Giá lúa gạo tăng do nguồn cung đang bị thu hẹp
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL tăng nhẹ do nguồn cung thu hẹp, phần lớn diện tích lúa Thu Đông đã được thu hoạch và tiêu thụ hết, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tốt.
Gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng xuất khẩu, cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500 đồng/kg, từ 4.300 đồng/kg lên 4.800 đồng/kg; lúa OM4218 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông tại huyện Vũng Liêm tăng 200 đồng/kg lên mức 4.300 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg…
Cùng với đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2019 ước đạt 499 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Từ nay đến cuối năm, giá cà phê sẽ còn giảm
Thông tin từ thoibaotaichinhvietnam.vn, giá cà phê xuất khẩu giảm, giá cà phê trong nước cũng giảm mạnh. Dự báo, giá cà phê sẽ còn giảm cho tới cuối năm nay.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), xuất khẩu cà phê tháng 10/2019 ước đạt 87 nghìn tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 10 tháng đầu năm 2019 ước đạt 1,35 triệu tấn và 2,33 tỷ USD, giảm 14,6% về khối lượng và giảm 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân giảm mạnh tiếp tục là yếu tố dẫn đến suy giảm kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết các thị trường truyền thống như Đức, Mỹ, Ý và Tây Ban Nha.
Trong tháng 10/2019, giá cà phê thế giới biến động giảm mạnh. So với tháng trước, giá cà phê Robusta giao tháng 11/2019 thị trường London giảm 108 USD/tấn xuống còn 1.212 USD/tấn. Giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu hiện đã dư thừa, kết hợp với kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng.
Cùng với đó, thị trường cà phê trong nước biến động giảm mạnh cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 9/2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.900 -2.300 đồng/kg xuống còn 30.800 – 31.300 đồng/kg. Giá cà phê robusta (FOB cảng Sài Gòn) giảm 104 USD/tấn xuống còn 1.366 USD/tấn.
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản dự báo, giá cà phê sẽ còn trong chu kỳ suy giảm cho tới cuối năm nay do Việt Nam vào vụ thu hoạch mới, trong khi tồn kho cà phê Brazil vụ mùa năm ngoái và năm nay vẫn còn dồi dào và người Brazil vẫn bán mạnh do tỷ giá đồng Real giảm thấp ở mức đang có lợi cho người trồng cà phê của Brazil. Bên cạnh đó, dự trữ cà phê ở một số thị trường lớn như Mỹ tiếp tục tăng...
Ách tắc thủy sản tại Móng Cái
Theo enternews.vn, tình trạng các mặt hàng tôm, mực, sứa… đều đang bế tắc thông quan tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), khiến doanh nghiệp xuất khẩu đứng ngồi không yên.
Theo các chuyên gia, việc gặp khó trong xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc là do sự chủ quan của cả cơ quan chức năng lẫn doanh nghiệp, khi phía Trung Quốc đã thông báo rất cụ thể: Thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải có chứng nhận kiểm dịch, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), bao bì đóng gói phải có tiếng Trung và tiếng Anh, phù hợp với tiêu chuẩn đóng gói của Trung Quốc... Tuy nhiên, các bên liên quan đã không nắm rõ những quy định này.
Để giải cứu cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng tổ chức hội đàm, trao đổi, đồng thời gửi thư phản hồi đến Hải quan Nam Ninh (Quảng Tây - Trung Quốc) đề nghị để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Ngay trung tuần tháng 10 vừa qua, phía Trung Quốc đã có công hàm của Vụ Kiểm dịch động vật (Tổng Cục Hải quan Trung Quốc) thông báo đồng ý bổ sung 3 loại thủy sản của Việt Nam gồm: Ngao hoa, ngao trắng và nghêu lụa vào danh mục các sản phẩm thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Ngoài ra, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với các bên liên quan nắm bắt thông tin về cơ chế, chính sách, đồng thời tiếp tục trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để giải quyết các vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, hoạt động thương mại biên giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là các giải pháp trước mắt. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của nước bạn, không chỉ với thị trường Trung Quốc, để tránh tình trạng phải “giải vây” như hiện nay.
Khốn đốn với đường nhập lậu
Theo nongnghiep.vn, sản lượng đường trong nước vốn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, lại đang có xu hướng suy giảm khá nhiều, nhưng giá đường vẫn rất thấp bởi đường nhập lậu ồ ạt tràn vào, gây khó khăn lớn cho cả nhà máy và nông dân trồng mía.
Theo ông Lê Hoàng Thái, Quyền chủ tịch Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, niên vụ 2018/2019, các nhà máy đường đã ép khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất xấp xỉ 1,2 triệu tấn đường, giảm 20% về sản lượng so với niên vụ 2017/2018.
Tuy giá bán đang ở mức thấp nhưng việc tiêu thụ rất chậm và lượng tồn kho tại các nhà máy đường vẫn lớn. Đây là năm thứ 2 liên tiếp ngành mía đường kết thúc vụ với tồn kho ở mức cao,.
Để chuẩn bị cho niên vụ mía đường 2019/2020, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tính tới việc phải xây dựng giá mía bảo đảm thu nhập cho người nông dân để nông dân an tâm sản xuất, nhờ đó, nhà máy mới có nguyên liệu để duy trì hoạt động.
Tuy nhiên, việc xây dựng giá mía cho niên vụ 2019/2020 đến thời điểm này hầu như không thể thực hiện được vì giá đường hiện đang quá thấp mà vẫn rất khó tiêu thụ. Đây là một nghịch lý khi sản lượng đường vẫn đang thấp hơn so với nhu cầu.
Vì sao giá đường trong nước quá thấp? Theo Hiệp hội Mía Đường Việt Nam, nguyên nhân trước hết là do thị trường trong nước đang bị tràn ngập bởi đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu. Về bản chất, đây là loại đường xuất khẩu giá rẻ từ hệ thống gian lận thương mại đường quốc tế của Thái Lan mà không quốc gia sản xuất đường nào trên thế giới có thể cạnh tranh được.
Nguồn: VITIC