Năm 2020, dù có nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp (DN) dệt may đã nhanh chóng thích ứng và vượt qua với kim ngạch xuất khẩu đạt 35,2 tỷ USD, giảm nhẹ so với 2019. Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - đánh giá: Nếu như trong giai đoạn năm 2018 – 2019 ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 3 và thứ 4 thế giới về giá trị xuất khẩu thì trong năm 2020 chúng ta đã vươn lên đứng hàng thứ 2. Để có được vị trí đó, các DN đã phải đưa ra những giải pháp nhanh và hiệu quả. Nhiều DN phải nhận những mặt hàng trái chuyên môn để có công ăn việc làm cho người lao động. Đơn cử như với Công ty My One là một ví dụ. Nhờ chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế… doanh thu của công ty đã tăng lên nhiều lần so với năm 2019.
Bên cạnh việc thích ứng bằng chuyển đổi mặt hàng sản xuất, theo các chuyên gia chính những thách thức mà Covid-19 tạo ra đã khiến DN trong ngành dệt may vững vàng hơn. “Covid-19 tạo ra một điểm khác biệt rất lớn - đó là chúng ta giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài và thay vào đó dùng nguyên liệu trong nước nhiều hơn. Chính điều này đã giúp nâng giá trị gia tăng trong xuất khẩu” - ông Vũ Đức Giang chia sẻ.
Được biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 35,2 tỷ USD thì có khoảng 19 tỷ USD là thặng dư thương mại. Đây là thặng dư thương mại lớn nhất mà từ trước đến nay ngành dệt may Việt Nam chưa bao giờ có được.
Những tháng cuối năm 2020, dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng các DN dệt may nhận định rằng thị trường đã có những khởi sắc hơn nhờ việc các nước bắt đầu đưa vắc-xin vào tiêm phòng cho người dân. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là trong năm 2020 Việt Nam đã tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo ông Vũ Đức Giang, các hiệp định này tạo ra cho ngành dệt may một nền tảng thương mại bền vững và có sự hỗ trợ lẫn nhau. “Đơn cử như châu Âu đã cho phép chúng ta mua nguyên liệu vải từ Nhật Bản, Hàn Quốc sản xuất rồi xuất khẩu vào EU mà vẫn được hưởng thuế suất 0%”- ông Giang nêu ví dụ.
Từ những tín hiệu tích cực này, ông Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Công ty My One - cho biết, trong năm 2021, chiến lược của My One là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề cho người lao động. Ngoài ra, công ty này đang tiến hành cải tiến máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất nhiều hơn. Từ đó nâng cao năng lực sản xuất của công ty, sẵn sàng đón nhận những cơ hội trong năm tới và những năm xa hơn. Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean khẳng định sẽ lấy lại đà tăng trưởng, dự đoán có thể tăng 20% về doanh thu trong năm 2021.
Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 38 - 38,5 tỷ USD trong năm 2021. Để đạt mục tiêu này, ngành dệt may xác định thị trường chính vẫn là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU…

Nguồn: congthuong.vn