Số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tính đến ngày 15/12/2015, Việt Nam đã thu hút được 2.013 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký mới đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài ra, còn có 814 lượt dự án tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm ước đạt 7,18 tỷ USD. Tính chung, năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014.

22,76 tỷ USD là con số ấn tượng, nhất là trong bối cảnh những tháng đầu năm nay, vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng suy giảm.

Trong khi đó, thành tựu các ghi nhận, đó là năm nay, vốn FDI thực hiện đã đạt mức kỷ lục, ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút FDI lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 15,23 tỷ USD, chiếm 66,9% tổng vốn đăng ký.

Trong tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 2,8 tỷ USD, chiếm 12,4%; ngành kinh doanh bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, chiếm 10,5%; các ngành còn lại đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 10,2%.

Cả nước có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới trong năm 2015, trong đó TP.HCM dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt trên 2,8 tỷ USD, chiếm 18% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trà Vinh, với trên 2,52 tỷ USD, chiếm 16,2%; Bình Dương 2,465 tỷ USD, chiếm 15,8%; Đồng Nai 1,47 tỷ USD, chiếm 9,4%...

Trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 2,67 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia, với 2,44 tỷ USD, chiếm 15,7%; Xa-moa 1,3 tỷ USD, chiếm 8,4%; Nhật Bản 1,28 tỷ USD, chiếm 8,2%...

 
Theo: Nguyên Đức- baodautu

 

Nguồn: baodautu.vn