Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết, thị trường trong nước chưa bao giờ hết tiềm năng với các doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và doanh thu nội địa của thị trường này trong 5 năm gần đây luôn đạt bình quân trên dưới 2 tỷ USD/năm. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ bình quân chỉ đạt khoảng 68 triệu USD; cho thấy doanh nghiệp ngành gỗ đang kiểm soát rất tốt thị trường nội địa.

 Phân tích cụ thể, ông Hạnh cho hay, người tiêu dùng Việt luôn thấy rõ thế mạnh của doanh nghiệp trong nước là chất lượng, mẫu mà phù hợp; kèm theo đó là dịch vụ hậu mãi tốt cùng khâu “may đo” theo yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp gỗ trong nước cũng đã biết tận dụng tốt ưu thế sân nhà để thiết kế, đưa ra thị trường những sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Đơn cử với lĩnh vực sản phẩm đồ gỗ phục vụ nhu cầu gia đình. Khảo sát một số siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, các sản phẩm từ đũa, thớt, bàn ăn, tủ… đều là hàng Việt. Còn tại các cửa hàng đồ gỗ nội thất, các mặt hàng như: giường tủ, bàn ghế, kệ bếp của các cơ sở trong nước chiếm hơn 50%.
Chia sẻ kinh nghiệm đứng vững trên thị trường, đại diện Công ty CP Chế biến gỗ Đức Thành cho biết, để cạnh tranh trên thương trường, điều quan trọng tiên quyết với doanh nghiệp là sản xuất hàng có chất lượng tốt, giữ chữ tín với khách hàng. Dẫn chứng cụ thể về sản phẩm thớt gỗ, vị này nói: Xuất phát từ thực tế tại Việt Nam có rất nhiều gia đình sử dụng những loại thớt bị mùn, bám vào đồ ăn và gây hại cho sức khỏe, gỗ Đức Thành đã nghiên cứu và sản xuất ra các sản phẩm thớt gỗ đạt chất lượng cao, đáp ứng không chỉ cho nhu cầu trong nước mà còn tiêu thụ tốt ở nước ngoài. 
Bà Lê Thị Thu Lai, Giám đốc DNTN mỹ nghệ Hương Quê - nhận xét: Các sản phẩm sản xuất từ gỗ, tre, nứa… của Hương Quê đang cung cấp với đơn hàng dài hạn cho Big C, Lotte Mart và được người tiêu dùng đánh giá cao, doanh số cũng theo đó tăng trưởng ổn định.
Mặc dù các doanh nghiệp gỗ đang làm tốt việc chinh phục thị trường nội địa song ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, với sự hội nhập ASEAN + 1 đã đưa thuế nhập khẩu gỗ vào Việt Nam bằng 0% và thúc đẩy sự cạnh tranh, ảnh hưởng đến thị phần của các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, các doanh nghiệp trong ngành vẫn đang phải đối mặt với thách thức về nguồn nguyên liệu sản xuất khi hàng năm Việt Nam vẫn phải bỏ ra vài tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Điều này khiến cho chi phí sản xuất tăng lên, kéo theo giá thành sản phẩm cao hơn. 
“Để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm gỗ Việt, chúng tôi đã khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến gỗ tăng sử dụng gỗ rừng trồng thay cho gỗ tự nhiên và tìm nguồn nguyên liệu phù hợp trong nước để giảm nhập khẩu. Song song đó chúng tôi cũng khuyến khích doanh nghiệp nên đổi mới máy móc, thiết bị công nghệ và nghiên cứu tốt thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử