Tọa đàm phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu là một trong những sự kiện thuộc Chương trình Lễ tôn vinh, trao Giấy chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia và Triển lãm hội chợ hàng CNNT tiêu biểu năm 2019 diễn ra từ ngày 18-22/9/2019.
Yếu từ sản xuất tới thị trường
Báo cáo tại toạ đàm, ông Hoàng Chính Nghĩa- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (CTĐP) cho hay: Bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu là nội dung trọng tâm được Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo các địa phương thực hiện cũng như trực tiếp triển khai trong nhiều năm qua. Số liệu từ Cục CTĐP cho thấy, từ năm 2012 đến nay, Bộ Công Thương đã chỉ đạo 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, công nhận, cấp giấy chứng nhận cho 2.430 sản phẩm.

tim giai phap phat trien san pham cong nghiep nong thon tieu bieu

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng kỳ vọng đến kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 sẽ tìm được nhũng sản phẩm thực sự tiêu biểu
Cục CTĐP cũng đã chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức 4 kỳ bình chọn cấp khu vực, đã có 807 sản phẩm được công nhận, cấp giấy chứng nhận; tổ chức 3 kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, 312 sản phẩm được công nhận.
Với những sản phẩm đó, Bộ Công Thương đã dành nhiều ưu đãi cho phát triển, như: Đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tuyên truyền về sản phẩm… tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.
Dù đạt nhiều kết qủa tích cực, tuy nhiên theo ông Hoàng Chính Nghĩa, công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu các cấp vẫn đang gặp nhiều vướng mắc khi nội dung một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể; vẫn còn địa phương chưa quan tâm, coi trọng công tác phát triển sản phẩm CNNT tiêu biểu, thậm chí có địa phương chưa lần nào tổ chức bình chọn; công tác thông tin tuyên truyền, giới thiệu về chương trình bình chọn chưa thực sự sâu rộng tới các đối tượng tham gia; chất lượng sản phẩm đầu vào không cao.
Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Thanh- Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên Huế chỉ ra: Hầu hết sản phẩm CNNT tiêu biểu hiện đang loay hoay tìm đầu ra. Mặc dù đã được hỗ trợ kết nối với các siêu thị lớn nhưng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rất ít cơ sở sản xuất CNNT đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, số lượng sản phẩm… Nạn hàng gian hàng giả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) CNNT.
Ở khía cạnh sản xuất, bà Cao Thị Thanh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cũng phản ánh: Phần lớn DN CNNT có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và hộ gia đình, nguồn lực đầu tư cho công nghệ sản xuất rất hạn chế. Do đó, sản phẩm CNNT chủ yếu vẫn được sản xuất thủ công, bán thủ công dẫn tới chất lượng sản phẩm không đồng đều, mẫu mã, bao bì sản phẩm không hấp dẫn.
Bên cạnh đó, mức thưởng cho các cơ sở có sản phẩm CNNT được công nhận rất thấp cho dù tỉnh có hỗ trợ thêm nhưng vẫn không kích thích được DN nhiệt tình tham gia. Một điều đáng lo nữa là sau mỗi kỳ tổ chức số lượng sản phẩm CNNT tham gia bình chọn có xu hướng giảm, 1 phần nguyên nhân cũng là do các ưu đãi sau khi được công nhận chưa hấp dẫn.
Thay đổi để phù hợp
Qua phản ánh của các địa phương có thể thấy, sản phẩm CNNT tiêu biểu đang yếu cả về sản xuất và thị trường. Thông qua hàng loạt các chương trình như khuyến công, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… Bộ Công Thương từng bước tháo gỡ những khó khăn này.
Riêng về đầu ra ở thị trường nội địa, bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay: Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm như hội nghị kết nối, đưa hàng hoá vào hệ thống phân phối nước ngoài, DN sử dụng sản phẩm của nhau, phát triển thương mại nông thôn… những chương trình này luôn mở rộng tới tất cả các sản phẩm CNNT. Tuy nhiên, do sản phẩm CNNT rất đặc thù, mỗi sản phẩm chỉ thích ứng với một hoặc một số chương trình. “Vụ thị trường trong nước sẵn sàng hỗ trợ DN tham gia các chương trình cũng như đưa sản phẩm CNNT vào các chương trình kết nối, xúc tiến tiêu thụ phù hợp” bà Lê Việt Nga khẳng định.
Phát biểu tại toạ đàm,Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá: Công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu đã được triển khai thực hiện tốt trong nhiều năm qua nhưng để tìm được những sản phẩm thực sự tiêu biểu, có uy tín cao trên thị trường lại là việc các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần liên kết cùng nhau thực hiện. “Bắt đầu ngay với những sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019, Cục CTĐP, Cục Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước… có kế hoạch làm việc cụ thể với từng địa phương, DN có sản phẩm được công nhận để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ sát thực, hiệu quả”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu.
Công tác bình chọn cũng cần xem xét hệ thống tiêu chí chấm điểm về độ phù hợp, hồ sơ thủ tục cũng cần đơn giản hơn. Bên cạnh công tác vận động, chương trình cũng cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh mới có thể khuyến khích được DN xây dựng sản phẩm thực sự tiêu biểu.
Công tác thông tin tuyên truyền cũng cần đặc biệt được chú trọng, cùng với việc đưa thông tin về sản phẩm, DN có sản phẩm được công nhận lên hệ thống website của các Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp tỉnh còn cần tuyên truyền sâu rộng trên các cơ quan truyền thông của Bộ như Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương. Cần thiết có thể xây dựng website riêng cho chương trình và đưa tất cả thông tin về sản phẩm, thậm chí cả thông tin hình ảnh trong quá trình bình chọn để công khai minh bạch quá trình triển khai thực hiện. Cục CTĐP nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về Chương trình khuyến công quốc gia, trong đó có công tác bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu để có ngay dữ liệu phục vụ quảng bá, giới thiệu với nhà phân phối khi cần.
"Với những nỗ lực trên, tôi hy vọng đến kỳ bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu tiếp theo vào năm 2021 chương trình sẽ có được những sản phẩm thực sự tiêu biểu”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Công Thương điện tử