Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá của 24 loại hàng hóa của Bloomberg phiên ngày 22/9 giảm 1%. Dẫn đầu đà giảm là giá đồng. Giá đồng kỳ hạn giảm 3,8% xuống 2,2975 USD/pound. Đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 8 tháng trở lại đây.

Giá dầu Mỹ WTI cũng giảm gần 2% xuống 45,83 USD/thùng. Giới chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục duy trì dưới 60 USD trong năm 2015 này. Trước đó, Goldman Sachs thậm chí dự báo, giá dầu sẽ tiếp tục rẻ trong vòng 15 năm tới do dư cung, nhu cầu yếu.

Giá vàng phiên hôm qua cũng giảm 1% xuống 1.125 USD/oz. Trong khi đó, giá bạch kim gảm 2,7% xuống sát 940 USD/oz sau khi chạm mốc thấp nhất 6 năm ở 934 USD/oz, giá bạc giảm 2,5% giao dịch ở 14,78 USD/oz.

Giá hàng hóa giảm mạnh trước thềm công bố số liệu về hoạt động sản xuất của Trung Quốc – một trong những chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Giới chuyên gia lo ngại, số liệu không đạt kỳ vọng có thể khiến thị trường tài chính chao đảo.

Theo số liệu của Caixin, chỉ số sản xuất PMI tháng 8 của Trung Quốc giảm xuống thấp nhất 6,5 năm. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc suy yếu sẽ gây sức ép lên giá hàng hóa nguyên liệu do nhu cầu tiêu thụ giảm.

Trong khi giá của các nguyên liệu như đồng, dầu thô tiếp tục dò đáy thì nhu cùa tiêu thụ yếu cùng với dư cung sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá hàng hóa. “Chúng ta đã trải qua một siêu chu kỳ hàng hóa nhiều năm qua và bây giờ là siêu chu kỳ suy giảm của hàng hóa, và nó vẫn chưa kết thúc”, Edward Meir, chuyên gia tại INTL FC Stone nhận định.

Đà giảm của giá hàng hóa phiên hôm qua đã kéo theo đà bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Chỉ số MSCI thị trường mới nổi giảm 0,9%, đánh dấu phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Trong đó, chủ số chứng khoán Ấn Độ, Nga, Nam Phi và Ba Lan giảm ít nhất 1,5%. MSCI châu Á Thái Bình Dương không kể Nhật Bản giảm 0,3%.

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm 1% đến 1,5%. Chỉ số Stoxx Europe 600 trên thị trường châu Âu thậm chí giảm tới 3,1%.
Minh Phương
Theo WSJ, Bloomberg