Như vậy, thị trường xi-măng cung vẫn vượt cầu khoảng 20%. Mặc dù tỷ trọng giữa xuất khẩu và tiêu thụ trong nước còn thấp, tuy nhiên những yếu tố mới đây trong xuất khẩu xi-măng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ chung nếu không có những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Sức ép từ xuất khẩu

Theo Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Trần Việt Thắng, mặc dù gặp thuận lợi về tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,7% so với năm 2015, thị trường bất động sản có chuyển biến tích cực…, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,21%, thấp hơn mục tiêu đề ra, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% năm 2015. Thị trường xi-măng Việt Nam tiếp tục cung vượt cầu. Giá nguyên, nhiên liệu "đầu vào" tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với nguồn cung dồi dào, giá rẻ từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc. "Những yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp xi-măng trong nước, chứ không chỉ riêng Vicem", ông Thắng nhận định.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành hai nghị định: Nghị định số 100/2016/NÐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 209/2013/NÐ-CP và Nghị định số 122/2016/NÐ-CP, trong đó mặt hàng xi-măng khi tham gia xuất khẩu không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%. Các doanh nghiệp trong ngành xi-măng lo lắng, khi tính toán chi phí xuất khẩu, có thể tăng lên 4,5 USD tính cho một tấn clanh-ke (theo giá FOB bình quân 30USD/tấn) và tăng 7,5 USD/tấn xi-măng (tính theo giá FOB bình quân 50 USD/tấn). Việc tăng chi phí này khiến xuất khẩu xi-măng Việt Nam gần như không thể cạnh tranh với các nước như: Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản… Trong khi đó, từ giữa năm 2016, giá xuất khẩu sản phẩm xi-măng đã giảm khoảng 10 USD/tấn so với cuối năm 2015.

Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung đánh giá, theo tính toán của Hiệp hội, lượng cung xi-măng đến năm 2020 sẽ vượt cầu khoảng 35 triệu tấn. Chủ trương của Chính phủ theo Quyết định 1469/QÐ-TTg đến năm 2030, xi-măng và clanh-ke Việt Nam cần xuất khẩu hằng năm từ 20% đến 30% tổng công suất, do vậy việc tăng chi phí xuất khẩu có khả năng sẽ đẩy áp lực xuất khẩu trở lại tiêu thụ nội địa, viễn cảnh nhiều doanh nghiệp xi-măng sẽ phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, khi đó cả hai mục đích là tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong xi-măng xuất khẩu và tăng thu ngân sách đều không đạt được. Bên cạnh đó, việc sử dụng số liệu kiểm toán giá thành sản xuất năm trước để tính cơ cấu giá thành sản phẩm xuất khẩu năm sau sẽ gây nhiều phiền toái, rủi ro cho nhà sản xuất, xuất khẩu vì nhiều sự khác biệt xảy ra theo thời gian, thời giá. Với cách tính theo quy định, nhà xuất khẩu thương mại sẽ rất khó khăn vì không thể tính được cơ cấu giá thành sản xuất, thậm chí họ còn phải mua gom sản phẩm từ các nguồn khác nhau để xuất khẩu theo đơn hàng đã ký.

Chủ động các chính sách điều hành, sản xuất linh hoạt

Các doanh nghiệp sản xuất xi-măng đã có bước chuẩn bị sẵn sàng và quan trọng hơn cả là luôn đặt hiệu quả lên hàng đầu. Tổng giám đốc Vicem Trần Việt Thắng cho biết, mặc dù một số đơn vị thành viên có mức tiêu thụ chưa đạt kế hoạch, nhưng mức tiêu thụ trung bình của toàn Tổng công ty đã tăng 11% so kế hoạch, đạt gần 26 triệu tấn sản phẩm, trong đó một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất là lợi nhuận đều tăng, đạt hơn 2.500 tỷ đồng. Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua, các chỉ tiêu kỹ thuật, định mức tiêu hao, năng suất lao động… của các đơn vị trong Vicem đã tiệm cận mức do Tổng công ty thỏa thuận hoặc phê duyệt. Nhìn chung các nhà máy đã chủ động sửa chữa lớn, sửa chữa theo kế hoạch và đều có lợi nhuận, đồng thời hỗ trợ tốt cho Xi-măng Hạ Long từ chỗ mỗi năm lỗ hàng trăm tỷ đồng, đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực, từng bước ổn định sản xuất kinh doanh. Vicem yêu cầu các đơn vị thành viên tập trung quan tâm và sử dụng nguồn lực tối ưu nhằm bảo đảm cải thiện hệ thống nhà phân phối, tạo sự gắn kết và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Rà soát các chính sách bán hàng, nhất là chiết khấu và khuyến mại theo từng chủng loại sản phẩm và các thời điểm bán hàng; phối hợp hoàn thiện hệ thống nhà phân phối và mở rộng tìm kiếm khách hàng lớn cho thị trường xuất khẩu.

Năm 2017 sẽ tiếp tục còn nhiều thách thức, tuy nhiên lãnh đạo Vicem khẳng định, Tổng công ty sẽ đạt được những mục tiêu kế hoạch đề ra, nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên của Vicem. Trước hết, tiếp tục tập trung tháo gỡ các "nút thắt" trong dây chuyền công nghệ, thiết bị tại một số đơn vị thành viên để đưa ra những kế hoạch trung, dài hạn, đồng thời triển khai tốt các ứng dụng khoa học kỹ thuật đã phát huy hiệu quả…, giảm giá thành sản phẩm (từ đầu năm 2016, Vicem đã điều chỉnh giá bán xi-măng từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/tấn). Song song với đó, các công ty đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, phấn đấu tăng tối thiểu 15% so với năm 2016. Duy trì xuất khẩu khoảng ba triệu tấn sản phẩm để hỗ trợ thị trường trong nước, giảm lượng tồn kho ở mức hợp lý. Tính đến cuối năm 2016, lượng tồn kho của Vicem là 1,96 triệu tấn, tương đương 28 ngày sản xuất và thị phần tiêu thụ nội địa đạt 36,11%, tăng 0,45% so cùng kỳ…

Trước các sức ép lớn từ thị trường xuất khẩu xi-măng, Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung phân tích, nếu phải chịu thuế xuất khẩu theo hai nghị định nêu trên, cần có sự công khai, minh bạch và công bằng hơn về cách áp dụng tính thuế, tránh được việc phát sinh tiêu cực. Rõ ràng theo cách tính hiện nay sẽ có sự thiệt thòi rất lớn đối với nhà sản xuất xuất khẩu có các chi phí nêu trên là 51% so với 50,9%. Thậm chí, cách tính này còn kìm hãm doanh nghiệp tăng năng suất, vì năng suất càng cao thì tỷ lệ chi phí tài nguyên khoáng sản và năng lượng trong giá thành có thể sẽ càng cao. Do vậy, đề xuất nên tạm thời hoãn thi hành hai nội dung nêu trên đối với ngành xi-măng trong Nghị định số 100/2016/NÐ-CP và Nghị định số 122/2016/NÐ-CP.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, dự báo tình hình tiêu thụ xi-măng năm 2017 sẽ còn rất khó khăn, đặc biệt trong công tác xuất khẩu. Xu hướng đầu tư vào xi-măng còn tăng, do vậy, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, chương trình, đề án phát triển vật liệu xây dựng, nhất là xi-măng và các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, chế biến và xuất khẩu khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Các doanh nghiệp xi-măng trong đó Vicem là chủ lực cần tăng cường liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nguồn: nhandan.com.vn