Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona (COVID-19) lây lan nhanh chóng ở các nước ngoài Trung Quốc đại lục khiến giới đầu tư thêm lo ngại về những tác động đối với nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Kết thúc phhiên giao dịch, dầu Brent giảm 2,2 USD, tương đương 3,8%, xuống 56,3 USD/thùng; trong khi đó dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,95 USD, tương đương 3,7%, xuống 51,43 USD/thùng.
Dịch COVID-19 đang lây lan sang nhiều nước với tốc độ nhanh, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu nối dài đà giảm; giá dầu cũng hạ mạnh khi giới đầu tư dự đoán nhu cầu dầu mỏ sẽ chịu tác động tiêu cực. Hiện Trung Quốc đã ghi nhận hơn 77.000 ca nhiễm COVID-19 và khoảng 2.600 người tử vong, hầu hết là ở tỉnh Hồ Bắc. Tại thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc là Daegu, số người bị nhiễm COVID-19 cũng tăng nhanh trong vài ngày qua. Trong khi đó, tại châu Âu, Italy là quốc gia chứng kiến độ lây lan mạnh mẽ nhất của dịch bệnh này với 220 ca nhiễm và 7 người tử vong.
Kuwait, Bahrain, Oman and Iraq ngày 24/2 cũng báo cáo về ca nhiễm đầu tiên, và tất cả những trường hợp này đều đã từng tới Iran, nước vừa thông báo 12 người tử vong và 61 ca nhiễm COVID-19. Afghanistan, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ Turkey đều ban hành lệnh cấm du lịch và nhập cảnh đối với Iran.
Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Saudi Arabia dự báo tác động của dịch COVID-19 đối với nhu cầu dầu sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và hoạt động mua vào sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá hàng hóa có thể giảm mạnh trước khi có bất kỳ sự phục hồi nào nhờ các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Ngân hàng Bank of America giữ mức dự báo giá dầu Brent ổn định ở mức 62 USD/thùng trong năm 2020, do sự cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và khả năng phục hồi của thị trường trước những cú sốc địa chính trị.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tiếp tục tăng khi giới đầu tư gia tăng nhu cầu đối với những tài sản an toàn do quan ngại sự lan rộng của dịch COVID-19.
Kết thúc phiên giao dịch, vàng giao ngay tăng 1,7% lên 1.671,35 USD/ounce, trong phiên có lúc chạm 1.688,66 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 1/2013; vàng kỳ hạn tháng 4/2020 trên sàn New York tăng 1,7% lên 1.676,6 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) trượt dốc trong ngày 24/2 khi giới đầu tư rút vốn khỏi các tài sản rủi ro do lo ngại dịch COVID-19 lan rộng. Vào lúc đóng cửa phiên 24/2 tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giảm 3,6%, tương đương hơn 1.000 điểm, xuống 27.962,91 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một phiên của chỉ số Dow Jones trong hơn hai năm qua. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 để mất 3,4% xuống 3.225,96 điểm còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,7% xuống còn 9.221,28 điểm.
Khi thị trường chứng khoán đi xuống thì giá vàng thường tăng mạnh vì các nhà đầu tư tăng cường mua các tài sản an toàn. Ngoài ra, giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ khi chỉ số đồng USD – thước đo giá trị đồng USD so với một "giỏ" các đồng tiền chủ chốt khác - giảm 0,12% xuống còn 99,14. Khi chỉ số đồng USD giảm, giá vàng thường tăng vì kim loại quý này được định giá bằng USD trở nên “rẻ” hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các đồng tiền khác.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giao tháng 3/2020 tăng 1,87% (tương đương 34,6 US cent) lên 18,876 USD/ ounce; bạch kim giao tháng 4/2020 giảm 0,19% (1,9 USD) xuống 974,2 USD/ounce; palađi giảm 3,1% xuống 2.619,01 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kẽm thấp nhất hơn 3,5 năm, nhôm thấp nhất 3 tuần, đồng thấp nhất 2 tuần và nickel thấp nhất 7 tháng do lo ngại virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu và nhu cầu kim loại.
Giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 3,3% xuống 2.046 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2016.
Giá kẽm cũng chịu áp lực giảm bởi nguồn cung gia tăng. Lượng kẽm lưu kho tại sàn London tăng 52% trong hơn 3 tuần qua và tại Thượng Hải đạt mức cao nhất gần 2 năm (143.164 tấn) trong ngày 21/2/2020. Nhiều chuỗi cung ứng trên toàn cầu vẫn đang bị gián đoạn và một số nhà sản xuất vẫn chưa tiếp tục hoạt động.
Giá nhôm trên sàn London phiên vừa qua cũng giảm 0,9% xuống 1.699 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 5/2/2020. Trong khi đó, giá đồng giảm 1,3% xuống 5.689 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm 5.671,5 USD/tấn, thấp nhất 2 tuần. Giá nickel giảm 0,8% xuống 12.430 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ 10 liên tiếp - chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 6/2016, do kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ nền kinh tế yếu kém bởi tác động của virus corona bùng phát.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,6% lên 674 CNY (95,94 USD)/tấn, trong phiên có lúc tăng 2,2%. Tính đến nay, giá quặng sắt tăng 16,6% trong 10 phiên tăng liên tiếp vừa qua do nguồn cung thắt chặt. Phiên 21/2, giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu (hàng giao ngay) tăng lên 92,5 USD/tấn – cao nhất 4 tuần và tăng tổng cộng 13% trong 3 tuần liên tiếp vừa qua. Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,6%, trong khi giá thép không gỉ giảm 1,3%.
Lượng quặng sắt tồn trữ tại các cảng của Trung Quốc tính đến ngày 21/2/2020 giảm xuống 128,6 triệu tấn, so với 130,65 triệu tấn tuần trước đó, tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Trên thị trường nông sản, giá đường và cà phê đều giảm do virus corona lây lan mạnh tác động đến thị trường hàng hóa. Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2020 trên sàn ICE giảm 0,3 US cent tương đương 1,9% xuống 15,29 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 7,1 USD tương đương 4,1% xuống 416,3 USD/tấn.
Đối với mặt hàng cà phê, giá Arabica kỳ hạn tháng 5/2020 trên sàn ICE giảm 4,5 US cent tương đương 4,1% xuống 1,0575 USD/lb, sau khi đóng cửa phiên trước đó tăng 5,05%. Giá cà phê robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 24 USD tương đương 1,85% xuống 1.272 USD/tấn.
Về nhóm ngũ cốc, giá ngô, đậu tương và lúa mì đều giảm do lo ngại về virus corona lây lan mạnh ngoài Trung Quốc, kéo thị trường hàng hóa giảm và củng cố đồng USD.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 16-1/2 US cent xuống 8,82-1/2 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 8,79-1/4 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 23/5/2019. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 4-1/2 US cent xuống 3,76-1/4 USD/bushel, giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2020 giảm 17-1/4 US cent xuống 5,34-3/4 USD/bushel, thấp nhất 10 tuần.
Tuy nhiên, nhu cầu đậu tương vẫn không chắc chắn khi Trung Quốc – nước nhập khẩu đậu tương hàng đầu thế giới – bị ảnh hưởng bởi virus corona bùng phát và dịch tả lợn châu Phi kéo dài làm suy giảm hơn 1/2 số đàn lợn của nước này. Ngoài ra, giá đậu tương còn chịu áp lực từ vụ thu hoạch bội thu tại Brazil – nước xuất khẩu đậu tương hàng đầu thế giới.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hôm 21/2 đã công bố báo cáo cho thấy doanh số xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/2 ở mức 494.300 tấn, giảm 23% so với tuần trước đó và 22% so với mức trung bình của 4 tuần. Trong khi đó, xuất khẩu ngô của Mỹ là 1.249.200 tấn, tăng 29% so với tuần trước đó và 12% so với mức trung bình bốn tuần, USDA cho biết. Xuất khẩu lúa mỳ của Mỹ ở mức 346.300 tấn, giảm 46% so với tuần trước đó và 40% so với mức trung bình bốn tuần trước đó.
Kể từ ngày 2/3, cơ quan thuế của Trung Quốc sẽ nhận đơn xin miễn thuế của các doanh nghiệp trong nước đối với một số sản phẩm Mỹ trong một thời gian nhất định, Ủy ban Thuế quan của Quốc vụ viện cho biết hôm 18/2. Ngoài ra, giá lúa mỳ kỳ hạn trên sàn CBOT cũng tăng mạnh khi Chính phủ Australia điều chỉnh hạ ước tính vụ thu hoạch lúa mỳ vụ 2019/20. Văn phòng Khoa học và Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Australia trong báo cáo mới nhất đã cắt giảm ước tính vụ thu hoạch lúa mỳ xuống còn 15,17 triệu tấn, giảm so với dự báo hồi tháng 12/2019 là 15,85 triệu tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 25/2 (giờ VN)

