Số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, sau hai tháng giảm liên tiếp, kim ngạch nhập khẩu dầu mỡ động thực vật tăng trở lại, tăng 3,1% so với tháng 8/2019, nâng kim ngạch nhóm hàng này 9 tháng năm 2019 lên 502,21 triệu USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Dầu mỡ động thực vật được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu từ thị trường Đông Nam Á chiếm 84,05% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng, nhưng 9 tháng đầu năm 2019 tốc độ nhập khẩu dầu thực vật từ thị trường này giảm 12,24% so với cùng kỳ 2018 tương ứng với 422,13 triệu USD, riêng tháng 9/2019 nhập từ thị trường này 49,5 triệu USD, tăng 4,7% so với tháng 8/2019 nhưng giảm 15,58% so với tháng 9/2018.
Trong thị trường Đông Nam Á, thì nhập từ thị trường Malaysia là nhiều hơn cả chiếm 58,84% tỷ trọng tương ứng 248,4 triệu USD trong 9 tháng năm 2019, giảm 1,75% so với cùng kỳ, tính riêng tháng 9/2019 thì nhập từ thị trường này 32,06 triệu USD, tăng 28,17% so với tháng 8/2019 và tăng 11,31% so với tháng 9/2018.
Kế đến là thị trường Indonesia với 155,57 triệu USD, giảm 23,82% so với cùng kỳ 2018; giảm 14,72% so với tháng 8/2019 và giảm 39,23% so với tháng 9/2018 tương ứng với 16,3 triệu USD trong tháng 9/2019.
Tiếp theo là các thị trường Thái Lan, Achentina, Chilê…
Đáng chú ý, trong tháng 9/2019, Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ và Australia với kim ngạch tăng lần lượt gấp 2,4 lần (tức tăng 142,42%) và gấp 2,1 lần (tức tăng 106,87%) tương ứng với 765,9 nghìn USD; 988,8 nghìn USD. Ngược lại, giảm mạnh nhập từ thị trường Thái Lan, giảm 64,51% với 1,07 triệu USD. Và một điểm đáng lưu ý trong thị trường cung cấp dầu mỡ động thực vật cho Việt Nam trong tháng 9/2019 thiếu vắng thị trường Achentina so với tháng 8/2019 và tháng 9/2018, tính chung 9 tháng 2019 đã nhập từ Achentina 14,3 triệu USD.
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đều sụt giảm ở hầu hết các thị trường , trong đó giảm nhiều nhất ở thị trường Trung Quốc, giảm 4,405% chỉ với 6,5 triệu USD, nhưng tăng nhiều ở thị trường Hàn Quốc, tăng 11% đạt 3,48 triệu USD.
Thị trường nhập khẩu dầu mỡ động thực vật tháng 9,9 tháng năm 2019

Thị trường

Tháng 10/2019 (USD)

+/- so với tháng 8/2019 (%)*

9 tháng năm 2019 (USD)

+/- so với cùng kỳ 2018 (%)*

Malaysia

32.062.733

28,17

248.413.874

-1,75

Indonesia

16.306.125

-14,72

155.570.287

-23,82

Thái Lan

1.075.943

-64,51

16.783.617

-25,9

Chile

674.883

-23,71

7.915.670

-8,32

Trung Quốc

740.748

6,84

6.513.606

-44,05

Mỹ

392.780

-22,07

5.373.472

15,67

Australia

988.880

106,87

5.282.535

-6,11

Hàn Quốc

449.619

-0,4

3.485.724

11

Ấn Độ

765.979

142,42

3.325.930

-40

Singapore

86.394

-37,7

1.367.022

7,13

(* Tính toán số liệu từ TCHQ)
Dẫn nguồn tin từ báo Công thương điện tử, thị trường dầu ăn Việt Nam vẫn chứng tỏ "sức nóng" khi tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội kinh doanh.
Giới kinh doanh đánh giá, thị trường dầu ăn tại Việt Nam vẫn còn rất tiềm năng bởi hiện nay, lượng sử dụng dầu ăn bình quân của người Việt chỉ đạt vào khoảng 9,5 kg/người/năm, thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 13,5 kg/người/năm. Ngoài ra, theo ước tính của Bộ Công Thương, đến năm 2020, nhu cầu tiêu thụ dầu ăn của Việt Nam sẽ ở mức 16,2kg/người/năm.
Do nhu cầu lớn, dư địa còn, nhiều doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế tích cực tìm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực này. Tại nội địa, các tập đoàn lớn như KIDO, Sao Mai An Giang… đã "tay ngang" từ một lĩnh vực khác đổ vốn vào tham gia thị trường dầu ăn. Chẳng hạn, KIDO đã tham gia vào thị trường dầu ăn thông qua việc thâu tóm hàng loạt thương hiệu như Tường An, Vocarimex, Golden Hope. Hay, Tập đoàn Sao Mai An Giang đã đầu tư nhà máy sản xuất dầu ăn từ mỡ cá tra với thương hiệu Ranee thuộc phân khúc cao cấp…
Về phía nhà đầu tư ngoại, Tập đoàn Musim Mas (Singapore) - một trong những nhà sản xuất dầu thực vật lớn thế giới - đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu ăn tại Việt Nam với vốn đầu tư 71,5 triệu USD, công suất thiết kế 1.500 tấn/ngày… Mới đây nhất, trung tuần tháng 9/2019, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Malaysia Teresa Kok đã dẫn phái đoàn DN của nước này tới TP. Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư vào lĩnh vực dầu ăn tại Việt Nam.
Bà Teresa Kok cho biết, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu 242.700 tấn dầu cọ từ Malaysia (tăng gần 23.200 tấn so với cùng kỳ năm 2018). Mức tăng trưởng này do một số yếu tố, trong đó có giá cạnh tranh, sự gia tăng dân số và tăng trưởng kinh tế rất tốt trong nước.
Xuất phát từ thực tế trên, doanh nghiệp Malaysia muốn mở rộng kinh doanh dầu ăn, dầu cọ và tiến tới đầu tư nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, không phải đến năm nay, doanh nghiệp dầu ăn của Malaysia mới đến Việt Nam mà theo Bộ Công nghiệp Malaysia, hiện tại, đã có không ít doanh nghiệp nước này kinh doanh phân phối, dầu ăn tại Việt Nam.
Nguồn: VITIC