Thị trường ôtô Việt Nam trải qua một năm nhiều biến động khi chịu ảnh hưởng liên tiếp từ đại dịch Covid-19. Nhìn chung, hầu hết hãng xe dự kiến có mức tăng trưởng âm khi kết sổ năm 2020. Trong khi đó, một vài thương hiệu đang ghi nhận kết quả khả quan nhờ chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình của thị trường.
Về phía người tiêu dùng, khách hàng Việt Nam liên tiếp đón nhận nhiều dòng xe mới và các chương trình ưu đãi, kích cầu từ nhà sản xuất. Điều này góp phần thúc đẩy thị trường hồi phục trong giai đoạn cuối năm.
Khó tránh khỏi tăng trưởng âm
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 11, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm ôtô du lịch giảm 12,47%, từ hơn 205.000 chiếc còn gần 180.000 xe.
Trong bối cảnh chung kể trên, thị trường có 2 mốc sụt giảm mạnh tương ứng với giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam là tháng 4 và tháng 8. Đáng kể nhất là vào tháng đầu tiên của quý II khi doanh số ôtô du lịch của các thành viên VAMA chỉ đạt khoảng 7.800 xe, cùng lúc đó TC Motor chỉ bán được hơn 2.000 xe con Hyundai.
Doanh số ôtô du lịch tại Việt Nam năm 2020

Sau đó, thị trường ấm trở lại, doanh số được cải thiện khi nhu cầu mua xe dần ổn định và tăng dần trong giai đoạn tháng 5-7 và 9-11. Đặc biệt, tháng 11 vừa qua ghi nhận doanh số kỷ lục tính từ đầu năm của toàn thị trường.
Tổng lượng xe du lịch bán ra ghi nhận bởi VAMA (28.755 chiếc), TC Motor (9.995 chiếc) và VinFast (4.040 chiếc) đều đạt mức vượt trội so với 10 tháng trước đó.
Yếu tố chính giúp doanh số bán hàng được cải thiện là chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước (CKD) từ Chính phủ, kết hợp cùng hàng loạt ưu đãi, khuyến mại được tung ra trong nhiều tháng qua để kích cầu.
Chuyên gia ôtô Nguyễn Sơn nhận xét mức tăng trưởng trong giai đoạn cuối quý III, tháng 10 và 11 đã qua là rất ấn tượng khi xét trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả nước còn nhiều khó khăn.
Tuy vậy, khoảng cách giữa doanh số hiện tại so với cùng kỳ năm trước chênh lệch khá xa, kém gần 13%, nên rất khó để thị trường ôtô Việt Nam thoát khỏi một năm suy giảm.
Ông Sơn nói thêm: “Nhìn chung, các thương hiệu ôtô đã áp dụng hiệu quả việc giảm giá để bán được xe ở giai đoạn khó khăn vừa qua. Bên cạnh đó, các dòng xe mới trình làng trong năm qua cũng có thể xem là điểm sáng của thị trường. Các mẫu xe gầm cao tầm 600-800 triệu vừa làm đa dạng lựa chọn mua xe cho khách hàng, vừa cho thấy thị hiếu sử dụng ôtô của người Việt đang dần thay đổi sang hướng thực dụng hơn”.
Xe nhập thất thế trước ôtô lắp ráp
Bên cạnh bất lợi ở chính sách ưu đãi, ôtô nhập khẩu (CBU) còn gặp khó khăn để cạnh tranh với xe CKD khi nguồn cung không ổn định. Theo VAMA, tính đến hết tháng 11, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 7% trong khi xe nhập khẩu giảm 24% so với cùng kỳ năm 2019.
Chịu ảnh hưởng đáng kể nhất là Ford và Honda, 2 thương hiệu có nhiều mẫu xe chủ lực thuộc diện nhập khẩu như Ranger, Everest hay CR-V (chuyển sang lắp ráp từ tháng 8). Các mẫu xe này cùng với Explorer, Brio, HR-V và Accord cũng gặp tình trạng hạn chế về nguồn cung.
So với thời điểm tháng 11/2019, tổng lượng xe du lịch tiêu thụ của Ford cùng Honda giảm tương ứng 20,1% và 32,67%. Đây là tỷ lệ giảm nhiều nhất trong số các hãng xe thuộc VAMA có công bố doanh số.

