Ấn Độ sẽ thực hiện đóng cửa hoàn toàn trong vòng 21 ngày. Để “cứu” Ấn Độ với 1.35 tỷ dân, toàn bộ người dân bị cấm ra khỏi nhà, hiệu lực kể từ 00h00 ngày 25/03/2020. Toàn bộ đất nước, bao gồm toàn bộ các bang, các thành phố, các quận, các làng… đều bị phong tỏa.
Chính phủ Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn các Bộ, ngành, chính quyền các Bang/Vùng lãnh thổ thực hiện lệnh đóng cửa, nội dung như sau:
1. Ở cấp trung ương: đóng cửa toàn bộ các văn phòng chính phủ, cơ quan hành chính, dịch vụ công,… trừ: cơ quan quốc phòng, lực lượng vũ trang, cơ quan quản lý khủng hoảng, cơ quan điện lực, bưu điện, các cơ quan thông tin /cảnh báo.
2. Ở cấp địa phương: đóng cửa toàn bộ các cơ quan công quyền tại các bang/vùng lãnh thổ, các cơ quan hành chính công… trừ: cảnh sát, an ninh, dân quân tự vệ, cứu hỏa, dịch vụ khẩn cấp, nhà tù, kho bạc; các sở cấp điện, nước, y tế dịch tế.
3. Các cơ sở được duy trì hoạt động bao gồm: bệnh viện, cơ sở sản xuất thiết bị y tế, phòng khám, nhà điều dưỡng, cấp cứu, phòng thí nghiệm. Cho phép các nhân viên y tế được đi lại, cho phép thiết bị, vật tư y tế được vận chuyển.
4. Đóng cửa toàn bộ các cơ sở buôn bán thương mại, trừ các cơ sở cung cấp nhu yếu phẩm như xăng dầu, ngân hàng, bảo hiểm; các cơ quan thông tấn, truyền thông; các cơ sở cung cấp lương thực, rau củ quả, thịt, cá, sữa…, tuy nhiên thực hiện các biện pháp hạn chế việc đi lại của người dân ở mức tối thiểu.
5. Đóng cửa toàn bộ các đơn vị sản xuất công nghiệp, trừ các ngành hàng thiết yếu.
6. Ngừng hoạt động toàn bộ các dịch vụ vận chuyển người và vận tải: hàng không, đường bộ, đường sắt, trừ các dịch vụ khẩn cấp và vận chuyển nhu yếu phẩm.
7. Đóng cửa toàn bộ các cơ sở lưu trú, khách sạn, trừ việc phục vụ khách du lịch/những người bị ảnh hưởng do việc phong tỏa, các nhân viên y tế và việc phục vụ cách ly theo yêu cầu của chính phủ.
8. Ngừng toàn bộ hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nghiên cứu.
9. Đóng cửa toàn bộ các thánh đường, lễ đường. Không hoạt động tôn giáo nào được phép thực hiện, không có ngoại lệ nào.
10. Toàn bộ các hoạt động xã hội, chính trị, thể thao, giải trí, văn hóa, tôn giáo, tụ tập đông người đều bị xử phạt.
11. Cho phép làm đám tang với sự tham dự của không quá 20 người.
12. Tất cả những người (từ nước ngoài) tới tại Ấn Độ kể từ sau ngày 15/02/2020 và những người được chỉ định theo dõi sức khỏe bởi các nhân viên y tế, được yêu cầu thực hiện cách ly tập trung/cách ly tại nhà theo thời gian quy định. Việc vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 188, Bộ Luật hình sự IPC.
13. Ngoài thực hiện các biện pháp nêu trên, các cơ quan, tổ chức cần bảo đảm thực hiện các yêu cầu phòng tránh cần thiết đối với dịch bệnh Covid-19.
Với quyết định nghiêm ngặt trên, các cơ quan Hải quan cửa khẩu tại các cảng hàng không và cảng biển cũng sẽ tạm thời nghỉ, dẫn đến việc không thể thông quan hàng hóa như thường lệ, các doanh nghiệp Việt Nam cần đặc biệt lưu ý và xem xét thực hiện theo các khuyến nghị:
Với doanh nghiệp xuất khẩu: Tạm thời không chấp nhận các điều khoản thanh toán bất lợi như D/A; D/P trả chậm, hoặc cho khách hàng nợ tiền hàng, ưu tiên áp dụng L/C trả trước, không hủy ngay;
Tạm thời không làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đối với hàng hóa có thể đến cảng của Ấn Độ trước ngày 15/04/2020. Thời gian vận chuyển từ cảng tới cảng Việt Nam sang Ấn Độ chỉ mất 12-15 ngày (với một số chuyến tàu nhanh, không chuyển tải).
Hiện các ngân hàng đã cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 2 giờ/ ngày, cắt giảm nhân viên hoặc đóng cửa … do vậy thời hạn thanh toán cũng chậm hơn so với thường lệ.
Doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ với người mua để kiểm tra tình trạng hoạt động và khả năng thanh toán. Đồng thời, rà soát lại các hợp đồng mua bán đã ký kết, trong trường thấy bất lợi cần yêu cầu thay đổi điều khoản hợp đồng, bổ sung thêm các điều khoản về bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh.
Với doanh nghiệp nhập khẩu: Tạm thời không đặt cọc, trả trước cho người bán, do các nhà máy (sản xuất đồ không thiết yếu) cũng phải tạm thời đóng cửa. Hiện tại Ấn Độ đã cấm xuất khẩu một số sản phẩm thuốc, dược phẩm, biệt dược có thể điều trị các bệnh cảm cúm, sốt rét … một số thiết bị y tế chuyên dùng.
Doanh nghiệp cần Kiểm tra kỹ hồ sơ, giấy tờ trước khi thanh toán, tránh trường hợp doanh nghiệp giả mạo giấy tờ, chữ ký để hoàn thiện thủ tục thanh toán; Thường xuyên liên hệ với người mua để cập nhật thông tin về tình trạng sản xuất, khả năng cung cấp hàng hóa cũng như rà soát lại các hợp đồng mua bán;
Thông báo cho các khách hàng, các công trình về nguồn hàng, khả năng cung cấp, thời hạn giao hàng…
Trong trường hợp cần thiết, cần hỗ trợ đề nghị doanh nghiệp liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, địa chỉ B-5/123 Safdarjung Enclave, New Delhi, Email: in@moit.gov.vn; điện thoại +91 8826491826 Viber/ Zalo (Bùi Trung Thướng).
Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Nguồn: Congthuong.vn