Điểm dừng chân hàng đầu của nguồn vốn từ Trung quốc gồm Bangladesh, Việt Nam, Nam Phi và Pakistan, và khoảng một phần tư công suất được đầu tư sẽ sử dụng công nghệ không còn được cho phép tại Trung Quốc, theo báo cáo từ Viện phân tích kinh tế và tài chính năng lượng (IEEFA).
"Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để lafm chậm sự gia tăng của những nhà máy điện đốt than tại quốc gia này, nhưng lại tìm cách bán số công suất đó ra nước ngoài", Melissa Brown, chuyên gia tư vấn tài chính năng lượng của IEEFA và tác giả của bản báo cáo cho biết.
Trung Quốc, nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đã đầu tư lớn vào các nhiên liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào than đá, nguyên nhân chính gây ra khói bụi cũng như phát thải khí carbon dẫn tới sự nóng lên toàn cầu.
Bắc Kinh đã đóng cửa những mỏ khai thác và nhà máy điện lâu năm, với mục đích giảm tỉ trọng của than đá trong tổng năng lượng tiêu thụ từ 69% vào 2011 xuống 58% trong năm tới.
Tuy nhiên, ngay cả khi quốc gia châu Á này ngừng sử dụng than đá ở trong nước, các công ty tài chính Trung Quốc vẫn cam kết hoặc cấp vốn trị giá 35,9 tỉ USD cho 102 GW công suất điện đốt than đang phát triển bên ngoài nước này, báo cáo cho biết.
Trong khi các công ty tài chính nước ngoài như World Bank hướng tới việc hạn chế đầu tư vào nhà máy than đá mới, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và ngân hàng chính sách của Trung quốc đang trở thành người cho vay cuối cùng đối với nhà máy điện đốt than.
Đầu tư vào năng lượng sạch chưa đủ để giúp Trung Quốc lấy lại hình ảnh trong mắt các chuyên gia
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đối mặt với hạn chế về sản xuất than đá và mục tiêu giảm tiêu thụ tại những khu vực dễ bị khói bụi đã phản ứng bằng cách chuyển ra nước ngoài. Tập đoàn Xuzhou Mining đang chạy các dự án tại Pakistan và Bangladesh sau khi đóng cửa mỏ than ở phía đông tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Trung Quốc đang tham gia vào những dự án có công suất gần 14 GW tại Bangladesh và 13 GW ở Việt Nam, theo báo cáo. Trong đó, 23% trong tổng số 102 GW công suất có vốn từ Trung Quốc được phân loại là công nghệ với lượng phát thải cao không được sử dụng tại quê nhà.
"Nhiều loại thiết bị không còn phù hợp để sử dụng tại Trung Quốc", bà Brown cho biết, lưu ý rằng nhiều quốc gia nhận vốn có tiêu chuẩn môi trưởng thấp và được khích lệ nhận đầu tư bằng bất kì hình thức nào.
Tổng công suất sản xuất năng lượng tái tạo và hạt nhân Trung Quốc đã mua lên tới 749 GW trong năm ngoái, tăng tỉ trọng trong tổng công suất điện từ 34% lên 40% chỉ trong vòng 3 năm, nhưng theo bà Brown, vai trò của Trung Quốc trong việc đầu tư nhà máy điện đốt than có thể làm mờ đi những đóng góp về năng lượng sạch.
"Có rất nhiều quốc gia chào đón nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như nhà phát triển năng lượng tái tạo qui mô công nghiệp hàng đầu thế giới, tuy nhiên điều chúng ta được chứng kiến là nhiều công ty của quốc gia này đã và đang xuất khẩu công nghệ không còn được sử dụng tại Trung Quốc", bà cho biết thêm.
Nguồn: Vietnambiz.vn