Với Toyota Việt Nam, lượng xe bán ra giảm hơn 10.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước không chịu nhiều ảnh hưởng từ các model CBU. Hãng xe Nhật Bản thất thế khi các model quan trọng đánh mất thị phần vào tay đối thủ, chẳng hạn như Toyota Innova bị Mitsubishi Xpander áp đảo, Toyota Fortuner nhiều tháng liền bị Hyundai Santa Fe qua mặt. Các mẫu xe bình dân khác như Wigo, Avanza, Rush hay Corolla Altis cũng không tạo được sức bật cần thiết.
Hai điểm sáng của Toyota trong năm qua là Vios và Corolla Cross. Mẫu sedan hạng B vẫn duy trì phong độ ổn định với doanh số dẫn đầu toàn thị trường, trong khi đó chiếc SUV 5 chỗ mở ra phân khúc mới và được đón nhận với lượng xe tiêu thụ cao, danh sách khách chờ nhận xe kéo dài đến tận năm sau.
Từng là “hiện tượng” trong năm 2019 với doanh số tăng gần gấp 3 nhờ Xpander, Mitsubishi chững lại khi mức tăng trưởng ở tháng 11 là âm 8,88%, doanh số giảm khoảng 2.300 xe so với cùng kỳ.
Chiếm hơn một nửa trong số 24.387 xe Mitsubishi bán ra là các model Xpander nhập khẩu từ Indonesia. Đóng góp của xe CKD như Outlander hay Xpander AT (ra mắt từ tháng 7) là không đáng kể, chỉ hơn 4.100 chiếc.

Tận dụng tốt nhất ưu thế dành cho xe CKD để tăng trưởng trong năm qua là Hyundai và Kia. Hai hãng xe Hàn Quốc với loạt sản phẩm lắp ráp trong nước, giá bán cạnh tranh đang ghi nhận kết quả kinh doanh đáng mơ ước đối với nhiều thương hiệu khác.
Đến cuối tháng 11, có gần 61.300 xe con Hyundai được bán ra, nhiều nhất thị trường ôtô du lịch và mức giảm không đáng kể so với cùng kỳ, chỉ 1,37%. Bù đắp cho phần sụt giảm của Elantra và Kona là doanh số ổn định của Accent, Grand i10, Santa Fe cũng như Tucson.
Trong khi đó, Kia đã bán vượt năm 2019 với doanh số hơn 31.000 xe. Góp công lớn vào thành tích này ngoài Soluto, Cerato còn phải kể đến bộ đôi tân binh Seltos và Sorento, 2 mẫu xe gầm cao đang được người dùng Việt Nam đón nhận rất tích cực.
Trái ngược với Kia, một thương hiệu khác do Thaco phân phối là Mazda đang phải nỗ lực để tránh một năm sụt giảm doanh số. Các dòng xe quan trọng như Mazda3, CX-5 hay CX-8 đều bị cạnh tranh gay gắt khiến doanh số tích lũy của Mazda Việt Nam hiện giảm gần 6%.
VinFast bắt đầu công bố doanh số bán hàng từ tháng 5, và sau 6 tháng hãng xe Việt Nam ghi nhận doanh số cộng dồn hơn 18.000 chiếc. Kết quả khả quan này đến từ hệ thống phân phối rộng khắp, chủ động trong khâu sản xuất cũng như các chương trình ưu đãi lớn kéo dài từ giữa năm.
Ở nhóm xe hạng sang, Mercedes-Benz hưởng lợi khi các dòng xe chủ lực đều được sản xuất trong nước. Mercedes C-Class, E-Class, S-Class hay GLC-Class hoàn toàn chiếm ưu thế trước đối thủ khi vừa có giá bán cạnh tranh, vừa được hỗ trợ chi phí đăng ký từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Còn lại, BMW, Audi, Lexus, Volvo và các thương hiệu xe sang khác vừa trải qua một năm đầy khó khăn vì đại dịch.

