Kể từ khi niêm yết vào năm 2011, KQKD của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC) nhìn chung khá ổn định với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng đều qua các năm.

Đặc thù ngành nghề kinh doanh thiết bị y tế đầy tiềm năng lại được lấp đầy room khối ngoại 49% đã giúp JVC được đánh giá khá cao trên thị trường. Điều này còn được thể hiện qua tỷ lệ ký quỹ cổ phiếu tại các CTCK thường ở mức tối đa (1:1).

Tuy vậy, “bi kịch” đã đến với JVC từ thời điểm giữa tháng 6 khi cổ phiếu bất ngờ giảm sàn 3 phiên liên tiếp với dư bán rất lớn. Quãng thời gian này, hàng loạt đồn đoán về JVC liên tục xuất hiện nhưng không có thông tin chính thức nào từ JVC hay cơ quan quản lý được đưa ra càng khiến nhà đầu tư hoang mang, không hiểu chuyện gì đang thực sự diễn ra.

Đến khi thông tin chính thức về việc ông Lê Văn Hướng- Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ JVC bị khởi tố về hành vi lừa dối khách hàng được công bố đã tiếp tục kích hoạt một cuộc tháo chạy khỏi JVC.

Kết thúc phiên giao dịch 28/9, thị giá JVC chỉ còn 5.100đ, tương ứng mức giảm 75% so với thời điểm trước khi diễn ra sự kiện “Lê Văn Hướng” và hiện vẫn chưa có dấu hiệu sẽ “ngừng rơi”.

Đáng chú ý, việc JVC sụt giảm mạnh trong quãng thời gian ngắn đã khiến không ít khách hàng bị “call margin” và trong đó vợ chồng cựu Chủ tịch Lê Văn Hướng cũng bị bán giải chấp với tổng khối lượng hơn 11 triệu cổ phiếu từ 2 CTCK Phú Hưng và VPBS.

 Cổ phiếu JVC sụt giảm mạnh sau sự kiện Lê Văn Hướng

Cổ phiếu JVC sụt giảm mạnh sau sự kiện "Lê Văn Hướng"

Liên tục “thay tướng” và cam kết đồng hành của đối tác Nhật Bản?

Ngay sau khi ông Lê Văn Hướng bị khởi tố, đại diện cho nhóm cổ đông lớn nhất tại JVC (DIAIF và CTCP Dream Incubator Việt Nam)- ông Kyohei Hosono đã được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Kyohei Hosono cho biết phía cổ đông Nhật Bản vẫn sẽ gắn bó, đồng hành lâu dài với JVC sau những biến cố trước đó.

Cùng với đó, em vợ ông Hướng- ông Nguyễn Hữu Hiếu cũng được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc JVC.

Tuy vậy, sự hiện diện của ông Kyohei Hosono và ông Nguyễn Hữu Hiếu chẳng diễn ra được bao lâu khi cả 2 đều đồng loạt từ nhiệm sau vài tuần nắm giữ những vị trí quan trọng bậc nhất công ty.

Sau sự từ nhiệm của ông Kyohei Hosono và ông Nguyễn Hữu Hiếu, ông Lê Văn Giáp đã được bổ nhiệm thay thế nắm giữ chức vụ TGĐ kiêm Chủ tịch HĐQT JVC.

Tuy vậy, những biến động về nhân sự cấp cao của JVC vẫn chưa dừng lại khi mới đây, ông Kyohei Hosono, ông Tashiro Masaaki và bà Vũ Thị Thúy Hằng- những cá nhân có liên quan đến DIAIF và Dream Incubator Việt Nam tiếp tục đồng loạt xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT và Ban kiểm soát tại JVC.

Việc những thành viên đại diện cho cổ đông đến từ Nhật Bản đồng loạt rút khỏi những vị trí quan trọng tại JVC đã dấy lên những nghi ngờ về cam kết gắn bó lâu dài với công ty như tuyên bố trước đó.

Bên cạnh đó, việc thay đổi nhân sự liên tục tại những vị trí chủ chốt phần nào cho thấy sự khủng hoảng của JVC.

Khối ngoại đang “tháo chạy”

Kể từ khi niêm yết vào năm 2011, JVC liên tục được khối ngoại mua vào và tỷ lệ sở hữu thường xuyên ở mức tối đa 49%.

Tuy nhiên, sau sự kiện “Lê Văn Hướng”, JVC đã bị khối ngoại đã bán ra khá mạnh và tỷ lệ sở hữu của họ lúc này chỉ còn khoảng 40%. Đáng chú ý, Dragon Capital đã giảm tỷ lệ sở hữu tại JVC từ mức gần 10% xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn tại công ty.

Ngược lại, Vietnam Equity Holding (SAMEVH) đã bất ngờ gia tăng tỷ trọng sở hữu JVC lên 6,29% trong giai đoạn đầy biến cố và trở thành cổ đông lớn của JVC.

Trong khi đó, DIAIF (sở hữu 19,35%) và cổ đông có liên quan là Dream Incubator Việt Nam (sở hữu 5,85%) hiện vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu tại JVC và chưa có động thái bán ra.

Trong danh sách cổ đông ngoại của JVC còn có những cái tên như Orix Corporation, Indochina Development Partners… tuy nhiên không có thông tin về tỷ lệ sở hữu của những nhà đầu tư này.

Mập mờ trong công bố thông tin

Tài liệu họp trước thềm ĐHCĐ đã được JVC đăng tải trên website. Tuy nhiên, những nội dung mà nhà đầu tư quan tâm như báo cáo HĐQT, báo cáo BKS hay tờ trình sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty không được công bố.

Một điểm đáng chú ý, website của JVC rất khó truy cập trong những ngày gần đây.

Website JVC không thể truy cập vào trong ngày 28/9
Website JVC không thể truy cập vào trong ngày 28/9

Bên cạnh đó, JVC vẫn chưa nộp BCTC quý 1/2015 (niên độ 1/4/2015- 31/3/2016) và đã bị UBCK nhắc nhở tới 3 lần. Những yếu tố này cho thấy JVC có phần mập mờ trong hoạt động công bố thông tin và điều này chưa từng diễn ra trong những năm trước đây.

Ngày 30/9 tới đây, ĐHCĐ thường niên JVC sẽ diễn ra và được dự báo là kỳ đại hội “nóng” nhất từ trước tới nay với hàng loạt câu hỏi cần lời giải đáp từ phía lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo Hoàng Anh

 Trí thức trẻ


Nguồn: Trí thức trẻ