Thị trường hàng hóa thế giới vừa trải qua “cơn bão giảm giá” mạnh mẽ đến nỗi một số mỏ và nhà máy thép phải đem sản phẩm đi cho trong nỗ lực giảm nợ hoặc cắt lỗ. Tuy nhiên, có một kim loại mà bất cứ ai cũng muốn mua vào.

Niobium là thứ kim loại được đặt tên một nữ thần Hy Lạp thường được sử dụng để sản xuất ra loại thép nhẹ hơn nhưng khỏe hơn dùng trong các đường ống công nghiệp và lắp ráp máy bay chiến đấu. Chỉ có thể tìm thấy niobium ở ba nơi trên trái đất này, và mỗi kg niobium có giá cao gấp 7 lần so với đồng.

Tháng trước, tập đoàn Molybdenum của Trung Quốc đã đánh bại 15 công ty khác để mua lại cơ sở khai thác niobium và phosphate của Anglo American ở Brazil với giá 1,5 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với dự đoán. Sự xuất hiện của những cái tên như Vale, Apollo Global Management và X2 Resources cho thấy thị trường niobium hấp dẫn như thế nào dù không nhiều người biết về nó.
“Tôi từng không biết niobium là gì dù đã có 20 năm hoạt động trong ngành khai khoáng”, Craig Burton – Chủ tịch của Cradle Resources Ltd – nói. Cradle đang theo đuổi một dự án khai thác niobium trị giá 200 triệu USD ở Tanzania. “Thậm chí tôi đã phải mở bảng tuần hoàn hóa học ra để kiểm tra đó có phải là một nguyên tố hay không”.
Niobium là thứ quý hiếm rất khó tìm kiếm và cũng khó định giá. Hơn 80% nguồn cung của toàn thế giới đến từ một công ty duy nhất – Cia. Brasileira de Metalurgia & Mineracao (CBMM) ở Brazil.
Năm ngoái kim loại này có giá trung bình 40 USD/kg, trong khi 1 kg đồng giao dịch trên sàn kim loại London chỉ có giá khoảng 5,49 USD. Lượng cầu niobium trên toàn thế giới vào khoảng 90.000 – 100.000 tấn mỗi năm.
Năm ngoái, giá niobium vẫn bị sụt giảm bởi nhu cầu về thép quá yếu ớt. Thị trường dầu khí lao dốc dẫn đến nhu cầu về đường ống dẫn kim loại giảm mạnh.
Điều khiến thị trường khai thác niobium đặc biệt hấp dẫn là bởi hiện nay mới chỉ có rất ít mỏ đang hoạt động. Cả Mỹ và châu Âu đều liệt niobium vào danh sách kim loại quan trọng mang tính chiến lược.
Được điều hành bởi gia đình tỷ phú Moreira Salles, CBMM là công ty thống trị nguồn cung niobium kể từ khi bắt đầu khai thác kim loại này 5 thập kỷ trước. Năm 2011, CBMM bán 30% cổ phần cho một nhóm các nhà sản xuất thép châu Á với giá 3,9 tỷ USD.
Nguồn: Thu Hương/CafeF