Thế trận khó đoán trong năm 2021
Với những kết quả kể trên, tình thế của thị trường ôtô Việt Nam năm 2020 nhìn chung đã được định hình với 3 cái tên quen thuộc là Toyota, TC Motor và Thaco.
Tạm tính đến cuối tháng 11 với 12 thương hiệu tham gia công bố kết quả kinh doanh, Thaco nắm trong tay 22,71% với đóng góp từ Mazda (10,09%), Kia (11,4%) và Peugeot (1,22%). Trong khi đó, Hyundai đem về 22,28% thị phần cho TC Motor. Con số tương ứng của Toyota Việt Nam là 21,58%.
Nếu 3 thứ hạng này không thay đổi khi bổ sung doanh số của tháng 12, 2020 sẽ là năm đánh dấu việc Hyundai bán vượt Toyota tại Việt Nam. Đồng thời, Thaco quay lại dẫn đầu thị trường xe trong nước.
Thị phần ôtô du lịch Việt Nam năm 2020
Đơn vị: chiếc
(Doanh số tính đến tháng 11/2020 theo công bố của VAMA, TC Motor
Những hãng xe có thị phần xếp sau 3 ông lớn kể trên lần lượt là Mitsubishi (8,87%), Honda (7.37%), Ford (7.17%) và VinFast (6,75%). Suzuki, Nissan và Isuzu chia nhau các vị trí còn lại trong danh sách. Những thương hiệu khác “kín tiếng” hơn còn có Chevrolet, Subaru, Volkswagen...
Ông Nguyễn Sơn nhận định rằng năm 2021 cuộc đua doanh số sẽ khó đoán hơn khi chính sách ưu đãi phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước hết hiệu lực. Bên cạnh đó, khi tình hình sản xuất chung của các hãng xe trong khu vực Đông Nam Á ổn định trở lại, xe CBU sẽ có thêm cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng trước những mẫu xe CKD.
Một vài cái tên nhập ngoại đáng chú ý đang bán tốt trong năm 2020 và chờ đợi thời cơ ở năm 2021 có thể kể đến Suzuki XL7 và Subaru Forester. Đây là 2 mẫu xe đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường của Suzuki và Subaru tại Việt Nam trong năm qua.

Toyota và Mitsubishi là 2 thương hiệu chăm chỉ ra mắt xe nhất trong năm qua với dải sản phẩm trải dài từ xe cỡ nhỏ đến SUV gia đình. Với việc không còn nhiều model mới để giới thiệu trong tương lai, 2 hãng xe Nhật sẽ phải tập trung vào khâu mở rộng hệ thống phân phối cũng như tung ra nhiều chương trình bán hàng để phát triển doanh số.
Đối với Mazda, thương hiệu xe Nhật Bản có thể tiếp tục đối mặt với một năm khó khăn khi các sản phẩm hiện hành đều tỏ ra thiếu sức hút để cạnh tranh và duy trì thị phần. Mazda3, Mazda6 hay CX-5 đánh mất vị thế dẫn đầu phân khúc về tay đối thủ.
Trong khi đó Mazda2, CX-8 cùng BT-50 có kết quả bán hàng không đáng kể nếu so sánh với Toyota Vios, Hyundai Santa Fe hay Ford Ranger. Bên cạnh đó, Mazda còn đang vắng mặt ở 2 nhóm xe thịnh hành là MPV 7 chỗ và SUV cỡ nhỏ.

Đối với VinFast, hãng xe Việt Nam sẽ cần thêm nhân tố mới để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, VinFast vẫn đang phụ thuộc vào Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0. Mẫu xe President được sản xuất giới hạn nên không ảnh hưởng nhiều đến doanh số chung.
Ngoài những thương hiệu kể trên, người dùng Việt Nam còn đang chờ đợi Nissan với nhà phân phối mời và các mẫu xe hấp dẫn hơn. Nissan Sunny, X-Trail hay Navara thế hệ mới nhiều khả năng sẽ sớm được giới thiệu để giúp hãng xe Nhật Bản lấy lại thị phần đã mất.
Bên cạnh những mẫu xe vừa được giới thiệu như Hyundai Accent, Honda City hay Peugeot 2008, dự đoán sẽ có thêm loạt tân binh đáng gờm hâm nóng cho thị trường ôtô 2021.

Nguồn: zingnews.vn