài ra, thời gian tới, cần có lộ trình chấm dứt, hạn chế dùng các hóa chất trong nông nghiệp; đồng thời, hạn chế và tiến tới chấm dứt dần dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích trong nông nghiệp. Điều này nhằm tạo điều kiện phát triển phân bón hữu cơ, phục vụ nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch ở Việt Nam.
Đại diện Hiệp hội cũng cho rằng, cần quản lý chặt chẽ hơn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước cũng như nhập khẩu trên thị trường; có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn với việc sản xuất hàng giả, hàng nhái.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho biết, Cục sẽ tăng cường kiểm soát thị trường phân bón và xử lý, xử phạt các sai phạm.
Hiện Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, thanh tra các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, gia công, kinh doanh phân bón vô cơ.
Đặc biệt, sẽ lưu ý việc lấy mẫu, kiểm nghiệm phân bón và chuyển hồ sơ các vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Theo thông tin từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện giá phân bón trên thị trường trong nước và thế giới có xu hướng giảm nhẹ; trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đến cuối năm.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Agromonitor, TCHQ, TTXVN

Nguồn: Vinanet