Yêu cầu giải quyết gấp 500 xe tắc đường sang Trung Quốc
Theo vietnamnet.vn, trước tình trạng 500 xe container nông sản "tắc" đường sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến đã đi kiểm tra, chỉ đạo phối hợp giải quyết nhanh việc thông quan xuất khẩu hàng hoá giữa cơ quan chức năng Việt Nam với phía Trung Quốc.
Nếu như trước đây, trung bình số lượng xe chở hàng xuất khẩu thông quan khoảng từ 80-150 xe/ngày, thì nay tăng đột biến khoảng trên 250 xe/ngày, chủ yếu là thanh long và một số mặt hàng nông sản khác từ các tỉnh như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Ninh Thuận, Gia Lai, Tiền Giang…Tính đến 19h ngày 18/10, số lượng phương tiện còn tồn đọng tại của khẩu khoảng 500 xe.
Kiểm tra thực tế tại cửa khẩu Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm làm việc của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và việc bố trí lực lượng tăng ca để đẩy nhanh giải quyết ưu tiên thủ tục thông quan hàng hóa nông sản,đặc biệt là việc tăng cường gặp gỡ, trao đổi với phía Quảng Tây (Trung Quốc) để tháo gỡ vướng mắc, kịp thời đề xuất việc áp dụng phương thức kiểm tra, kiểm soát hàng hóa khi thông quan phải có lộ trình và có thông báo sớm trước khi áp dụng.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tiến yêu cầu tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cơ quan chức năng phía bạn khi chuyển hàng hóa qua cửa khẩu được thông quan kịp thời, đảm bảo lưu thông hàng hóa cũng như chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, cần tăng cường thông tin, khuyến cáo tới các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xuất khẩu hoa quả qua Quảng Tây quản lý việc truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận xuất sứ hàng hóa (C/O); đồng thời, chủ động phối hợp doanh nghiệp Trung Quốc trong việc khai báo hải quan tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu như hiện nay.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hiện Việt Nam có 9 mặt hàng nông sản được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa đã được bảo quản, chất lượng hàng hoá cơ bản đảm bảo yêu cầu.
Tuy nhiên, nếu làm thủ tục được nhanh, gọn hơn thì chi phí cho vận tải, chi phí khác sẽ giảm, hiệu quả sẽ cao hơn.
Đẩy mạnh XK nông sản vào Mỹ, Trung Quốc, EU
Thông tin từ haiquanonline.com.vn, thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định tập trung đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang một số thị trường trọng tâm gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc với nhiều giải pháp cụ thể.
9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp chịu tác động lớn bởi diễn biến bất thường của thời tiết gây hạn hán, lũ lụt ở một số nơi (Tây Nguyên, Bắc và Nam Trung Bộ); Dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp; khó khăn về thị trường xuất khẩu, nhất là việc thay đổi sang nhập khẩu chính ngạch của thị trường Trung Quốc...
Ông Lê Văn Thành, Chánh văn phòng Bộ NN&PTNT cho biết: 9 tháng qua, toàn ngành duy trì tăng trưởng khá đạt 2,02%, đã góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước; trong đó thủy sản tăng cao 6,12%, lâm nghiệp tăng 3,98%. Đáng chú ý, trong bối cảnh khó khăn về thị trường, giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm từ 10-15%, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 30,02 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến hết tháng 8, giá trị xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 5,31 tỷ USD; Mỹ đạt 5,35 tỷ USD. Nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc vào Việt Nam là 1,53 tỷ USD và Mỹ là 2,51 tỷ USD.
Với thị trường Trung Quốc, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn chia sẻ thông tin, hỗ trợ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản cho sản phẩm nông, thủy sản như xuất khẩu lô sữa đầu tiên sang Trung Quốc vào tháng 10/2019; đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro đề xuất sớm xuất khẩu tổ yến, sầu riêng, chanh leo, khoai lang, bơ, thạch đen, bưởi, dừa, na và tháo gỡ khó khăn cho 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tại 2 thị trường đáng chú ý khác là Nhật Bản và Hàn Quốc, sẽ tập trung đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm hoa quả vào thị trường Nhật Bản bao gồm nhãn, vải, bưởi, chôm chôm, vú sữa; tổ chức xúc tiến hàng nông sản vào các chuỗi siêu thị phân phối lớn (như AEON) tại Nhật Bản; tháo gỡ vướng mắc trong kiểm dịch chất lượng sản phẩm thủy sản vào Hàn Quốc; hài hòa các quy định về quản lý gỗ bền vững để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Hàn Quốc; đề nghị phía Hàn Quốc mở cửa thị trường cho sản phẩm thịt gà chế biến và trứng gia cầm muối…
Cảnh báo rủi ro xuất khẩu hồ tiêu sang Myanmar
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Thương vụ Việt Nam tại Myanmar, nếu không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày kể từ khi cập cảng, lô hàng do công ty Galon Min của Myanmar nhập khẩu sẽ không được tạo điều kiện cho tái xuất về Việt Nam và sẽ tiến hành đấu giá, sung công quĩ.
Ngày 16/10/2019, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết Công ty Ngwe Galon Min của Myanmar đã bị Hải quan Myanmar đưa vào danh sách theo dõi.
Trước đó, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trắng và tiêu đen sang Myanmar trong thời gian từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2019 thường xuyên bị doanh nghiệp nhận hàng là Ngwe Galon Min (nhà nhập khẩu) từ chối làm thủ tục nhận hàng với lí do gặp khó khăn về tài chính, chất lượng hạt tiêu không đảm bảo…
Doanh nghiệp này chỉ thanh toán tiền đặt cọc (10 - 30% giá trị lô hàng), trì hoãn thanh toán và thậm chí từ chối nhận hàng khi hàng đã đến cảng Yangon, Myanmar.
Theo Luật Myanmar, nếu hàng hóa nhập khẩu cập cảng mà không làm thủ tục thông quan trong vòng 60 ngày thì lô hàng đó sẽ được đưa ra đấu giá, sung công quĩ.
Theo nhận định của Thương vụ tại Myanmar, lý do doanh nghiệp Myanmar không nhận hàng chủ yếu do giá tiêu xuống thấp vào thời điểm giao hàng so với dự kiến ban đầu.
Một số nhà xuất khẩu Việt Nam đã phải làm thủ tục tái xuất về nước để tránh thiệt hại.
Thông tin về công ty:
Tên công ty: Ngwe Galon Min Co., Ltd.
Địa chỉ: 446/447, Konzedan Street, Thein Gyi Zay (A) Yone, Pabedan Tsp, Yangon
Giá gạo xuất khẩu thấp kỉ lục
Theo vietnambiz.vn, các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc liên tục xả kho đã gây khó khăn cho giá gạo của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho hay ngay từ cuối năm 2018, Bộ NN&PTNT đã xác định năm nay xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn về thị trường. Trong đó, khó khăn được nhận thức rõ là các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Indonesia, Banglandesh đều giảm nhập khẩu. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc giảm mạnh cả về sản lượng lẫn trị giá.
Ngoài ra, với thị trường Trung Quốc, hiện nay có thêm các nước tham gia cung cấp gạo cho Trung Quốc do đó Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác.
Đáng chú ý có những thời điểm Trung Quốc tiến hành xả kho gạo dự trữ. Trong khi đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn chưa đạt được kiểm tra an toàn chất lượng đã khiến ngành hàng gặp nhiều khó khăn.
Làm rõ thêm nguyên nhân khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua, giá gạo tại thời điểm thấp nhất là khoảng 325 USD/tấn.
Tại thời điểm đó, giá gạo Thái Lan khoảng 350 - 360 USD/tấn. Khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo chủ yếu bắt nguồn từ khó khăn tại thị trường tỉ dân Trung Quốc, đặc biệt khi xuất khẩu qua đường biên mậu.
Lượng gạo tồn kho của Trung Quốc khá cao. Gần đây, Trung Quốc liên tục xả kho gây khó khăn. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiến hành kiểm soát chặt vấn đề chất lượng, đa dạng hóa thị trường cung cấp gạo cho Trung Quốc, điển hình là thị trường Myanmar, Campuchia.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng năm nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn thế giới chậm lại nên nhu cầu tiêu thụ lúa gạo cũng giảm đi.
Đồng thời các quốc gia cũng cố gắng chủ động một phần. Ngoài ra, các hàng rào kĩ thuật, phải đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng là yếu tố gây khó khăn cho gạo Việt.
Do đó, giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo trong thời gian tới là phải thúc đẩy gỡ khó trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số thị trường xuất khẩu khác cần đẩy mạnh như Philippines, châu Phi…
Có thể xảy ra tình trạng heo Thái Lan vào Việt Nam qua Campuchia
Theo vietnambiz.vn, Cục Trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết mặc dù Campuchia không có heo nhưng không loại trừ khả năng heo từ Thái Lan quá cảnh qua Campuchia sau đó vận chuyển sang Việt Nam.
Trước thông tin heo từ Campuchia vận chuyển vào Việt Nam, chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị Tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi bền vững, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết điều này hoàn toàn xảy ra mặc dù Campuchia không có heo.
Trong khi đó, dịch tả heo châu Phi cũng đã xuất hiện ở Thái Lan. Do đó chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ, nhất là cơ quan thú y", ông Dương cho biết.
Bên cạnh đó, một số thông tin phản ánh có hiện tượng người dân bán heo sang Trung Quốc trong khi nguồn cung trong nước đang thiếu hụt do chênh lệch giá quá cao.
Trước thông tin này, ông Dương cũng cho biết hiện nay các đường biên giới Trung Quốc - Việt Nam đang quản lí rất chặt chẽ. Việc bán heo sang Trung Quốc là "thẩm lậu" nhưng số lượng không nhiều.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cảnh báo người dân không nên bán heo lậu sang Trung Quốc nhằm tránh rủi ro không đáng có.
Năm 2018 cả nước xuất khẩu 12,74 tấn thịt heo chủ yếu là heo sữa, heo choai và trong 7 tháng đầu năm 2019 tổng xuất khẩu là 7,38 tấn thịt heo.
Nguồn: VITIC