Thông tin cho thấy, nhiều nhà chế biến và nhập khẩu hàng đầu thế giới đang chuyển nhà máy hoặc dịch vụ từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc đến Việt Nam để chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.

Trong một lần diễn thuyết tại Việt Nam, ông Philip Kotler, cha đẻ của Marketing hiện đại đã gợi ý “Nếu Trung Quốc là công xưởng của thế giới, thì Việt Nam hãy là nhà bếp của thế giới”. Thực tế, thời gian qua, ẩm thực Việt Nam đã được các chuyên gia ẩm thực cũng như nhiều bạn bè quốc tế yêu thích và tìm hiểu. Vậy Việt Nam có thể làm giàu bằng nghề chế biến thực phẩm được không và làm điều ấy bằng cách nào?

Theo tôi, Việt Nam có thể làm được và cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có hai giải pháp làm ngay: Một là, cần có nhận thức đầy đủ từ lãnh đạo cấp cao, đến doanh nghiệp và người dân trong việc xác định nghề chế biến thực phẩm là nghề mũi nhọn để phát triển, để từ đó chúng ta tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển theo hướng nhanh hơn nữa, mạnh hơn nữa. Hai là, nên phát triển theo mô hình những cụm công nghiệp chế biến thực phẩm chuyên sâu. Cụm công nghiệp này như là mô hình công nghiệp thực phẩm sáng tạo của Việt Nam. Nơi đây tạo ra cơ hội và thế mạnh kinh doanh mới cho doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm thông qua sự tích hợp của các ngành công nghiệp khác nhau với nhiều dịch vụ tiện ích để giúp các doanh nghiệp cải tiến sản phẩm hoặc phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Và đặc biệt chúng ta giải quyết được bài toán xử lý chất thải tập trung, giảm ô nhiễm môi trường.

Tùy theo đặc điểm nguyên liệu từng vùng miền có thể hình thành những cụm chế biến phù hợp. Nếu như lấy ngành chế biến thủy sản đang có lợi thế của Việt Nam để thực hiện thì nên hình thành một cụm tại Cần Thơ, một cụm tại tại Bà rịa - Vũng tàu, một cụm tại Nha Trang, một cụm tại Đà Nẵng và một cụm tại Hải Phòng. Chúng ta tập trung xây dựng thương hiệu thủy sản cho những cụm này.

Thế giới biết Hàn Quốc thông qua những thương hiệu điện tử và ôtô nổi tiếng toàn cầu như: SamSung, LG, Huyndai… Tại sao thế giới không thể biết đến Việt Nam qua những thương hiệu thực phẩm nổi tiếng như: Café Trung Nguyên - G7, bia 333, sữa Vinamilk hay thủy sản chế biến…

Thời gian qua, Chính phủ và các địa phương luôn cổ vũ cho việc liên kết vùng, cụm công nghiệp chế biến thực phẩm công nghệ cao có thể là một công cụ để làm tốt công tác này, bởi nơi đây tập hợp tổng cầu nguyên liệu phục vụ chế biến. Trên cơ sở đó sẽ liên kết các địa phương, nông dân hình thành những vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị. Thiết nghĩ, đã đến lúc Việt Nam cần chú trọng nghề chế biến thực phẩm một cách chuyên nghiệp.

Nguồn Anh Vĩnh/Báo Công Thương điện tử