Lúa gạo lại chờ ‘giải cứu’
Trang vietnambiz.vn đưa tin, sau 2 năm thành công liên tiếp, đầu năm nay ngành lúa gạo quay trở lại điệp khúc chờ “giải cứu” bằng biện pháp thu mua tạm trữ. Giá lúa nhiều nơi hiện giảm trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), có văn bản đề nghị các doanh nghiệp (DN) hội viên thực hiện thu mua dự trữ để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả cho nông dân. Ông Nam đưa ra 4 giải pháp: Thực hiện thu mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018.
Đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các DN hội viên. Đề nghị các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng.
Thực tế, từ cuối năm 2018, thị trường lúa gạo đã trầm lắng. Đến sau Tết âm lịch, vào vụ thu hoạch rộ nên giá lúa liên tục giảm.
Theo các chuyên gia, thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế cho thấy, chúng ta đã áp dụng rất nhiều lần nhưng nông dân vẫn không được hưởng lợi đáng kể, còn ngành lúa gạo vẫn không giải quyết được những vấn đề cốt lõi, chất lượng thương hiệu lúa gạo không được cải thiện, và một vài năm lại chờ giải cứu. Bài toán của ngành lúa gạo là phải xây dựng được cánh đồng liên kết giữa nhà nông với nhau và giữa nhà nông với DN thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là vốn. Tình thế hiện nay một lần nữa cho thấy dung lượng của thị trường lúa gạo nhỏ và rất dễ rơi vào cảnh chờ giải cứu nếu chúng ta vẫn cứ tăng số lượng thay vì đầu tư vào chất lượng. Vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương phải xây dựng các mô hình chuyển đổi phù hợp, hiệu quả trên cơ sở giảm diện tích lúa.
Chính phủ họp về vấn đề lúa gạo xuống giá
Theo thông tin từ baochinhphu.vn, đầu giờ chiều 19/2/2019, Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp xử lý tình hình lúa gạo xuống giá ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian gần đây, giá lúa tại ĐBSCL đang có chiều hướng giảm 500 -1.000 đồng/kg.
Trong khi vụ lúa Đông Xuân là vụ lúa quan trọng nhất trong năm do sản lượng, năng suất cao và chất lượng tốt nhất, nhiều nông dân đã kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện hơn đối với những diện tích thu hoạch sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giá lúa vẫn đang tiếp tục giảm.
Việc tiêu thụ lúa hết sức khó khăn. Nguyên nhân được cho là do thiếu đơn hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Các địa phương như TP. Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp… vừa phải họp “nóng” để tìm giải pháp thu mua lúa gạo cho nông dân.
Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, hiện địa phương đã thu hoạch được hơn 1.100 ha trong tổng số hơn 81.200 ha lúa đông xuân 2018-2019. Năng suất khoảng 7 tấn/ha. Dự kiến, tổng sản lượng lúa đông xuân thu hoạch khoảng 570.000 tấn; thời gian thu hoạch từ nay đến hết tháng 2/2019.
Tuy nhiên, qua những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi, nông dân ra đồng thu hoạch lúa đông xuân sớm cho biết, giá lúa bán cho thương lái có dấu hiệu giảm giá nhanh so với trước Tết.
Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thu mua 100.000 tấn gạo Việt Nam
Theo trang vtv.vn, Bộ NN&PTNT và một số doanh nghiệp Trung Quốc đã thống nhất việc nhập khẩu ngay 100.000 tấn gạo nếp của Việt Nam trong thời gian tới. Ngoài ra, cá lóc, các loại hoa quả như khoai lang tím, sầu riêng cũng là các sản phẩm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tiếp xúc với doanh nghiệp Việt Nam lớn, chính thống, có khả năng đáp ứng đơn hàng lớn qua con đường chính ngạch. Năm 2018, tổng sản lượng gạo việt Nam xuất sang Trung Quốc gần 1,3 triệu tấn trong đó 50% là gạo nếp. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Việt Nam làm việc ngay với doanh nghiệp Trung Quốc về việc thu mua 100.000 tấn gạo.
Trong bối cảnh giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang đi xuống, ngoài việc Bộ NN&PTNT gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, sắp tới, sẽ có đoàn công tác trực tiếp sang Philippines để tìm đầu ra bền vững cho gạo Việt Nam.
