Đây là những thông tin được các diễn giả, chuyên gia cho biết tại hội thảo “Phát triển thiết kế, nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 8/12, tại TP. Hồ Chí Minh.
Thiết kế - yếu tố sống còn của sản phẩm
Từng tiếp xúc và làm việc với rất nhiều khách hàng quốc tế, bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển thị trường, Cục Xúc tiến thương mại - cho biết, trong quá trình làm việc để hỗ trợ DN Việt Nam phát triển thị trường, chúng tôi được nghe rất nhiều đánh giá của khách hàng về những sản phẩm thủ công nghiệp Việt Nam với nội dung “hàng tốt nhưng kém thu hút”.
Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam là một dẫn chứng rõ nhất. Những sản phẩm của ngành hàng này như mặt hàng sơn mài, hàng mây tre đan mang đặc trưng dân tộc đã thu hút nhiều sự quan tâm của khách hàng đến từ châu Âu và châu Mỹ. Tuy nhiên, mặt chưa được của các DN Việt Nam là chưa có thương hiệu, các mặt hàng tuy phong phú nhưng thiếu sự lựa chọn, chưa có sự nghiên cứu thấu đáo về thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng giá cả thị trường. Vì vậy dù hàng đẹp nhưng sự tiện dụng và tính sáng tạo lại đang thiếu.
Đánh giá tầm quan trọng của thiết kế, bà Huỳnh Bích Trân, Phó Giám đốc, Bộ phận Đo lường bán lẻ của Công ty Nielsen Việt Nam - khẳng định: Bao bì, mẫu mã sản phẩm là các yếu tố có tác động trực tiếp đến quá trình marketing, sale của một thương hiệu. Do vậy, DN phải nắm được diễn biến thị trường và tâm lý, hành vi người tiêu dùng để có thể thiết kế, đưa ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng tiêu dùng của khách hàng.
Dẫn chứng cụ thể, bà Trân cho biết: Năm 2015, để vực dậy ngành thực phẩm dinh dưỡng đông lạnh đang bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, thương hiệu Lean Cuisine Marketpale đã mạnh dạn thay đổi bộ nhận diện sản phẩm. Chỉ 1 năm sau đó doanh thu ngành hàng của Lean Cuisine đã có sự đột phá ấn tượng. Nếu như giai đoạn 2013-2015, doanh thu ngành hàng của Lean Cuisine bị sụt giảm gần 10% so với thời kỳ đỉnh cao trước đó thì đến năm 2016 chỉ còn giảm 1,3%. Hay với trường hợp của Perdue Short Cuts, kể từ năm 2012, mỗi năm thương hiệu này mất đi 3-4% thị phần và mất vị trí số 1 trên thị trường. Qua tiến hành phỏng vấn nhóm, Perdue xác định ra rằng, bao bì hiện tại của mình kém hấp dẫn đối với các khách hàng mới sử dụng. Ngay sau đó công ty đã tiến hành thay đổi thiết kế bao bì, chỉ 6 tháng sau khi thay đổi, Perdue đã giành lại vị thế số 1 trên thị trường, doanh thu tăng 20% trong năm đầu tiên thay đổi bao bì. Một năm sau đó, Persua không chỉ thu hút thêm khách hàng mới mà còn tăng tần suất sử dụng của các khách hàng trung thành.
Tăng cường khâu thiết kế để tiếp cận khách hàng
Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - cho rằng, hiện nay các DN Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức và các cơ hội mới, đòi hỏi công tác xúc tiến thương mại phải liên tục đổi mới để bắt kịp nhu cầu của thị trường. Để hỗ trợ các DN ngành thủ công nghiệp Việt Nam phát triển thiết kế, nâng cao chuỗi giá trị, Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam”, giai đoạn 2017-2020.
Điểm nhấn của dự án là việc phối hợp xây dựng và thành lập Trung tâm hợp tác thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại Hà Nội do Viện Xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP) - Bộ Công nghiệp, Thương mại và Năng lượng Hàn Quốc hỗ trợ. Trung tâm sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao năng lực thiết kế, đào tạo, hội thảo tư vấn về thiết kế cho các DN Việt Nam và kết nối giữa các DN Việt với các nhà thiết kế trong, ngoài nước. Bên cạnh đó dự án cũng thành lập và vận hành kênh thương mại điện tử, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm có thiết kế tốt của Việt Nam ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc.
Kể từ khi hoạt động, trung tâm đã tổ chức được nhiều khóa đào tạo tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đà Nẵng… Sau khóa đào tạo, các DN đã nhận ra tại sao sản phẩm của mình lại chưa bắt mắt, chưa thu hút được khách hàng và cần phải thiết kế lại ra sao cho phù hợp.
Riêng đối với giải pháp thương mại điện tử, ông Oh Sang Jin, đại diện Công ty Megazone Vina - đối tác thực hiện dự án đến từ Hàn Quốc - chia sẻ, sản phẩm thủ công nghiệp Việt hiện chưa đến trực tiếp với người tiêu dùng mà còn phải qua nhiều khâu trung gian, tốn kém chi phí. Vì thế dự án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành thủ công nghiệp Việt Nam” sẽ có kênh thương mại điện tử để giúp DN Việt tiếp cận trực tiếp người dùng, giảm chi phí khâu trung gian và nâng cao lợi nhuận cho DN. Theo đó, công ty đã phát triển web thương mại điện tử thủ công để xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên thế giới. Megazone Vina sẽ đứng ra ký hợp đồng với các nhà cung cấp, chụp ảnh sản phẩm để bán trên trang web này.
Nguồn: Thùy Dương/Báo Công Thương điện tử