Dự báo xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa trong năm 2018 nhờ không chỉ Bangladesh mà cả Sri Lanka tiếp tục mua tích cực trong bối cảnh tồn trữ của Thái Lan – nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới – đã cạn.
“Bangladesh đã mua rất nhiều trong năm 2017, bù lại cho nhu cầu yếu đi từ các thị trường châu Phi”, ông Adishankar, giám đốc điều hành doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Ấn Độ Sri Lalitha (ở bang miền Nam - Andhra Pradesh) cho biết.
Xuất khẩu gạo non-basmati của Ấn Độ năm 2017 đạt 8,4 triệu tấn, tăng 38% so với niên vụ trước, chủ yếu nhờ nhu cầu từ Bangladesh.
Bangladesh đã nhập khẩu 2,4 triệu tấn gạo trong năm 2017, mức cao nhất kể từ 1998, sau khi sản lượng giảm và dự trữ cạn kiệt vì lũ lụt.
Ấn Độ xuất khẩu gạo non-basmati chủ yếu sang các thị trường châu Phi và châu Á, còn gạo basmati chất lượng cao chủ yếu sang Trung Đông, Mỹ và Anh.
Bangladesh là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới, nhưng năm 2014 đã nổi lên thành nước nhập khẩu lớn sau khi lũ lụt gây tổn hại nhiều diện tích lúa rộng lớn, đẩy giá trên thị trường nội địa lên cao kỷ lục lịch sử. Năm 2017, nước này chỉ tự cung ứng được hơn 80% nhu cầu gạo, và phải nhập khẩu 2,4 triệu tấn từ Ấn Độ, ông Badrul Hasan, Giám đốc Công ty thu mua ngũ cốc quốc gia Bangladesh cho biết.
Theo ông Hasan, quốc gia Nam Á này chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục mua mạnh gạo từ thị trường quốc tế cho đến khi nguồn cung tăng sau vụ thu hoạch Hè (vụ Boro, vào tháng 5, cung cấp trên một nửa tổng sản lượng gạo hàng năm – khoảng 35 triệu tấn - của Bangladesh).
Năm ngoái, Bangldesh đã phải hạ thuế nhập khẩu gạo để khích lệ tư thương nhập khẩu. Nước này cũng đã mua gạo của Ấn Độ dưới hình thức hợp đồng liên chính phủ để tăng nhanh nguồn cung trong nước nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá gạo.
Nhưng dù nỗ lực nhiều, giá gạo tại Bangladesh rất cao bất chấp đã nhập khẩu khối lượng nhiều nhất trong vòng gần 2 thập kỷ.
Với giá gạo cao như hiện nay, ông Hasan cho biết có thể sẽ khích lệ nông dân tăng diện tích đất trồng lúa trong vụ tới.
Gạo non-basmati
Xuất khẩu gạo Ấn Độ năm 2018 dự báo sẽ chủ yếu là loại non-basmati vì xuất khẩu gạo basmati sẽ vẫn chỉ quanh mức khoảng 4 triệu tấn, ông Vijay Setia, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Ấn Độ cho biết. Theo ông, "Xuất khẩu gạo non-basmati sẽ tuỳ thuộc vào lượng dự trữ của các nước nhập khẩu như Bangladesh và Sri Lanka”.
Các nước châu Phi năm ngoái đã mua khá nhiều gạo Thái Lan, nhưng có thể sẽ giảm mua trong năm 2018 vì dự trữ của Thái Lan không còn nữa. Do vậy, những khách hàng này có thể sẽ quay trở lại với nguồn cung của Ấn Độ.
Các thương gia Ấn Độ tin rằng, ở những thị trường chủ chốt như Bangladesh và Sri Lanka, gạo Ấn Độ sẽ có lợi thế hơn so với Thái Lan về cước phí vận chuyển. Đây sẽ là cơ hội cho Ấn Độ trong năm 2018.
Hình: Xuất khẩu gạo của Ấn Độ và Thái Lan