Cần loại bỏ gỗ bất hợp pháp để thúc đẩy xuất khẩu
Theo baohaiquan.vn, để tận dụng tốt cơ hội thúc đẩy xuất khẩu, 2019 là năm quan trọng với ngành lâm nghiệp trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đặc biệt là kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 3 tháng đầu năm ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành có thặng dư thương mại trong quý đầu năm cao nhất trong nhóm hàng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam với giá trị thặng dư đạt 1,02 tỷ USD.
Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí là các thị trường xuất khẩu chủ lực với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 79% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Việc Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực trong năm 2019 sẽ là cơ hội lớn để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU.
Bên cạnh đó, trên thị trường thế giới, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã có những tác động nhất định đối với ngành gỗ của Việt Nam. Mặc dù căng thẳng thương mại Mỹ - Trung mang lại nhiều cơ hội, tuy nhiên Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chỉ rõ, cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc cũng đem đến nhiều thách thức cho ngành gỗ của Việt Nam.
Hiện, cơ quan thương mại của Mỹ tiến hành điều tra việc gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đánh giá: 2019 sẽ là một năm quan trọng đối với Việt Nam trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung ứng, đặc biệt là kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu.
Nan giải nạn đường nhập lậu
Vietnambiz.vn đưa tin, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), tính đến ngày 17/4/2019, có 13/36 nhà máy đường kết thúc vụ sản xuất. Lũy kế đến ngày 15/4/2019, các nhà máy đã ép được hơn 10 triệu tấn mía, sản xuất được 976.490 tấn đường. Đường sản xuất từ đường thô nhập khẩu là 162.456 tấn. Giá mía cũng tương đương với tháng trước.
Nửa đầu tháng 4, theo thông tin từ Tổ chức đường thế giới ISO, giá đường trắng trên thế giới tăng nhẹ nhưng giá đường thô giảm. Giá đường trong nước có xu hướng đi ngang.
Trong khi đó, tình trạng đường nhập lậu vẫn nhiều. Giá đường lậu giữa tháng 4 tại TP HCM khoảng 10.200 đồng/kg và ở miền Bắc khoảng 9.900-10.000 đồng/kg.
Từ ngày 12 đến ngày 18/5 sắp tới, khoảng 10 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội mía đường Pháp có kế hoạch làm việc với VSSA và một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội.
Xuất khẩu tiêu bất ngờ tăng mạnh trong tháng 3
Theo vietnambiz.vn, tháng 3/2019, xuất khẩu tiêu bất ngờ tăng vọt 110,5% về lượng và tăng 102,3% về kim ngạch so với tháng 2, đạt 35.300 tấn, trị giá 89,45 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung cả quí, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lại giảm 14,4%
Lũy kế quí I, xuất khẩu hạt tiêu đạt gần 71.000 tấn, trị giá 189,56 triệu USD, tăng 18,3% về lượng, nhưng giảm 14,4% về trị giá so với cùng kì.
Giá tiêu toàn cầu dự báo khó tăng trong thời gian tới, giá biến động trong biên độ hẹp do dự kiến lượng thiếu hụt khi thu hoạch hạt tiêu của Ấn Độ giảm, sẽ được bù đắp bởi lượng tồn kho lớn của Việt Nam.
Hiện hàng trăm mẫu đất trồng hạt tiêu tại Ấn Độ bị đe dọa bởi bệnh héo nhanh do hạn hán. Tuy nhiên, lượng hạt tiêu tồn kho của Việt Nam vẫn ở mức cao, kì vọng một vụ bội thu của Sri Lanka bước vào mùa thu hoạch mới từ tháng 4.
Theo Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPA), sản lượng hạt tiêu của Sri Lanka năm 2019 dự kiến đạt khoảng 26.700 tấn, tăng 44% so với vụ mùa năm 2018.
Như vậy, nguồn cung hạt tiêu dồi dào, nhu cầu tiêu thụ trên thế giới không có dấu hiệu tăng mạnh, giá hạt tiêu được dự báo sẽ khó có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới.
Tỏi Lý Sơn - một thương hiệu cần được giải cứu
Trang kinhtedothi.vn đưa tin, trước thực trạng tỏi Lý Sơn - sản vật được mệnh danh là “vàng trắng” đang dần mất chỗ đứng trên thị trường do tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, việc đưa ra các giải pháp để cứu thương hiệu đã được công nhận 10 năm là vấn đề cần được nghiêm túc thực hiện.
Thời gian gần đây tình trạng tỏi giả, tỏi kém chất lượng đang được nhiều tư thương tuồn về Lý Sơn và đội lốt tỏi Lý Sơn để tiêu thụ. Thậm chí, có trường hợp vận chuyển tỏi bằng cả đường bưu điện ra đảo.
