Thông tin từ Tiến sỹ Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore cho biết, thị trường này đang nhập trái vải từ Thái Lan, Đài Loan, tuy nhiên chất lượng vải từ các quốc gia này kém xa vải thiều Việt Nam, theo Bộ Công Thương.
Singapore dù rất chuộng trái vải Việt Nam vì độ thơm, ngon nhưng hàng năm vẫn chủ yếu nhập vải thiều Việt Nam thông qua các nhà buôn Trung Quốc, lượng nhập trực tiếp từ Việt Nam còn hạn chế.  
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng việc tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về trái vải Việt Nam tới thị trường Singapore, thúc đẩy kết nối xuất khẩu trực tiếp từ Việt Nam sang Singapore một cách nhanh chóng, giữ được hương vị và chất lượng tươi ngon sẽ hết sức quan trọng.
Do đó, tại Hội nghị giao thương trực tuyến với sự hợp tác của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore tới đây, tỉnh Bắc Giang sẽ có cơ hội tốt để quảng bá và tiếp cận trực tuyến với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trái cây của Singapore.
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, năm 2020, Bắc Giang duy trì diện tích trồng vải thiều 28.000 ha.
Sản lượng ước đạt 160.000 tấn (chiếm phần lớn diện tích và sản lượng vải thiều của Việt Nam). Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000 ha, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 218 ha, được Mỹ cấp mã số IRADS.
Cơ quan chức năng Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng; cơ quan chức năng Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói…
Hiện, Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang chuẩn bị các nội dung quảng bá hiệu quả nhất về quả vải thiều Bắc Giang tới các nhà nhập khẩu Singapore thông qua Hội nghị giao thương.

Nguồn: H.Mĩ/Vietnambiz/Kinh tế & Tiêu dùng