Một trong những chìa khóa là “biết người biết ta”, đặc biệt là nắm được những thế mạnh, những ưu điểm để phát huy triệt để.
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Singapore Trần Thu Quỳnh, hiện giá trị kim ngạch các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có thế mạnh (như gạo, thủy sản, rau củ quả…) chỉ chiếm chưa đến 5% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore, song doanh nghiệp Việt Nam vẫn có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường có đòi hỏi cao này và thông qua đó để đi ra thế giới.
Việc Singapore thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu chính đang là thời cơ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, Singapore đang khống chế tỷ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của nước này. Dự kiến, tỷ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu, để tránh các đứt gãy cung cầu trong tương lai ở các thị trường truyền thống của Singapore như Malaysia, Trung Quốc, Mỹ…
Mặc dù Singapore có thể là một thị trường nhỏ, nhưng đây là địa bàn trung chuyển với mạng lưới doanh nhân người Hoa năng động, nếu doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công vào địa bàn sẽ có cơ hội để mở rộng thị trường ra thế giới; đặc biệt là cơ hội thâm nhập vào các thị trường ngách cực kỳ tiềm năng như: thị trường cung cấp thức ăn hàng không, thị trường cung cấp thức ăn cho các chuỗi nghỉ dưỡng, khách sạn và tàu biển và đặc biệt là thị trường Halal.
Trong khi đó, tại thị trường Australia, nông sản Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng với nông sản bản địa, và đây cũng chính là những lợi thế. Theo ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Australia có những điều kiện thuận lợi nhất định. Thứ nhất, về khí hậu, Việt Nam và Australia nằm ở hai nửa bán cầu khác nhau nên vụ mùa thu hoạch thường trái ngược, góp phần tạo ra sự tương hỗ, bổ sung trong việc tiêu thụ nông sản của hai nước.
Thứ hai, có hơn 300.000 kiều bào Việt Nam sinh sống trên khắp Australia, chưa kể vài chục nghìn du học sinh và cán bộ đang học tập và công tác ở đây, nhiều người đem theo cả gia đình, tạo ra một thị trường đáng kể. Số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng rau, củ, quả do người Việt Nam làm chủ tại Australia rất đông. Các thương gia Việt kiều tại các thành phố lớn như Sydney và Melbourne luôn sẵn sàng ưu tiên lựa chọn nguồn hàng của Việt Nam.
Thu hoạch thanh long xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: TTXVN
Thứ ba, tháng 3/2018, Việt Nam và Australia đã nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược, qua đó tạo ra nhiều cơ hội đầu tư - thương mại mới giữa hai nước. Hai quốc gia còn là đối tác thương mại thông qua hai hiệp định thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Nhờ các hiệp định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Với Liên minh châu Âu (EU), việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt tại thị trường tiềm năng này. Tham tán Nông nghiệp tại EU và Bỉ Trần Văn Công đánh giá khi hiệp định này có hiệu lực từ 1/8 tới, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được hưởng lợi về thuế. Đáng chú ý là nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam được hưởng thuế suất về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực như cà phê, mật ong tự nhiên, sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến, nước hoa quả, hoa tươi…
EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu hầu hết các mặt hàng, gần 100% kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy- sản của Việt Nam. Gần như toàn bộ các sản phẩm thủy sản, rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, mật ong, gạo tấm, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng song mây cói thảm... về cơ bản sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Thêm vào đó, EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình tại thị trường EU.
Với thị trường Mỹ, Tham tán Thương mại Việt Nam Bùi Huy Sơn đánh giá hai nước có nhiều triển vọng hợp tác trong thương mại nông sản trên cơ sở khai thác lợi thế cạnh tranh mang tính bổ trợ lẫn nhau của mỗi bên. Các nông sản như bông, đỗ tương của Mỹ hỗ trợ tích cực cho ngành dệt, may và chăn nuôi của Việt Nam. Các loại quả ôn đới đặc trưng như chery, nho, táo Mỹ sẽ mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều lựa chọn phong phú. Ngược lại, Việt Nam có thể cung cấp các sản vật như cà phê, hạt tiêu, chè, gạo, hạt điều, hoa quả tươi nhiệt đới cho thị trường Mỹ.
Có thể thấy nông sản Việt, đặc biệt là hoa quả vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa tại thị trường các nước. Vấn đề là các doanh nghiệp biết tận dụng lợi thế để biến thành cơ hội phát triển.

NGUYỄN THÚY - KIM CHUNG - LINH HƯƠNG - NGUYỄN MINH - ĐẶNG HUYỀN

Nguồn: TTXVN