Tính chung trong quý 3/2020, giá tăng so với quý 2/2020 do nhu cầu Trung Quốc tăng mạnh, song mức tăng bị hạn chế bởi các trường hợp nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc gia tăng. Cùng với xu hướng thế giới, giá TĂCN & NL trong nước tháng 9/2020 tăng so với tháng 8/2020 và tính chung trong quý 3/2020 tăng so với quý 2/2020.
Giá TĂCN & NL thế giới tháng 9/2020 tăng tháng thứ 4 liên tiếp trong 9 tháng đầu năm 2020 so với tháng trước đó và tăng so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung trong quý 3/2020, giá TĂCN & NL thế giới tăng so với quý trước đó, cụ thể giá ngô tăng 6,23%; bột cá tăng 5,67%, đậu tương tăng 5,85%, lúa mì tăng 2,25% và khô đậu tương tăng 2,19%. Nguyên nhân chính do nhu cầu toàn cầu tăng, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc tăng mạnh, cùng với đó là thông tin điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng ngô, đậu tương và lúa mì tại khu vực Trung Tây Mỹ. Trong khi đó, ngành chăn nuôi của Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN & NL hàng đầu thế giới - dần hồi phục sau dịch tả lợn Châu Phi đã khiến hơn 1/2 số lượng đàn lợn của nước này bị tiêu hủy, đẩy nhu cầu TĂCN & NL tăng và hỗ trợ giá.
Ngô: Trong tháng 9/2020, giá ngô tại Chicago ở mức 158,2 USD/tấn, tăng 1,8% so với tháng 8/2020 và tăng 0,6% so với tháng 9/2019. Tính chung trong quý 3/2020, giá ngô tăng 6,23% so với quý trước đó. Nguyên nhân chính là do nhu cầu từ Trung Quốc tăng, cùng với đó là giá dầu thô tăng mạnh khiến nhu cầu ethanol sản xuất từ ngô tăng.
Lúa mì: Giá lúa mì đồng loạt tăng tại thị trường Chicago, EU và Nga, do nguồn cung toàn cầu suy giảm bởi hạn hán tại Nga và Ucraina, thời tiết bất lợi tại Đức và Pháp ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì. Trên sàn Chicago, giá lúa mì trong tháng 9/2020 tăng 0,46% so với tháng 8/2020 và tăng 7,62% so với tháng 9/2019 lên 217,3 USD/tấn. Tính chung trong quý 3/2020, giá lúa mì tăng 2,25% so với quý trước đó. Đồng thời, giá xuất khẩu lúa mì loại 12,5% protein của Nga kỳ hạn tháng 10/2020 trong tuần tính đến ngày 19/9/2020 tăng 6 USD lên 228 USD/tấn, FOB, do nhu cầu xuất khẩu tăng cao và đồng RUB suy yếu, trong khi nông dân giữ hàng không bán chờ giá tăng cao hơn nữa. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn Euronext (Pháp) tăng 2,75 euro (tăng 1,4%) lên 194,5 euro (230,62 USD)/tấn, giảm từ mức cao nhất kể từ ngày 23/4/2020 (194,75 euro/tấn) trong đầu phiên giao dịch, do điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì tại Pháp.
Đậu tương: Cùng với xu hướng giá ngô và lúa mì, giá đậu tương trên sàn Chicago trong tháng 9/2020 tăng 0,47% so với tháng 8/2020 và tăng 5,53% so với tháng 9/2019, lên 386,3 USD/tấn. Tính chung trong quý 3/2020, giá đậu tương tăng 5,85% so với quý trước đó. Trong phiên ngày 17/9/2020, giá đậu tương đạt 10,18 USD/bushel – cao nhất hơn 2 năm. Nguyên nhân chính do thời tiết bất lợi tại một số khu vực Trung Tây Mỹ và nhu cầu của Trung Quốc – nước tiêu thụ TĂCN hàng đầu thế giới – tăng mạnh.
Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong tháng 8/2020 tăng lên 9,6 triệu tấn, giảm 4,8% so với 10,09 triệu tấn tháng 7/2020, song tăng 11% so với 8,63 triệu tấn tháng 8/2019. Tính chung, trong 8 tháng đầu năm 2020 nhập khẩu đậu tương Trung Quốc đạt 64,74 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sản lượng đậu tương Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt 17,5 triệu tấn, không thay đổi so với ước tính tháng trước đó, song giảm 3,3% so với năm 2019, trong khi khối lượng đậu tương nghiền ở mức 98 triệu tấn. Tiêu thụ đậu tương của Trung Quốc sẽ tăng đều đặn và tiếp tục phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu trong 10 năm tới.
Nhập khẩu đậu tương Trung Quốc trong năm 2021 dự báo sẽ đạt 96 triệu tấn, tăng lên 96,62 triệu tấn năm 2025 và 99,52 triệu tấn năm 2029. Trung Quốc là nước mua và tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới, thường nhập khẩu hàng triệu tấn đậu tương mỗi năm để nghiền thành khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi.
Khô đậu tương: Giá khô đậu tương tại thị trường Chicago trong tháng 9/2020 tăng 0,53% so với tháng 8/2020 và tăng 7,92% so với tháng 9/2019 lên 359,5 USD/tấn. Tính chung trong quý 3/2020, giá khô đậu tương tăng 2,19% so với quý trước đó, do nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt từ Trung Quốc – nước có sản lượng khô đậu tương dự kiến đứng đầu thế giới năm 2020 (74 triệu tấn), đứng thứ hai là Mỹ đạt 45,8 triệu tấn.
Bột cá: Giá bột cá tại thị trường Peru trong tháng 9/2020 tăng 0,15% so với tháng 8/2020 và tăng 7,8% so với tháng 9/2019, lên 1.493,5 USD/tấn. Tính chung trong quý 3/2020, giá bột cá tăng 5,67% so với quý trước đó. Nguyên nhân chính do nhu cầu bột cá tăng trở lại sau dịch tả lợn châu Phi.
Cung – cầu: Để đáp ứng nhu cầu sản phẩm chăn nuôi ngày càng gia tăng, cũng như cam kết trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc đã ký hồi tháng 1/2020, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu đậu tương và ngô Mỹ có giá cạnh tranh hơn thay vì nhập khẩu từ Brazil. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu khiến nhu cầu TĂCN & NL giảm so với dự kiến.
Trong khi đó, hạn hán tại Nga và Ukraine, thời tiết bất lợi tại Pháp và Đức ảnh hưởng đến năng suất cây trồng lúa mì, kéo sản lượng giảm và tác động đến nguồn cung lúa mì toàn cầu. Đồng thời, cây trồng đậu tương và ngô tại Achentina – nước xuất khẩu ngô và đậu tương lớn thứ 3 thế giới - cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô.
Dự báo: Giá TĂCN & NL thế giới tháng 10/2020 sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung gián đoạn, nhu cầu tiêu thụ hồi phục.

Nguồn: VITIC