Xoài Việt Nam chính thức 'đặt chân' lên đất Mỹ sau 10 năm đàm phán
Thông tin từ vietnambiz.vn, theo Cục Bảo vệ Thực vật, sau 10 năm đàm phán, trái xoài Việt Nam chính thức được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây là loại quả thứ 6 của Việt Nam sau vải thiều, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long được xuất khẩu vào thị trường này. Đồng thời, Mỹ cũng là thị trường tiêu thụ xoài thứ 40 của Việt Nam.
Điều kiện để xoài được phép xuất khẩu vào Mỹ rất khắt khe từ khâu nhà vườn, đóng gói, xử lý chiếu xạ, kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nhập...
Cụ thể, vườn trồng, cơ sở xử lí và đóng gói phải được Cục Bảo vệ Thực vật và Văn phòng của Cục kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cấp mã số để quản lí và truy xuât nguồn gốc. Mọi lô hàng trước khi xuất khẩu phải được xử lí với liều tối thiểu 40 Gy, được Cục Bảo vệ Thực vật và APHIS kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Mỹ là thị trường có sức tiêu thụ lớn với xoài trong khi sản xuất nội địa chỉ đạt 3.000 tấn/năm, bằng 1/100 số lượng họ phải nhập khẩu mỗi năm.
Mỗi năm Mỹ phải nhập khoảng 400.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ các quốc gia châu Mỹ như: Mexico, Peru, Ecuador, Brazil và Guatamala.
Bộ NN&PTNT công bố kế hoạch đối phó với trường hợp dịch ASF xâm nhập
Trang vietnambiz.vn đưa tin, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tuyên bố kế hoạch phản ứng với trường hợp dịch tả heo châu Phi (ASF) xâm nhiễm vào Việt Nam, ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi heo địa phương, theo AsiaAgribiz.
Kế hoạch được soạn dựa trên hai kịch bản bùng phát trên qui mô lớn và qui mô nhỏ. Trong cả hai trường hợp, người chăn nuôi không được phép tiếp tục nuôi những con heo bị nhiễm bệnh và bị yêu cầu tiêu hủy toàn bộ.
Trương hợp dịch bệnh bùng phát trên qui mô lớn, xuất hiện trên một trang trạng và lan ra toàn bộ làng, hoặc tỉnh, việc vận chuyển heo sẽ bị cấm để tránh dịch bệnh lây lan.
Việt Nam chưa công bố bất kì sự bùng phát dịch ASF nào, nhưng đang trong tình trạng cảnh giác cao vì virus đã tiến gần tới biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Giá hạt tiêu chạm đáy 10 năm
Theo vietnambiz.vn, giá tiêu sau Tết Nguyên đán duy trì ở mức thấp nhất 10 năm. Cục Xuất nhập khẩu cho rằng để vượt qua cơn khủng hoảng giá tiêu, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu.
Giá tiêu ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam sau kì nghỉ Tết Nguyên đán ổn định ở mức 46.000 đồng/kg, mức thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Việt Nam đang xuất khẩu tới 95% sản lượng hạt tiêu.
Giá tiêu trung bình cập nhật đến ngày 18/2/2019 chỉ còn mức 45.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu có giá cao nhất ở mức 46.500 đồng/kg, thấp nhất tại Gia Lai khoảng 44.000 đồng/kg
Theo dự báo của Hiệp hội hạt tiêu quốc tế, sản lượng hạt tiêu của các nước xuất khẩu chính trong năm 2019, gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ có thể giảm so với năm 2018. Trong đó, dự báo sản lượng hạt tiêu của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 175.000 tấn hạt tiêu đen và 25.0000 tấn hạt tiêu trắng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hạt tiêu tại Việt Nam, chứng tỏ ngành tiêu Việt Nam được thế giới quan tâm và Việt Nam vẫn được đánh giá là nơi có hạt tiêu chất lượng nhất toàn cầu.
Cục khuyến cáo doanh nghiệp hạt tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với các đối tác khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, gia tăng chất lượng cho sản phẩm hạt tiêu, bởi tình trạng cung vượt cầu là nguyên nhân khiến giá hạt tiêu phục hồi chậm.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet