Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm sau thông tin tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng giữa bối cảnh những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở Saudi Arabia đã bớt dần.
Theo đó, dầu Brent tại London đã giảm 72 US cent (1,06%) xuống 67,52 USD/thùng, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,04 USD (1,6%) xuống 64,01 USD/thùng.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 5/3 tăng 12,8 triệu thùng, vượt xa mức tăng 816.000 thùng theo dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen của trung tâm Rystad Energy nhận định thị trường cần thận trọng vì giá dầu sẽ không tăng mãi. Định hướng của giá dầu sẽ rõ ràng hơn khi báo cáo lượng dự trữ dầu hàng tuần của Mỹ được công bố.
Các nhà phân tích cũng cho biết đồng USD mạnh hơn, vốn có xu hướng làm giảm nhu cầu của các nhà đầu tư, gây áp lực khiến giá dầu mỏ giảm. Đồng USD đã giảm từ mức cao nhất trong 3 tháng rưỡi đạt được trước đó.
EIA dự báo sản lượng dầu thô Mỹ trong năm 2021 sẽ giảm 160.000 thùng/ngày xuống 11,15 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với dự báo trước đó giảm 290.000 thùng/ngày.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng tăng hơn 2% do lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ và đồng USD cùng đi xuống.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay tăng 2,1%; vàng giao sau tăng 2,3% lên khép phiên ở mức 1.716,90 USD/ounce. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã lùi dần khỏi mức đỉnh của hơn một năm, trong khi đồng USD yếu đi.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao tại công ty môi giới tài chính RJO Futures, cho biết không rõ đây có phải là lúc kết thúc xu hướng tăng của lợi suất hay không, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu của điều đó. Các nhà giao dịch vàng đã chờ đợi điều này và đang quay trở lại thị trường, một phần cũng vì hoạt động bán vàng đã diễn ra quá mức và đẩy kim loại quý này xuống mức thấp.
Ông Lukman Otunuga, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao thuộc FXTM, cho rằng giá vàng có thể mở rộng đà tăng trong thời gian tới. Nhưng về cơ bản, các dao động thị trường vẫn theo hướng giá sẽ lại rơi vào vùng suy giảm, đặc biệt khi tính đến tình hình toàn cầu đang cải thiện nhờ hoạt động triển khai vaccine ngừa COVID-19.
Trong thông báo mới nhất, ngân hàng Societe Generale cho biết dòng tiền liên quan tới các quỹ ETF đang góp phần tác động đến giá vàng theo chiều giảm nhiều hơn so với thúc đẩy giá tăng.
Societe Generale từng dự báo giá vàng sẽ đạt 1.750 USD/ounce vào năm 2021. Nhưng chính ngân hàng này thừa nhận với sự biến động gần đây của thị trường vàng, dự báo này có độ tin cậy khá thấp.
Hiện giới đầu tư đang tập trung vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới.
Về những kim loại quý khác, giá bạc phiên này tăng 3,7% lên 26,01 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 3,3% lên 1.172,42 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm sau khi Trung Quốc thông báo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức vừa phải, điều có thể khiến cho đà tăng trưởng tín dụng bị chậm lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn lạc quan về các yếu tố cơ bản dài hạn của kim loại này. Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2,1% xuống 8.817 USD/tấn, xói mòn mức tăng 1,1% trong phiên trước đó.
Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới – dự kiến sẽ kiềm chế các biện pháp kích thích liên quan đến virus corona và hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng để hạn chế rủi ro nợ
Đồng thời, giá nickel giảm 1,1% xuống 16.170 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020 (15.665 USD/tấn).
Trong nhóm sắt thép, giá quặng sắt Trung Quốc ngày 9/3 giảm mạnh 10% do thành phố Đường Sơn - thủ phủ ngành thép của Trung Quốc -buộc phải hạn chế sản xuất để chống ô nhiễm môi trường.
Kết thúc phiên 9/3, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên ở mức 1.031,5 CNY (157,98 USD)/tấn; trước đó chỉ vài giờ có lúc giá giảm 10% xuống 1.031 CNY, thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Trên sàn Singapore, quặng sắt hôm nay cũng giảm 7% xuống 155,65 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 9/2.
