ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của Việt Nam với kim ngạch gần 24 tỷ USD (năm 2019). Trong 5 tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước ASEAN chỉ đạt 9,8 tỷ USD. Dù vậy, theo nhận định của các doanh nghiệp (DN), bên cạnh những khó khăn, dịch Covid-19 cũng tạo cơ hội để nông sản Việt Nam chinh phục thị trường Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, do ảnh hưởng dịch Covid-19, Thương vụ đã chủ động kết nối với hiệp hội ngành hàng để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Singapore. Riêng trong tháng 3, Thương vụ đã kết nối được hơn 20 đơn hàng cho một số mặt hàng nông sản.
Đặc biệt, từ đầu năm nay, xuất khẩu rau, quả sang thị trường Thái Lan tăng mạnh. 4 tháng đầu năm, rau, quả xuất sang Thái Lan đạt gần 58 triệu USD, tăng hơn 244% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo một số chuyên gia kinh tế, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mang lại cho Việt Nam cả cơ hội lẫn thách thức lớn. Thị trường xuất khẩu thông thoáng nhưng hàng hóa ở “sân nhà” đối diện với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khối. Do đó, DN muốn phát triển ổn định, bền vững buộc phải tái cơ cấu đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phát Thành VI - cho biết: Xuất khẩu vào thị trường ASEAN nói chung, Philippines nói riêng, các DN Việt Nam phải cạnh tranh bằng chất lượng, giá cả, số lượng; đồng thời, chú trọng đến tính bền vững với khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Hải- Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại dịch vụ Quy Phúc - chia sẻ: Để hàng hóa, sản phẩm Việt Nam thâm nhập thị trường ASEAN, DN phải có chiến lược kinh doanh, theo sát xu hướng tiêu dùng của người dân mỗi nước, liên kết với nhà phân phối nội địa uy tín, có năng lực… Đây là khâu quan trọng, bởi sản phẩm của mỗi nước, mỗi DN đều nằm trong chuỗi giá trị của khu vực hay chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Fukunari Kimura - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) - khuyến cáo, trong kỷ nguyên mới của kỹ thuật số hóa, thương mại và đầu tư phải đối mặt với một số thách thức từ thương mại hóa toàn cầu. Vì thế, DN phải hành động hướng tới người tiêu dùng, chú trọng các loại hình thương mại mới với sự hỗ trợ của công nghệ.

Nguồn: Congthuong.vn