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

51,64

+0,21

+0,41%

Dầu Brent

USD/thùng

56,56

+0,26

+0,46%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

37.930,00

-1.390,00

-3,54%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

1,84

+0,02

+0,88%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

161,14

+0,23

+0,14%

Dầu đốt

US cent/gallon

162,07

+0,75

+0,46%

Dầu khí

USD/tấn

492,50

+7,00

+1,44%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

54.510,00

-1.380,00

-2,47%

Vàng New York

USD/ounce

1.650,30

-26,30

-1,57%

Vàng TOCOM

JPY/g

5.875,00

+17,00

+0,29%

Bạc New York

USD/ounce

18,63

-0,33

-1,74%

Bạc TOCOM

JPY/g

66,00

-0,50

-0,75%

Bạch kim

USD/ounce

967,34

+0,86

+0,09%

Palađi

USD/ounce

2.648,33

+6,98

+0,26%

Đồng New York

US cent/lb

259,00

+0,65

+0,25%

Đồng LME

USD/tấn

5.689,00

-76,00

-1,32%

Nhôm LME

USD/tấn

1.699,00

-14,50

-0,85%

Kẽm LME

USD/tấn

2.046,00

-69,00

-3,26%

Thiếc LME

USD/tấn

16.550,00

-80,00

-0,48%

Ngô

US cent/bushel

376,75

+0,50

+0,13%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

538,50

+3,75

+0,70%

Lúa mạch

US cent/bushel

291,50

+1,75

+0,60%

Gạo thô

USD/cwt

13,51

-0,04

-0,30%

Đậu tương

US cent/bushel

887,50

+5,00

+0,57%

Khô đậu tương

USD/tấn

293,10

+1,10

+0,38%

Dầu đậu tương

US cent/lb

29,93

+0,06

+0,20%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

458,50

-0,30

-0,07%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.801,00

-42,00

-1,48%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

106,90

-3,35

-3,04%

Đường thô

US cent/lb

14,73

-0,39

-2,58%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

99,60

-1,25

-1,24%

Bông

US cent/lb

67,56

-1,44

-2,09%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

459,50

-14,40

-3,04%

Cao su TOCOM

JPY/kg

183,50

-6,00

-3,17%

Ethanol CME

USD/gallon

1,33

0,00

-0,37%

Nguồn: VITIC/ Reuters, Bloomberg