Tuy nhiên, giới đầu tư đang chờ đợi xem liệu giá cả các mặt hàng nguyên liệu có tăng lên trong hai tháng cuối năm, nếu có thì đây sẽ là lần tăng đầu tiên trong sáu năm trở lại đây.
Trong các năm 2013-2015, các quỹ đầu tư đã rút khỏi thị trường khoảng 14 tỷ USD/năm.
Chỉ số giá hàng hóa Bloomberg Commodity Index (BCOM) trong cùng thời gian này trung bình giảm khoảng 8%/năm.
Tuy nhiên, khác với những năm trước, trong tháng đầu tiên của quý IV/2016, thị trường hàng hóa chỉ điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,5%.
Hơn nữa, theo số liệu của ngân hàng Barclays (Anh), trong các tháng 1-9/2016, tổng lượng vốn mà các quỹ đầu tư rót vào thị trường này tăng kỷ lục 62,3 tỷ USD, qua đó giúp chỉ số BCOM tăng gần 9%.
Về mặt lý thuyết, giá nông sản lẽ ra phải giảm sâu trong tháng 10/2016, do vụ mùa năm nay bội thu trên toàn thế giới, nhưng trên thực tế lại tăng gần 5%.
Lý giải điều đó, ông Mike McGlone, chuyên gia phân tích lâu năm của Bloomberg, cho rằng có hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do thời tiết thuận lợi cho cây trồng, giới đầu cơ đã bán khống quá nhiều, trong đó số lượng hợp đồng bán khống đối với lúa mạch và ngô đều đạt mức cao kỷ lục.
Do đó, khi vụ thu hoạch bắt đầu, các quỹ không tiếp tục bán nữa.
Thứ hai, nhu cầu cao của thị trường đối với ngũ cốc và các loại hạt có dầu đang đẩy giá lúa mạch, đậu tương và ngô tăng lên.
Tính tới thời điểm này, nông sản tăng giá mạnh nhất trong các nhóm hàng hóa thuộc chỉ số BCOM là đậu tương, với mức tăng 13%.
Trong tháng 10/2016, giá ngũ cốc và các loại hạt có dầu đều tăng, trong khi nhóm năng lượng và kim loại quý giảm tương ứng 2,7% và 4,5%.
Giá dầu thô hồi đầu tháng tăng mạnh, lên trên 50 USD/thùng, do các nhà đầu tư hy vọng các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ đạt được thỏa thuận về cắt giảm hạn ngạch sản lượng.
Tuy nhiên, đến cuối tháng, giá dầu đã quay đầu giảm, do sức ép về nguồn cung cộng them khả năng các nước khó đạt được thỏa thuận về hạn ngạch khai thác.
Đối với thị trường kim loại quý, mặc dù giá vàng giảm xuống dưới ngưỡng 1.300 USD/ounce trong tháng 10/2016, song tính từ đầu năm tới nay, nhóm hàng này vẫn tăng gần 22%, chủ yếu do tác động của Brexit (việc nước Anh rời Liên minh châu Âu) và tâm lý bất an liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.
Các chuyên gia thị trường dự báo, trong hai tháng cuối năm nay, biến động trên thị trường hàng hóa nguyên liệu sẽ bị chi phối bởi hai yếu tố chủ chốt là kết quả bầu cử tại Mỹ và cuộc họp của OPEC.
Nếu ứng viên đảng Cộng hòa, ông Donald Trump thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng, giá vàng được dự báo sẽ tăng lên, do giới đầu tư sẽ mua vào nhằm hạn chế rủi ro đến từ những thay đổi trong chính sách của Mỹ.
Trong khi đó, kết quả cuộc họp của nhóm OPEC vào cuối tháng 11 này sẽ tác động tới giá dầu.
Theo chuyên gia Seth Kleinman của Citigroup, nếu không đạt được thỏa thuận về cắt giảm hay đóng băng sản lượng, giá dầu có thể sẽ giảm về mốc 45 USD/thùng và ngược lại, giá dầu sẽ tăng lên 55 USD/thùng.
Đối với thị trường nông sản, giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi sát sản lượng ngũ cốc và các hạt có dầu.
Stefan Vogel, Trưởng phòng phân tích thị trường nông sản của ngân hàng Rabobank (Hà Lan), lưu ý hiện nay các quỹ về cơ bản đã hoàn tất các khoản mục đầu tư chính.
Vì vậy, trong hai tháng cuối năm, nhiều khả năng giá các mặt hàng nông sản sẽ đi xuống.

Nguồn: Như Mai/Bnews.vn

Nhiều yếu tố chi phối diễn biến thị trường hàng hóa nguyên liệu cuối năm