Nguy cơ thiếu 500.000 tấn thịt do dịch tả heo châu Phi
Thông tin từ vietnambiz.vn, tính đến ngày 22/7, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 62 tỉnh, thành phố. Duy nhất tỉnh Ninh Thuận chưa xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá heo tại Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính là do nguồn cung thịt heo giảm do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.
Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt heo, tương đương 20% nhu cầu.
Trong khi đó, thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra đã lên tới hơn 3 triệu con heo, tương đương 10% tổng quy mô đàn heo Việt Nam.
Trong 10 ngày đầu tháng 8, giá heo hơi trên cả nước tiếp tục tăng do nguồn cung heo thịt khan hiếm, khi lượng heo bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi đã lên tới hơn 3 triệu con.
Bên cạnh đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo tiềm ẩn rủi ro nhiễm bệnh trở lại trong khi chi phí chăn nuôi cao. So với cuối tháng 7, hiện giá heo tại nhiều tỉnh, thành tăng 2.000 - 5.000 đồng/kg lên phổ biến trong khoảng 35.000 - 47.000 đồng/kg.
Thuế chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ là 0%
Theo vietnambiz.vn, trưa ngày 21/8 theo giờ Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá tôm Việt bán vào Mỹ trong đợt xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) cho hai bị đơn bắt buộc và khoảng 30 doanh nghiệp tôm còn lại. Theo đó, mức thuế của hai bị đơn bắt buộc công ty Sao Ta là 0%, công ty Nha Trang Seafood là 0% và các doanh nghiệp còn lại là 0%.
Với mức thuế này, đây là một tin vui chung cho ngành tôm Việt, là động lực tốt để các thương nhân tôm Việt tiếp tục việc kinh doanh của mình và có cơ hội cải thiện cơ cấu thị trường tôm Việt. Sao Ta dự báo tôm bán vào Mỹ sẽ có tăng trưởng. Cụ thể, các doanh nghiệp có xuất khẩu tôm vào Mỹ sẽ có lợi là thu lại tiền đặt cọc ở Hải quan Mỹ bằng 4,58% giá trị hàng xuất.
Ở POR14, các doanh nghiệp tôm duy trì mức thuế này do đã thoả thuận với bên nguyên đơn từ trước và sẽ tiếp tục thu lại tiền đặt cọc giống như trên, trở thành nguồn lợi nhuận.
Ở POR15 về sau (cho niên độ bán hàng từ năm 2019 trở về sau), các doanh nghiệp tôm Việt có thể sử dụng nguồn lợi thế này tiếp tục thoả thuận với nguyên đơn để tạo ổn định trong kinh doanh tôm với thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, dù có lợi thế nhưng sắp tới các doanh nghiệp tôm nên duy trì nhịp độ tăng trưởng vừa phải ở thị trường Mỹ nhằm tránh tình huống bất lợi trong tương lai do hệ quả từ thương chiến Trung Mỹ.
Do đó, việc tôm Việt Nam đạt mức thuế 0% trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 từ Bộ Thương mại Mỹ là một tín hiệu tích cực, giúp toàn ngành xuất khẩu tôm tăng trưởng trở lại.
Xuất khẩu tôm bắt đầu đảo chiều
Theo vietnambiz.vn, 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,8 tỉ USD, giảm 8% so với cùng kì 2018, tốc độ giảm đã chậm lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng dương.
Theo VASEP, tháng 7, lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt trong giai đoạn này đạt trên 334 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kì năm 2018. Giá tôm nguyên liệu và giá tôm xuất khẩu không còn giảm mạnh như những tháng đầu năm và đã có chiều hướng tăng, nhu cầu thị trường đã sôi động hơn là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu tôm Việt Nam tăng trưởng tích cực trong tháng.
Tháng trước, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang top 8 thị trường nhập khẩu chính gồm EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan đều tăng trưởng dương.
Xuất khẩu tôm sang EU và Hàn Quốc cũng ghi nhận tháng đầu tiên tăng trưởng dương sau khi tăng trưởng âm liên tục kể từ đầu năm nay. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ tăng trưởng hai con số.
Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. VASEP nhận định xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đang kỳ vọng đạt mức thuế thấp nhất trong kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13.
