Tại cuộc họp, cùng với việc nhìn lại tình hình, diễn biến, những mặt tích cực và tồn tại trong năm 2017, BCĐ Phát triển thị trường nông sản đã đưa ra những nhận định về triển vọng của một số thị trường trọng tâm và khả năng thúc đẩy XK trong năm 2018.
XK nông lâm thủy sản của Việt Nam đan xen những thuận lợi và thách thức trong năm 2018 cũng như những năm tới
BCĐ cho biết: Theo đánh giá Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2018 (IMF), sau khi đạt mức tăng trưởng cao hơn dự kiến trong năm 2017, nền kinh tế thế giới có khả năng vẫn duy trì được đà tăng trưởng hiện nay ở mức 3% dự kiến trong năm 2018, giúp nhu cầu tiêu thụ của hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục tăng. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh XK, trong đó có mặt hàng nông lâm thủy sản.
Tuy nhiên, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đối phó với chính sách đối nội của một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc hay Ấn Độ, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, với nhiều hiệp định thương mại đã được thực thi.
Theo đó, hàng rào thuế quan đối với mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ được tiếp tục cắt bỏ, song hàng rào phi thuế quan lại gia tăng. Bên cạnh đó, các thị trường lớn đang ngày càng điều chỉnh chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ SX trong nước thông qua việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm NK, tăng cường áp dụng các rào cản kỹ thuật, nhất là đối với vệ sinh ATTP và phòng vệ thương mại. Các mặt hàng nông lâm thủy sản XK của Việt Nam cũng đang ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng với các thị trường khác.
Thị trường Trung Quốc
Theo đánh giá của BCĐ, nhu cầu NK mặt hàng nông lâm thủy sản của Trung Quốc phục vụ SX và tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018. Theo dự báo của FAO, Trung Quốc là nước NK và tiêu thụ thủy sản, sữa và các sản phẩm sữa lớn nhất thế giới, nhu cầu NK và tiêu thụ rau quả cũng sẽ tăng rất nhanh trong giai đoạn 2017 - 2020 (chiếm 15,1% tổng tiêu thụ của thế giới).
Trung Quốc, thị trường XK nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam sẽ ngày càng thắt chặt kiểm soát chất lượng
Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy XK các mặt hàng thủy sản (cá tra, tôm, nhuyễn thể) và mặt hàng rau quả. Việc Hiệp định thương mại Trung Quốc - Asean đã có hiệu lực, giúp trái cây, sữa NK của Việt Nam vào thị trường này có thuế suất 0%. Thời gian tới, thủy sản (nhất là cá tra, tôm) và trái cây tươi (thanh long, xoài, chuối) sẽ là những mặt hàng có nhiều triển vọng “tăng tốc” vào thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, sẽ đàm phán để sớm có thể XK sữa vào thị trường này...
Bên cạnh những thuận lợi, thị trường Trung Quốc cũng đã và đang có xu hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lí và siết chặt NK thương mại biên giới. Đây cũng là thách thức lớn cho XK nông sản Việt Nam.
Hoa Kỳ và EU
Đến năm 2017, EU vẫn là thị trường XK nông lâm thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Dự kiến, các mặt hàng chủ lực như cà phê, hạt điều, cao su sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng XK tốt trong năm 2018 do kinh tế một số thành viên EU đang hồi phục, nhu cầu tiêu dùng ấm trở lại.
Đối với mặt hàng thủy sản (sản phẩm thủy sản khai thác) của Việt Nam, sẽ gặp nhiều khó khăn do EU hiện vẫn đang cảnh báo thẻ vàng. Tuy nhiên, một số sản phẩm thủy sản nuôi chủ lực của chúng ta như tôm thẻ chân trắng, tôm sú vẫn có triển vọng rất cao tại thị trường này do nhu cầu tiếp tục tăng.
