Sau khi đã có hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, Nghị định 60 vừa được ban hành đã cho phép CTCK được phát hành chứng quyền có bảo đảm (covered warrant) kể từ ngày 1/9/2015.
Covered warrant là gì?

Theo định nghĩa, Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở (không phải nghĩa vụ bắt buộc) cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Ví dụ, cổ phiếu A đang có giá 10.000 đồng/cp. Một nhà đầu tư nhận định cổ phiếu A sẽ tăng giá trong thời gian tới, anh ta mua 10.000 chứng quyền có đảm bảo do CTCK B phát hành với mức phí khoảng 500 đồng/cp với thời hạn 1 tháng và dự đoán rằng giá sau 1 tháng sẽ đạt 12.000 đồng/cp. Sau 1 tháng, nếu giá cổ phiếu A trên 12.500 đồng/cp (tức là nhà đầu tư đã có lời), anh ta sẽ thực hiện quyền. Giả sử lúc này giá cổ phiếu A là 14.000 đồng/cp, nhà đầu tư có thể lấy chênh lệch 1.500 đồng/cp từ CTCK (15 triệu đồng), hoặc mua 10.000 cổ phiếu A với giá 12.500 đồng/cp. Nếu giá cổ phiếu A là 11.000 đồng/cp, anh ta có thể hủy thực hiện quyền mua, và chấp nhận mất 500 đồng/cp.
Điều kiện phát hành chứng quyền có đảm bảo

Giao dịch này sẽ mở ra một kênh giao dịch mới cho các nhà đầu tư cũng như tăng thêm các sản phẩm cho các CTCK. Tuy nhiên do nghiệp vụ này đòi hỏi CTCK hoặc phải có nguồn hàng đủ đáp ứng (để trả chứng khoán cho NĐT đến ngày đáo hạn) hoặc phải có nguồn vốn đủ lớn (để trả lại khoản chênh lệch cho NĐT đến ngày đáo hạn). Do đó không phải CTCK nào cũng được thực hiện nghiệp vụ này.

Một CTCK muốn chào bán chứng quyền có bảo đảm không có lỗ lũy kế, có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu 1000 tỷ đồng trở lên theo báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán của năm gần nhất và báo cáo tài chính bán niên gần nhất đã kiểm toán soát xét; Được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

CTCK cũng phải có cổ phiếu để ký quỹ chứng khoán cơ sở hoặc tiền để bảo đảm thanh toán cho đợt chào bán tại ngân hàng lưu ký không phải là người liên quan; Không bị đặt trong tình trạng cảnh báo, tạm ngừng hoạt động, đình chỉ hoạt động hoặc trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản; Báo cáo tài chính của năm liền trước đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán được chấp thuận không có ngoại trừ

Việc chào bán chứng quyền có bảo đảm phải được UBCK nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện, hồ sơ, trình tự thủ tục chào bán chứng quyền có bảo đảm.

Loại chứng khoán cơ sở do CTCK phát hành chứng quyền có đảm bảo phải xác định mức ký quỹ, phải có thanh khoản, vốn hóa thị trường, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, quy mô của các đợt chào bán và các chỉ tiêu tài chính của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Ví dụ, cổ phiếu trong nước cũng phải có giá trị vốn hóa thị trường đạt mức nhất định, tổng khối lượng giao dịch của 3 tháng gần nhất phải lớn hơn hoặc bằng tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, không bị lỗ trong thời gian lập báo cáo tài chính gần nhất.

Nhằm kiểm soát rủi ro, thường cơ quan quản lý đặt hạn mức đối với cổ phiếu trong nước. Ví dụ, tại Đài Loan là 22%, tức tổng số cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho tất cả chứng quyền được niêm yết nhỏ hơn hoặc bằng 22% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Hiện chưa có hướng dẫn về việc phát hành chứng quyền có bảo đảm, nhưng CTCK muốn lập danh mục phát hành chứng quyền có đảm bảo sẽ phải đóng vai trò như một market market (nhà tạo lập thị trường).
Thêm một kênh hút tiền mới vào TTCK

Cover warrant được kỳ vọng sẽ tạo thêm kênh đầu tư mới cho NĐT nước ngoài được đầu tư vào các cổ phiếu đã hết room, trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn trên TTCK, đặc biệt cho các nhà đầu tư thích dự đoán chứng khoán. Nếu dự đoán đúng và thực hiện quyền thì nhà đầu tư lãi lớn, nếu dự đoán sai thì chỉ mất mức phí vài phần trăm. Do đó, bộ phận phân tích của CTCK sẽ phải định giá cổ phiếu để đảm bảo công ty không bị lỗ quá lớn với dự đoán của các NĐT.

Sở GDCK TP.HCM đã rục rịch triển khai covered warrant từ năm trước, HoSE cũng đã tổ chức nhiều hội thảo về việc này.

Theo Chủ tịch Sở GDCK Tp.HCM Trần Đắc Sinh, sản phẩm Covered Warrant, không hẳn là sản phẩm phái sinh mà là sản phẩm kép, niêm yết trên thị trường. Covered warrant có nhiều đặc điểm giống như quyền chọn, nhưng lại có tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn rất nhiều, covered warrant cung cấp một công cụ phòng vệ rủi ro và giúp NĐT có thể thực hiện các chiến lược đầu tư khác nhau với chi phí thấp và an toàn. Sản phẩm Covered Warrant, không hẳn là sản phẩm phái sinh mà là sản phẩm kép, niêm yết trên thị trường.

Mặt khác, covered warrant giúp bổ sung thêm mảng hoạt động nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư và hoạt động tạo lập thị trường phái sinh, từ đó đa dạng hóa nguồn doanh thu cho CTCK thành viên, cũng là một bước đệm để hình thành hệ thống tạo lập thị trường cho các sản phẩm phái sinh sau này.