Nguyên nhân chính khiến sản phẩm tỏi từ các nơi khác đổ dồn về địa phương là do chênh lệch giá khi ăn theo thương hiệu tỏi Lý Sơn. Giá các loại tỏi bình thường trên đảo khoảng 120.000 đồng/kg, trong khi tỏi ở những nơi khác như tại Khánh Hòa chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Chênh lệch lên đến hàng chục nghìn đồng/kg khiến nhiều người vì lợi nhuận đã tham gia. Chưa kể, đến các loại tỏi quý hiếm hơn như tỏi một (hay còn gọi là tỏi “cô đơn”) chênh lệch còn lên đến hàng 100.000 đồng/kg.
“Vàng thau lẫn lộn” là một trong những nguyên nhân khiến tỏi Lý Sơn rớt giá, thậm chí có thời điểm chỉ còn khoảng vài chục nghìn mỗi kg, thay vì hàng trăm nghìn như trước và phải nhờ “giải cứu”.
Xuất khẩu gạo hứa hẹn khởi sắc
Theo baohaiquan.vn, sau những khởi đầu không mấy thuận lợi trong quý I, thời gian tới, xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khởi sắc nhờ tháo gỡ phần nào khó khăn từ thị trường Trung Quốc cũng như tích cực mở cửa, tận dụng cơ hội từ các thị trường XK khác.
Quý I, XK gạo ước đạt 1,43 triệu tấn và 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm tới 20,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 40,2% thị phần. Giá gạo XK bình quân 2 tháng đầu năm chỉ đạt 404 USD/tấn, giảm 17,8% so với cùng kỳ năm 2018. Về chủng loại gạo XK, giá trị XK gạo trắng chiếm 60% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 29%; gạo nếp chiếm 8% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 3%.
Trong suốt những tháng đầu năm, điểm dễ thấy là sản xuất, XK lúa gạo đối mặt nhiều khó khăn khi giá xuống thấp. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ đã phải họp với đại diện các bộ, ngành để bàn về việc tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ lúa gạo.
Một số chuyên gia cho rằng: Muốn gạo Việt được người tiêu dùng quốc tế biết đến, trước hết cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hoá có chất lượng. Các vùng này sản xuất theo quy trình sạnh, đồng bộ. Đặc biệt, khâu xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới phải được nhấn mạnh, coi trọng hơn nữa. Nói như ông Huỳnh Văn Thòn-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời thì: Muốn gạo Việt có thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững. Khi đó, DN và người dân cùng nhau quy hoạch, tập trung nguyên liệu, sản xuất theo loại hình cánh đồng mẫu lớn. Thời gian tới, DN rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của Nhà nước để có thể phối hợp chặt chẽ với người nông dân cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.
Việt Nam có 6 loại trái cây đạt chuẩn xuất sang Mỹ
Theo vietnambiz.vn, Mỹ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc. Trong quí I, xuất khẩu sang Mỹ đạt 31,75 triệu USD, tăng gần 10,03% so với cùng kì năm ngoái. Năm 2018, xuất khẩu rau quả sang Mỹ tăng hơn 11% so với năm trước đó lên 126 triệu USD.
Mỹ là một trong những thị trường khắt khe nhất trên thế giới. Để được nhập khẩu vào thị trường Mỹ, xoài Việt Nam phải trải qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và những qui định khắt khe từ đối tác như điều kiện nhà vườn, đóng gói, xử lý, chiếu xạ, kiểm dịch thực vật ...
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết tổng lượng nhập khẩu xoài của Mỹ khoảng hơn 400.000 tấn/năm. 99% tổng lượng nhập khẩu xoài vào Mỹ từ 6 nước gồm Mexico, Peru, Guatemala, Brazil, Haiti, Ecuador.
Thanh Long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này năm 2008. Loại quả được thị trường Mỹ đón nhận tiếp theo là chôm chôm trong năm 2011. Năm 2014, USD chính thức cấp phép cho quả nhãn và vải Việt Nam vào thị trường này. Bên cạnh nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Sông Mã (Sơn La), nhãn Miền Thiết cũng được xuất sang Mỹ. Sau đó 3 năm, vào tháng 12/2017, lô vú sữa đầu tiên của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu Mỹ. Việt Nam cũng là nước đầu tiên được cấp phép xuất khẩu vú sữa sang thị trường Mỹ.
Như vậy, sau 11 năm, tổng cộng Việt Nam đã có 6 loại quả gồm thanh long, chôm chôm, vải, nhãn, vũ sữa và xoài, tiếp cận được với thị trường Mỹ khó tính.

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet