Nhân dịp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú thăm chính thức Việt Nam, trong khuôn khổ hội đàm giữa Bộ trưởng hai nước, sáng 14/10 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc tổ chức diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc hợp tác sản xuất và tiêu thụ chè, cà phê”.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện mới chỉ là thị trường nhập khẩu xếp thứ 12 về cà phê và đứng thứ 4 về chè của Việt Nam. Vì vậy, tiềm năng và nhu cầu nhập khẩu các loại nông sản nói chung, cà phê và chè nói riêng của Trung Quốc còn rất lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, nông sản của hai nước mang tính bổ trợ lẫn nhau để phát triển, có cùng điểm tương đồng về văn hóa, đặc biệt trong trong sử dụng đồ uống như chè và cà phê. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển sản xuất, chế biến và thương mại chè và cà phê không chỉ phục vụ nhân dân hai nước mà còn hướng đến thị trường toàn cầu với dân số 7,7 tỷ dân.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hy vọng, qua diễn đàn này, các doanh nghiệp nắm bắt những thông tin, tìm hiểu thêm nhiều cơ hội, đặc biệt tìm kiếm đến sự hợp tác để khai thác thế mạnh tốt nhất về thị trường, tài nguyên của nhóm nông sản này để phát triển chuỗi giá trị.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc Hàn Trường Phú cho rằng, Trung Quốc và Việt Nam đều là những nước có truyền thống trồng chè với sản lượng lớn. Hai nước có những địa vị quan trọng trong thị trường chè trên thế giới và Trung Quốc là thị trường lớn trong xuất khẩu chè của Việt Nam.
Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam với những sản phẩm đang được người dân Trung Quốc đón nhận nhiệt tình. Thời gian tới hy vọng sẽ có thêm những không gian thị trường lớn để phát triển ngành chè và cà phê của Việt Nam tại Trung Quốc.
Việt Nam hiện đứng thứ 7 thế giới về sản xuất chè toàn cầu. Việt Nam xuất khẩu chè sang trên 60 thị trường và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè. Năm 2018, Việt Nam có sản lượng chè xuất khẩu đạt 128.000 tấn với giá trị 219 triệu USD. Việt Nam có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè theo chứng nhận RA cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP… Đặc biệt, Việt Nam có 18.000 ha chè shan tuyết rừng canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, để phát triển sản phẩm chè cùng với việc nâng cao chất lượng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với các hộ, hợp tác xã trồng chè tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị và theo yêu cầu thị trường. Bên cạnh việc nghiên cứu, thay đổi công nghệ chế biến để cơ cấu sản phẩm phù hợp thị trường, các doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu, câu chuyện sản phẩm, minh bạch hóa cả quá trình sản xuất, trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Về cà phê, Việt Nam đã xuất khẩu trên 80 thị trường, đứng thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về cà phê robusta. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 1,88 triệu tấn, với giá trị 3,5 tỷ USD. Hiện nay, việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất cà phê bền vững, nông dân trồng cà phê theo quy trình công nghệ chiếm trên 57%; tỷ lệ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ đạt 11%, 4C đạt 17,5%... Công nghệ chế biến cà phê Việt Nam có nhiều khởi sắc.
Trước tiềm năng phát triển thị trường đối với mặt hàng chè và cà phê tại thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, doanh nghiệp hai nước có thể đẩy mạnh liên kết sản xuất, cung cấp nguyên liệu phục vụ chế biến và phát triển thị trường.
Hai bên cùng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tạo giống chè, cà phê có chất lượng và năng xuất cao; ứng dụng, chuyển giao công nghệ, dây chuyền thiết bị chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng hai nước.