Những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất lớn nhất, tiêu thụ lớn nhất, dự trữ lớn nhất, nhập khẩu lớn nhất trên thị trường gạo thế giới, và đồng thời xuất khẩu mặt hàng này cũng đang tăng nhanh. Do đó, vai trò của Trung Quốc trên thị trường thế giới đang trở nên ngày càng quan trọng, không chỉ trong thương mại gạo toàn cầu, mà cả nhập khẩu cũng như xuất khẩu mặt hàng này.
Rachel Trego, nhà phân tích trưởng chuyên về ngũ cốc của USDA-FAS (Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho biết, xuất khẩu gạo của Trung Quốc hiện vẫn ở mức tương đối hạn chế do giá gạo trên thị trường nội địa Trung Quốc cho tới những tháng gần đây vẫn duy trì ở cao. Hầu hết gạo xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường lân cận trong khu vực như Hàn Quốc, Mông Cổ, Hồng Kông…
Nhưng theo bà Trego, có một điều rất đáng chú ý trong sự phát triển của ngành lúa gạo Trung Quốc, đó là nước này bắt đầu khôi phục xuất khẩu sang châu Phi. "Từ chỗ giảm xuống gần như không xuất khẩu vào năm 2012, nhưng tới 2017 có tới 2/3 tổng xuất khẩu gạo của Trung Quốc là tới thị trường châu Phi", "Có một số lý do dẫn tới việc này. Chính phủ Trung Quốc bắt đầu phải giải phóng bớt lượng gạo dự trữ từ nhiều năm nay. Họ đã mở bán đấu giá một phần gạo dự trữ từ năm 2013", bà Trego cho biết.
Nguồn cung từ Thái Lan sụt giảm
Trong khi đó, khối lượng gạo xuất khẩu từ Thái Lan, chủ yếu sang châu Phi (gạo dự trữ của Chính phủ), đã giảm sút vì hiện trong kho của Chính phủ nước này chỉ còn một ít gạo không đủ chất lượng làm lương thực cho người.
"Nhân lúc Thái Lan kết thúc việc bán gạo giá rẻ sang châu Phi, Trung Quốc nhanh chóng thay thế vào chỗ đó, và họ sẽ tiếp tục làm như vậy", bà Trego nhận định.
"Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu trung bình của Trung Quốc theo số liệu của Hải quan nước này đã có sự thay đổi đáng kể trong năm 2017, và thật trùng khớp là số liệu Hải quan cũng cho thấy xuất khẩu chủ yếu là gạo hạt vừa. Mức giá trung bình 500 USD/tấn đối với gạo xuất khẩu Trung Quốc hiện nay là khác rất xa so với giá xuất khẩu trong quá khứ".
Trung Quốc cũng ngày càng có vị thế quan trọng hơn trong số những nước nhập khẩu gạo. Họ nhập khẩu chủ yếu từ các nước sản xuất lớn trong khu vực như Myanmar và Campuchia.
Đối với nguồn cung từ Mỹ, Mỹ đã và đang tích cực triển khai quy trình làm thủ tục để tiếp cận thị trường gạo Trung Quốc, trong đó có quy trình kiểm dịch thực vật. Qrình này đã kéo dài hơn một thập kỷ nay, nhưng phía Mỹ vẫn hy vọng sẽ có cơ hội vào được thị trường này, nơi mà giá gạo nội địa bán lẻ đôi khi cao hơn cả giá gạo xuất khẩu của California.
Nhu cầu của Trung Quốc tăng rất nhanh
Về loại gạo có cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc, bà Trego cho biết: "Nguồn cung chủ yếu trên thị trường Trung Quốc hiện nay đến từ các nước láng giềng, đó là gạo hạt dài. Theo biểu đồ phân tích, giá gạo hạt dài của châu Á rẻ hơn so với của Mỹ. Trung Quốc nhập loại gạo này chủ yếu bởi giá cả, và một phần bởi lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm, vậy nên gạo hạt dài sẽ tiếp tục là thị hiếu nhập khẩu của thị trường này".
Mặc dù trong báo cáo tháng 2/2018 USDA dự báo sản lượng gạo Trung Quốc niên vụ 2017/18 sẽ đạt khoảng 146 triệu tấn, trong khi tiêu dùng cùng năm chỉ ở mức 142,5 triệu tấn, và xu hướng tiêu dùng gạo của Trung Quốc đang giảm dần, song trên thực tế ngành trồng lúa nước này cũng phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn như ô nhiễm môi trường, thời tiết bất thường, dịch bệnh và diện tích đất nông nghiệp giảm sút. Mặt khác, nhu cầu gạo ngon của người tiêu dùng Trung Quốc đang tăng rất nhanh, mà sản xuất trong nước không thể đáp ứng đủ phân khúc thị trường này.
USDA dự báo nhập khẩu gạo vào Trung Quốc niên vụ 2017/18 sẽ đạt 5,4 triệu tấn, trong đó có rất nhiều hợp đồng liên chính phủ. Lượng nhập khẩu tăng mạnh lên mức cao kỷ lục trong những năm gần đây do mức giá cạnh tranh từ các nước xuất khẩu trên thị trường quốc tế, nhu cầu gạo chất lượng cao tăng lên, cùng các cam kết chính sách Vành đai -Con đường. Thông tin từ Thái Lan, Myanmar và Campuchia đều cho biết đã ký các biên bản ghi nhớ với Trung Quốc để xuất khẩu gạo lâu dài sang thị trường này.
Trong bối cảnh chung thị trường lúa gạo thế giới năm nay, Trung Quốc vẫn là hy vọng lớn của các nước xuất khẩu gạo, nhất là các nước châu Á.
Trong báo cáo mới nhất công bố tháng 3/2018, USDA nhận định thương mại gạo thế giới năm 2018 sẽ cao kỷ lục, nhưng nguồn cung không tăng hoặc giảm đồng đều ở tất cả các nước xuất khẩu chủ chốt. Ấn Độ sẽ là nước xuất khẩu số 1 thế giới năm thứ 7 liên tiếp với mức cao kỷ lục 13 triệu tấn nhờ sản lượng cao kỷ lục và lượng dự trữ còn nhiều và không có nguy cơ Chính phủ sẽ kiểm soát xuất khẩu gạo non-basmati như đã từng làm ở giai đoạn 2007 – 2011. Trái lại, dự báo xuất khẩu gạo basmati và non-basmati sẽ tăng mạnh, nhất là sang các khu vực châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Trong khi đó, xuất khẩu của Thái Lan năm 2018 dự báo sẽ ở mức 10,2 triệu tấn, giảm hơn 12% so với năm ngoái. Năm 2017 xuất khẩu của nước này được hỗ trợ bởi khối lượng khá lớn bán ra từ kho dự trữ của Chính phủ thông qua hình thức bán đấu giá. Nhưng trong năm nay, các kho dự trữ gần như đã cạn, và lĩnh vực tư nhân sẽ trở thành "trụ cột" về dự trữ.
Xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ tăng nhẹ lên 6,7 triệu tấn, nhờ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và cơ hội mở rộng sang các thị trường khác. Dự báo xuất khẩu của một số thị trường khác cũng sẽ tăng, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc sẽ tăng xuất khẩu sang các nước châu Phi.
Nguồn: Vân Chi/CafeF