Giá thép cũng giảm theo giá quặng sắt. Theo đó, thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 3,9% so với hôm qua, thép cuộn cán nóng giảm 3,1%, còn thép không gỉ giảm 2,7%.
Thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc (miền bắc Trung Quốc) chiếm 1/4 sản lượng thép của Trung Quốc. Với sự phát triển của ngành công nghiệp gây ô nhiễm này, Đường Sơn thỉnh thoảng lại đưa ra cảnh báo về mức độ ô nhiễm đến độ các nhà máy như thép phải hạn chế công suất sản xuất.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thép ở Trung Quốc liên tục tăng mạnh, thúc đẩy nhu cầu quặng sắt. Tuy nhiên, những sự kiện như vụ Đường Sơn này gây áp lực giảm giá cho nguyên liệu chính trong sản xuất thép này, "ít nhất là về mặt tâm lý ở thời điểm hiện tại", Richard Lu, nhà phân tích cấp cao của công ty tư vấn CRU cho biết. Bắc Kinh.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc phiên 8/3 vẫn ở sát mức cao nhất 8 năm, là 176 USD/tấn (tuần trước đạt 179,5 USD/tấn, cao nhất kể từ 2012).
Ông Lu cho biết: “Thị trường biến động mạnh” khi kỳ vọng về nhu cầu thép mạnh mẽ trong các tháng mùa xuân (tháng 4 và tháng 5) nhưng lại lo ngại về việc tiêu thụ quặng sắt giảm do Đường Sơn hạn chế hoạt động sản xuất thép".
Trên thị trường nông sản, giá lúa mì tại Mỹ tăng hơn 1%, sau khi Bộ Nông nghiệp nước này hạ dự báo về trữ lúa mì toàn cầu.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 10 US cent lên 6,56-1/2 USD/bushel. Giá ngô giao cùng kỳ hạn giảm 1-1/4 US cent xuống 5,45-3/4 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 5/2021 tăng 6-1/4 US cent lên 14,4 USD/bushel.
Trong báo cáo cung cầu hàng tháng USDA cắt giảm dự báo tồn trữ lúa mì toàn cầu trong năm marketing 2020/21 xuống 301,19 triệu tấn, từ mức 304,22 triệu tấn dự báo tháng 2/2021.
Giá đường cũng đi xuống trong phiên này. Theo đó, đường thô giảm 1,8% xuống dưới 16 US cent/lb, trong bối cảnh đồng real Brazil suy yếu, tiêu thụ và nhập khẩu của Mỹ giảm. Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE giảm 1,8% xuống 15,9 US cent/lb, sau khi giảm 1,2% trong phiên trước đó; trong khi đường trắng kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London giảm 1,5% xuống 452,7 USD/tấn.
Giá đường chịu áp lực giảm bởi đồng real Brazil suy yếu, khiến các nhà xuất khẩu Brazil đẩy mạnh bán ra. Trong khi đó, chính phủ Mỹ cắt giảm dự kiến tiêu thụ và nhập khẩu đường năm 2020/21. Tuy nhiên, một số đại lý cho biết giá đường vẫn có khả năng hồi phục do đồng real suy yếu và lo ngại nguồn cung trong ngắn hạn thắt chặt kéo dài.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn ICE tăng 1% lên 1,304 USD/lb, trong phiên trước đó chạm mức thấp nhất 2 tuần (1.2800 USD/lb); cà phê robusta kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn London tăng 39 USD tương đương 2,9% lên 1.400 USD/tấn.
Xuất khẩu cà phê nhân của Brazil trong tháng 2/2021 tăng 11%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng phiên thứ 5 liên tiếp, do dự kiến nguồn cung từ các quốc gia Đông Nam Á thắt chặt và đồng JPY yếu so với đồng USD đã hỗ trợ giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn Osaka tăng 2 JPY tương đương 0,7% lên 272,9 JPY (2,5 USD)/kg, hồi phục từ mức giảm trong đầu phiên giao dịch.
Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 395 CNY tương đương 2,6% xuống 15.020 CNY (2.306 USD)/tấn.
Cao su được khai thác quanh năm, song sản lượng mủ tại các quốc gia Đông Nam Á trong mùa đông hanh khô (khoảng tháng 2 đến tháng 5) giảm, khi cây rụng lá.
Giá hàng hóa thế giới sáng 10/3/2021

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg