Theo các chuyên gia trong ngành, triển vọng ngắn hạn của thị trường cao su vẫn khả quan khi các Chính phủ trên toàn thế giới chuyển hướng từ tập trung chống dịch Covid-19 sang nỗ lực khôi phục kinh tế. Bên cạnh đó, việc các nước mở cửa trở lại nền kinh tế thúc đẩy nhu cầu và giá dầu mỏ tăng, từ đó cũng góp phần tác động tích cực lên giá cao su.
Kể từ đầu tháng 4/2020 tới trung tuần tháng 6/2020, giá cao su trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 12%, hiện đạt khoảng 10.300 CNY/tấn. Giá cao su hàng thực ở Châu Á và giá trên sàn Tokyo (Nhật Bản) cũng đang trong xu hướng tích cực.
Thế giới đang dần dỡ bỏ những chính sách phong tỏa/giãn cách xã hội. Các hoạt động từ sản xuất đến giao thông đều được khôi phục dần.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su quốc tế (ANRPC), tiêu thụ cao su toàn cầu tháng 5/2020 giảm 15%, nhưng tháng 6/2020 ước tính chỉ còn giảm 5,3% và sẽ chuyển hướng tăng từ tháng 7/2020.
Trong khi đó, Ủy ban Cao su Malaysia (MRB) nhận định nhu cầu cao su toàn cầu sẽ trở lại tăng trưởng vào tháng 6/2020 với mức tăng khoảng 0,4%, sau khi giảm 21,3% trong tháng 4/2020 và giảm 10,1% vào tháng 5/2020. Dự báo của MRB dựa trên cơ sở nhu cầu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, sẽ tăng lên theo đà tăng trưởng của ngành ô tô, với doanh số bán xe trong tháng 4/2020 tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm nhiều nhất 21 tháng ở tháng 3/2020.
Năm 2020 ngành cao su thế giới rơi vào khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng vài thập kỷ trở lại đây
Mặc dù giá cao su đang tăng lên, song vẫn còn một số yếu tố rủi ro có thể khiến cho thị trường hàng hóa nói chung và cao su nói riêng khủng hoảng trở lại, như đại dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới suy thoái toàn cầu; sự chậm trễ trong việc phát triển vắc-xin Covid-19 và nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2...
Các chính sách chống Covid-19 đã được nới lỏng dần, song vẫn cần thêm vài tháng để thị trường tài chính ổn đinh và tăng trưởng trở lại, nhất là ở những nước mà các chính sách kích thích kinh tế không mạnh mẽ hoặc hiệu quả không cao. Đà phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu trong giai đoạn hậu Covid có thể cũng sẽ bị cản trở bởi các vấn đề địa chính trị và xung đột thương mại. Thế giới đang có xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nhiều nước chuyển hướng tập trung tìm kiếm nguồn cung ứng trong nước nay thì thương mại quốc tế. Điều đó có thể ảnh hưởng đến thương mại và vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Trong báo cáo tháng 6/2020, ANRPC tiếp tục hạ triển vọng thị trường cao su thiên nhiên, là lần điều chỉnh giảm thứ 4 trong năm nay. Trong đó, dự báo về cả cung và cầu đều thấp hơn so với các con số đưa ra vào tháng 5/2020, mặc dù thị trường đã hồi phục nhẹ từ cuối tháng 4, khi các nước giảm dần các chính sách chống dịch Covid-19.
Cụ thể, dự báo về sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu được điều chỉnh giảm thêm 303.000 tấn, tức là thấp hơn 4,7% so với dự báo trước, xuống 13.130 triệu tấn trong năm 2020. Sản lượng cao su Indonesia dự báo sẽ giảm 12,6% xuống 2,9 triệu tấn trong năm 2020, trong khi sản lượng của Thái Lan sẽ giảm 0,9%.
Nhu cầu cao su thiên nhiên thế giới dự báo cũng sẽ giảm, chủ yếu do Ấn Độ và Indonesia. Theo ANRPC, năm 2020, thế giới sẽ chỉ tiêu thụ 12,84 triệu tấn cao su, giảm so với 13 triệu tấn đưa ra hồi tháng 4.
Đại dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ chuỗi cung ứng cao su rơi vào tình trạng hỗn loạn. Mặc dù đại dịch khiến nhu cầu cao su thiên nhiên dùng trong sản xuất găng tay và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng lên, nhất là ở Malaysia và Thái Lan, song không đủ bù đắp cho nhu cầu giảm mạnh trong ngành sản xuất lốp xe. Nhu cầu cao su cho hãng sản xuất lốp xe lớn nhất thế giới – Bridgestone – liên tục giảm do sản xuất ô tô giảm vì đại dịch. Hãng này đã phải ngừng hoạt động tại một số nhà máy trong giai đoạn cuối tháng 4 – đầu tháng 5.
Nhập khẩu cao su tự nhiên của Trung Quốc, nước tiêu thụ mặt hàng này lớn nhất thế giới, năm 2020 có thể giảm 5,1% so với năm 2019, xuống 4,8 triệu tấn, trong khi ở Ấn Độ - nước tiêu thụ lớn thứ 2 thế giới – sẽ giảm mạnh 21,3% do chính sách phong tỏa toàn quốc kéo dài gây ảnh hưởng nặng nề tới ngành sản xuất ô tô. 

Nguồn: VITIC/Reuters