Bên cạnh đó, EU cũng đang dự thảo các quy định mới về các chất sử dụng trên sản phẩm giống cây trồng, điều này dự báo sẽ có thể gây khó khăn cho XK một số sản phẩm trồng trọt sang thị trường này, nhất là hồ tiêu.
Đối với mặt hàng rau quả, EU cũng thường xuyên rà soát, điều chỉnh các quy định về ATTP và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ XK của Việt Nam vào thị trường này.
Đối với Hoa Kỳ, năm 2018, nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tiếp tục ổn định hoặc tăng chậm hơn so với kỳ vọng. Hoa Kỳ dự báo cũng sẽ gia tăng các biện pháp bảo hộ thông qua áp thuế chống bán phá giá (nhất là mặt hàng tôm), đồng thời tăng cường tiêu chuẩn chặt chẽ hơn nữa về chất lượng hàng nông sản, thủy sản NK, điều này sẽ gây tác động bất lợi tới XK của 2 nhóm ngành hàng lớn của Việt Nam là thủy sản và hồ tiêu.
Năm 2017, chương trình Thanh tra đối với cá da trơn theo Đạo luật Nông nghiệp (Farm Bill) được áp dụng từ ngày 2/8/2017 (kiểm tra 100% lô hàng cá tra XK của Việt Nam) đã khiến lượng cá tra XK của Việt Nam sang thị trường này giảm 50% chỉ trong 2 tháng. Tiếp theo cá tra, Hoa Kỳ đang dự kiến sẽ thực hiện đối với tôm và cá rô phi của Việt Nam. Ngoài ra, nước này đang triển khai mạnh mẽ việc áp dụng Đạo luật Lacey Act đối với nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ. Đây thực sự là những thách thức rất lớn đối với XK các mặt hàng này sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2018.
Tuy nhiên theo dự báo, các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam như hạt điều, cà phê, cao su, rau quả sẽ vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng XK nào thị trường Mỹ trong năm 2018 do nhu cầu tiêu thụ của thị trường này vẫn ổn định và tăng nhẹ. Đối với mặt hàng rau quả, Hoa Kỳ hiện là thị trường XK lớn thứ 3 của Việt Nam (5 loại trái cây tươi đã XK vào Mỹ gồm vải, nhãn, chôm chôm, thanh long và vú sữa).
ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc
Đến năm 2017, ASEAN là thị trường XK nông lâm thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực do nhiều sản phẩm tương đồng, nhất là với Thái Lan. Tuy nhiên với vị trí địa lí thuận lợi, Việt Nam vẫn có thể khai thác XK ở một số thị trường như Lào, Campuchia và Myanmar đối với một số sản phẩm chăn nuôi (gà, thịt lợn) do các nước này chưa có yêu cầu khắt khe.
Năm 2018, BCĐ Phát triển thị trường nông sản cũng đã quyết định đưa nhóm sản phẩm chăn nuôi vào danh sách các mặt hàng sẽ đẩy mạnh XK.
Với thị trường Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ nông sản dự báo tăng tích cực, đặc biệt người tiêu dùng nước này đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho thực phẩm chế biến sẵn. Vì vậy, những mặt hàng như tôm, cá ngừ, mực và bạch tuộc, rau quả chế biến, cà phê, hạt điều... của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng cao thời gian tới. Với mặt hàng rau quả, các mặt hàng chế biến từ rau quả như xoài, vải, dứa, đậu phộng, súp lơ, khoai lang... của Việt Nam sẽ có tiềm năng tăng trưởng mạnh XK tại Nhật. Hàn Quốc cũng là thị trường XK nông lâm thủy sản đang tăng cao của Việt Nam do các DN tận dụng tốt ưu đãi từ hiệp định FTA Việt Nam - Hàn Quốc, tỉ lệ tận dụng C/O ưu đãi đạt trên 70% đối với các mặt hàng XK chủ lực.
Nguồn: Lê Bền/nongnghiep.vn