Ford Ranger không còn là cái tên xa lạ, nhưng có lẽ từ thế hệ 2011, người Việt Nam mới biết và để ý nhiều hơn tới mẫu bán tải này. Ngoài ngoại hình mạnh mẽ, hấp dẫ, sự đầu tư hơn về trang bị, công nghệ, máy móc của Ford đã giúp cho Ranger có chỗ đứng hơn trong suy nghĩ của những người mê pick-up hoặc muốn sở hữu một mẫu xe đa năng.


Với gần 450 km hai chiều tuyến đường Hà Nội - Mộc Châu, những cảm nhận của nhóm thử xe là rất tích cực về chiếc pick-up mới uy lực, êm ái, tiện nghi và có lẽ cũng là một trong những mẫu có ngoại hình đẹp mắt nhất trong phân khúc này.


Ngoại hình đồ sộ của chiếc pickup sẽ làm nhiều người nghĩ tới một phong cách nội thất khô cứng cũng như khả năng quan sát hạn chế. Tuy nhiên, khi bước vào cabin xe, ấn tượng đó không còn.

Có nhiều thay đổi so với thế hệ trước và dường như được cập nhật theo chiến dịch One Ford của hãng xe Mỹ, Ford Ranger mới có nội thất đẹp mắt, gọn gàng và trẻ trung theo phong cách của chiếc Ford Edge, một mẫu xe Ford bán ra tại thị trường Mỹ.

Nhiều trang bị thậm chí còn chưa xuất hiện trên các mẫu xe sang nhưng đã được Ford mang lên Ranger 2015 mới. Cũng cần nhắc tới, phiên bản thử nghiệm là mẫu Ford Ranger Wildtrak 3.2 - phiên bản cao cấp nhất được Ford phân phối ở Việt Nam hiện nay.


Cảm giác ngồi sau vô-lăng của Ranger thoáng, rộng rãi và mang lại một sự tự tin cho người lái. Vị trí ngồi cao, cột A nhỏ, nắp ca pô vuốt về phía trước khiến tầm quan sát của chiếc pickup này mở rộng ra rất nhiều.

 Tăng tốc một cách từ tốn, Ranger lộ ra nhược điểm cố hữu của động cơ dầu: chậm chạp. Khoảng vận tốc từ 0 đến 30 km/h, mẫu bán tải này khá ù lì, thiếu sức sống. Từ 30 - 60 km/h, động cơ đã "thoáng", êm hơn. Còn từ 60 km/h trở lên, Ranger trở nên mạnh mẽ, thoát máy, đồng thời động cơ dầu cũng trở nên êm ái, mượt mà hơn hẳn.

Bắt đầu từ đường Láng Hòa Lạc đi Xuân Mai, Ford Ranger đã thể hiện được khả năng cách âm vượt trội và sức mạnh của chiếc pickup sử dụng động cơ dầu 3,2 lít.

Khả năng cách âm của mẫu xe bụi bặm này xứng đáng được xếp hạng 5 sao. Trên một cung đường mịn, phẳng như cao tốc Láng Hòa Lạc, thậm chí phải đi tới 80 km/h, tiếng gió mới vọng vào được trong khoang lái. Đạt vận tốc tối đa 100 km/h, tắt nhạc đi, người lái mới có thể nghe được chút tiếng lốp từ mặt đường.

Tay lái của Ranger nặng vừa phải và có độ chính xác cao, tuy chưa thực sự biến 4 bánh xe thành "chân" người lái nhưng tay lái của Ranger cũng đủ nặng để người lái cảm nhận những gờ nhỏ khi đi trên đường. Chân ga nhẹ, hơi có chút độ trễ. Chân phanh cũng khá nhẹ và có hành trình khá dài. Tay lái nào đã quen kiểu chân phanh "dính" ngay từ khi chạm nhẹ sẽ hơi hẫng khi làm quen với chân phanh của Ranger. 
Dù có la-zăng cỡ lớn tới 18 inch nhưng khả năng cách âm của Ford Ranger có thể nói là tuyệt vời
Sự chú trọng của Ford trong việc "nâng cấp" các option thể hiện khá rõ trên Ranger mới. Cả cung đường Láng Hòa Lạc, người lái có thể vận hành chiếc xe bán tải chỉ với 2 tay đặt trên vô lăng. Hệ thống ga tự động kết hợp phanh tự động đảm nhiệm 2 pedal phía bên dưới. Đồng thời, hệ thống kiểm soát làn đường giúp cho việc cầm lái trở nên nhẹ nhàng hơn nữa.

Khi xe chỉ hơi có xu hướng lệch khỏi làn đường, đèn báo hiệu, đồng thời hệ thống máy tính tương tác lên vô lăng, tác động một lực nhẹ để giúp xe đi thẳng trở lại. Nếu người lái cố tình đánh lệch lái, vô lăng rung lên để báo hiệu. Đồng thời, với hệ thống phanh tự động, người lái có thể cài đặt khoảng cách để khi các cảm biến phát hiện vật cản phía trước, bộ điều khiển trung tâm sẽ tự động rà phanh để đảm bảo khoảng cách an toàn.

Tuy nhiên, đường trường cao tốc chưa phải là sở trường của pick-up. Ở chặng sau, từ Xuân Mai tới Mộc Châu, Ranger tiếp tục cho chúng tôi những cảm nhận chân thực về khả năng chinh phục đường đèo, đường gồ ghề.

Mời độc giả xem tiếp phần 2: Trải nghiệm Ford Ranger mới trên cao nguyên Mộc Châu (P2)
Thành NT
/Uploaded/truongthanh/2015_09_28/logo-animated_thpk_ZETG.gif