Đối với thị trường EU, VASEP cho rằng nếu biết tận dụng ưu đãi thuế quan, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020. Tuy nhiên, xuất khẩu sang EU trong nửa cuối năm chưa thể phục hồi. EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và 23% xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Kiến nghị dừng XK đường theo loại hình 'sản xuất xuất khẩu' qua cửa khẩu Lào Cai
Theo vietnambiz.vn, Hiệp hội Mía đường Viêt Nam (VSSA) kiến nghị ngừng xuất khẩu mặt hàng đường theo loại hình sản xuất xuất khẩu qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai. VSSA cho biết, sau hơn một năm thực hiện thí điểm xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, gồm cả mặt hàng đường qua các đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai, đến nay chỉ có hai đơn vị tham gia xuất khẩu là công ty CP thương mại và dịch vụ Song Phương và công ty TNHH thương mại tổng hợp Nghĩa Anh.
Trong đó, nguồn hàng xuất khẩu của công ty CP thương mại và dịch vụ Song Phương sử dụng là đường trắng RS sản xuất từ 100% mía nguyên liệu trong nước của các công ty đường Sơn La, An Khê, Sông Con và Lam Sơn.
Còn công ty TNHH thương mại tổng hợp Nghĩa Anh sử dụng đường tinh luyện RE chế biến từ đường thô nhập khẩu theo loại hình "sản xuất xuất khẩu" của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa.
Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu của công ty CP thương mại và dịch vụ Song Phương sử dụng đường trắng RS sản xuất từ mía của các công ty đường trong nước rất khiêm tốn, thấp hơn kì vọng rất nhiều và không giúp được việc giảm tồn kho.
Nguyên nhân là sản phẩm từ công ty này không thể cạnh tranh về giá so với công ty TNHH thương mại tổng hợp Nghĩa Anh.
Theo đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng mục tiêu hỗ trợ ngành đường và nông dân trồng mía trong việc giải quyết tồn kho tại các nhà máy bằng cách xuất khẩu mặt hàng đường qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai như đề xuất của Hiệp hội đã không thể đạt được.
Do đó, Hiệp hội kiến nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem xét chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan chỉ cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng đường sản xuất từ mía 100% mía nguyên liệu trong nước qua đường mòn, lối mở và cửa khẩu phụ tại tỉnh Lào Cai
Đồng thời, chỉ đạo Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Lào Cai, Bộ Công Thương, Tổng cục Hải Quan ngừng ngay lập tức việc xuất khẩu đường theo loại hình "sản xuất xuất khẩu" qua tất cả các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai.
Chăn nuôi bị tổn thương nhiều nhất khi EVFTA có hiệu lực
Thông tin từ vietnambiz.vn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng EVFTA dù là cơ hội nhưng cũng "đầy rẫy" thách thức, trong đó, sản phẩm chăn nuôi sẽ là mặt hàng gặp khó khăn lớn nhất từ thịt heo giá rẻ của 28 nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Khi Hiệp định có hiệu lực, đa số các dòng thuế của nông sản suất về 0, đây là lợi thế cho nông sản Việt Nam. Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng theo Bộ trưởng Cường khi thuế suất về 0% thì hàng rào phi thuế quan sẽ dựng lên rất chặt, sẽ là khó khăn đối với doanh nghiệp trong điều kiện sản xuất manh mún hiện nay.
Đặc biệt, các nhóm sản phẩm chăn nuôi sẽ đối mặt với thách thức lớn nhất trong các nhóm sản phẩm, và là ngành dễ bị tổn thương nhất khi EVFTA chính thức thực thi.
Hiện giá thịt heo nhập về Việt Nam có giá chỉ 26.000 - 28.000 đồng/kg. EVFTA có hiệu lực sẽ khiến ngành chăn nuôi trong nước là ngành bị tổn thương nhất, cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu giá rẻ nhiều nhất. Hàng nông sản ngoại từ khu vực này (EU) sẽ tràn vào thị trường Việt Nam để khai thác thị trường 100 triệu dân vốn được xem là tiềm năng.
Nguyên nhân, qui mô chăn nuôi nhỏ lẻ của ngành hàng vẫn chiếm chủ yếu, đến 60% dẫn đến câu chuyện giá thành rất cao so với 28 nước trong khối EU. Bên cạnh đó, việc sản xuất nhỏ lẻ cũng khiến quản trị khó kiểm soát. Do đó, để khắc phục điều này, cần phải tổ chức lại sản xuất. Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ cũng như gắn kết vùng nguyên liệu với chế biến, tổ chức thị trường thì mới có thể hạ giá thành.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet