Trong đó quy định rõ các nội dung chi từ nguồn ngân sách trung ương, chi thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa do Bộ Giao thông vận tải quản lý, bao gồm:
Chi lập hồ sơ các vị trí nguy hiểm trên đường thủy nội địa, các vật chướng ngại và theo dõi kết quả xử lý; chi khảo sát luồng phục vụ quản lý và thông báo luồng đường thủy nội địa; tổ chức giao thông, kiểm tra bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; quản lý, lắp đặt, điều chỉnh báo hiệu đường thủy nội địa trên bờ, dưới nước; theo dõi thuỷ chí, thuỷ văn, đếm phương tiện;
Chi bảo dưỡng thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo nội dung, kế hoạch bảo trì hàng năm của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; chi sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, bao gồm sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo nội dung, kế hoạch bảo trì hàng năm của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt...
Về nội dung chi từ nguồn ngân sách địa phương: Căn cứ nội dung chi quy định nêu trên và quy định của địa phương (nếu có); khả năng kinh phí và hiện trạng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của địa phương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nội dung chi thường xuyên hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa do địa phương quản lý cho phù hợp, bảo đảm an toàn tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý.
Mức chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án hoạt động kinh tế giao thông đường thủy nội địa thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính của pháp luật hiện hành.
Đối với các nhiệm vụ, dự án có định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn giá sản phẩm thì căn cứ theo số lượng, khối lượng nhiệm vụ được giao, định mức kinh tế- kỹ thuật và theo đơn giá sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2021.

Nguồn: VITIC