Theo số liệu thống kê từ TCHQ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam trong tháng 7/2018 giảm 2,63% so với tháng 6/2018 chỉ có 730,25 triệu USD (chiếm 3,59% tỷ trọng), tính chung 7 tháng năm 2018 đạt 4,85 tỷ USD (chiếm 3,61% tỷ trọng) tăng 14,11% so với cùng kỳ năm trước.
Mỹ là thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực của Việt Nam, chiếm 25% tỷ trọng đạt trên 2 tỷ USD, tăng 13,94% so với cùng kỳ, nếu tính riêng tháng 7 kim ngạch gỗ xuất khẩu sang đây là 332,5 triệu USD, gảim 0,27% so với tháng 6/2018 nhưng tăng 22,17% so với tháng 7/2017.
Thị trường xuất nhiều đứng thứ hai là Trung Quốc đạt 630,5 triệu USD tăng 0,47%, nhưng nếu tính riêng tháng 7/2018 giảm 16,31% so với tháng 6/2018 tương ứng với 79,6 triệu USD. Kế đến là Nhật Bản, các nước EU và Đông Nam, chiếm lần lượt 8%; 5% và 1% tỷ trọng, so với cùng kỳ 2017 thì tốc độ xuất khẩu gỗ và sản phẩm sang những thị trường này đều tăng trưởng, trong đó xuất sang các nước Đông Nam Á tăng mạnh hơn cả 84,06%, đạt kim ngạch 102,8 triệu USD.
Ngoài ra, xuất khẩu sang các nước khác (trừ EU, ASEAN) tăng 14,34%, đạt 4,3 tỷ USD.
Đặc biệt, so với cùng kỳ năm trước, thay vì tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, thì xuất khẩu sang các nước thị trường như Malasyia, Thụy Sỹ và Séc lại tăng mạnh vượt trội, đều tăng gấp hơn 2 lần ở mỗi thị trường. Cụ thể, Séc tăng gấp 2,5 lần (tức tăg 150,87%); Thụy Sỹ tăng gấp 2,4 lần (140,76%) và Malasyia tăng 2,14 lần (114,13%), tuy kim ngạch chỉ đạt tương ứng 1,1 triệu USD; 1,3 triệu USD và 61,5 triệu USD.
Bên cạnh những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, thì xuất sang Hongkong (TQ) và Cooet lại suy giảm mạnh, giảm lần lượt 45,24% và 32,92% chỉ với 5,2 triệu USD và 3,68 triệu USD.
Cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm 7 tháng năm 2018
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục leo thang, đây là hai thị trường chủ lực xuất khẩu gỗ và sản phẩm của Việt Nam.
Để hạn chế rủi ro và chủ động ứng phó trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Nguyễn Tôn Quyền khuyến cáo, Việt Nam cần giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu các sản phẩm thô sang Trung Quốc và theo dõi, kiểm tra danh mục hàng hóa Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc. Theo ông Quyền, đến thời điểm hiện nay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chưa ảnh hưởng gì tới ngành gỗ Việt Nam, bởi danh sách các mặt hàng gỗ Mỹ áp thuế với Trung Quốc chủ yếu là gỗ xẻ, ván bóc và viên nén…
Hiện nay, cơ quan Nhà nước và các bộ, ngành cũng khuyến cáo doanh nghiệp gỗ phải đề phòng Mỹ đánh quá mạnh vào địa bàn đồ gỗ của Trung Quốc, khiến doanh nghiệp nước này chuyển sản phẩm sang Việt Nam, lấy xuất xứ của Việt Nam bán sang cho Mỹ.
Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm thô, có hàm lượng giá trị gia tăng thấp như dăm mảnh, viên nén nguyên liệu (woodpellet), gỗ tròn, gỗ xẻ và gỗ bóc, đối với các mặt hàng này Nhà nước nên có biện pháp để hạn chế xuất khẩu.
Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vậy nên để phòng vệ và hạn chế rủi ro bị lây an từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung các doanh nghiệp nên hạn chế dần việc nhập khẩu sản phẩm gỗ đặc biệt hạn chế mạnh việc nhập khẩu sản phẩm gỗ của Trung Quốc vào Việt Nam. Các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa xuất khẩu để tránh bị vạ lây; theo dõi các danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội và hạn chế rủi ro.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cũng đã cung cấp các danh mục hàng hóa của Mỹ áp thuế đối với Trung Quốc để doanh nghiệp tham khảo. Đồng thời, Bộ Công thương cũng liên tục có thông báo về danh mục hàng hóa này, do vậy doanh nghiệp cần bình tĩnh, nỗ lực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giảm giá thành để nắm bắt cơ hội tăng thị phần tại Mỹ.
Để tránh ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại có nhiều phương án đưa ra, trong đó phương án ngành gỗ nên chú trọng hướng vào thị trường nội địa là một phương án rất quan trọng, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, như 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị... Rõ ràng đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.
Hiện nay chúng ta chưa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa, bởi hàng nội địa chủ yếu do các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất, các doanh nghiệp lớn đang tập trung cho xuất khẩu. Vì vậy, khuyến cáo các doanh nghiệp đồng thời vừa xuất khẩu vừa chú trọng thị trường nội địa mới đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng gỗ ở trong nước.
Nếu doanh nghiệp nội địa không có chiến lược kinh doanh, hướng về thị trường nội địa thì đến một lúc nào đó các sản phẩm tốt của nước ngoài sẽ vào và cạnh tranh với sản phẩm gỗ nội địa, lúc đó doanh nghiệp gỗ có nguy cơ mất thị trường; cho nên phát triển gỗ nội địa cũng là vấn đề cực kỳ quan trọng trong lúc này.