Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết việc hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và một số nhà sản xuất chủ chốt ngoài OPEC gồm cả Nga có thể giúp tạo ra nguồn cung thiếu hụt trong quý 2/2018.
Dầu thô WTI của Mỹ giao sau ở mức 52,42 USD/thùng, giảm 0,3% so với đóng cửa phiên trước. Giá giảm trong phiên giao dịch châu Á do các nhà đầu tư chốt lời khi tăng phiên trước.
Dầu thô Mỹ đã tăng 2,8% trong phiên trước bởi số liệu cho thấy dự trữ của Mỹ sụt giảm.
Dầu thô Brent giao sau ở mức 61,06 USD/thùng, giảm 39 US cent hay 0,6% so với phiên trước.
Ngân hàng ANZ cho biết “giá dầu thô tăng do những dấu hiệu thị trường đang thắt chặt”, bổ sung thêm rằng Saudi Arabia đang bước vào một giai đoạn cắt giảm sản lượng mới của mình.
Như một phần thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+ trong tuần trước, Saudi Arabia dự định giảm sản lượng của mình xuống 10,2 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2019.
Chủ tịch tỉnh Alberta, bà Rachel Notley đầu tháng này đã cho biết tỉnh này sẽ tạm thời cắt giảm sản lượng dầu mỏ để đối phó với việc tắc nghẽn đường ống đã dẫn tới dư thừa dầu trong kho chứa và làm giảm giá dầu thô của Canada.
Jonathan Barratt, giám đốc văn phòng đầu tư tại công ty chứng khoán Probis ở Sydney cho biết “một yếu tố quan trọng tôi cảm thấy là việc nguồn cung của Canada cắt giảm vì nó gửi một thông điệp rằng sản lượng bị hạn chế bởi khả năng điều chỉnh và vận chuyển của chúng tôi”. “Ngoài ra nếu đàm phán thương mại OK, thì nhu cầu kinh tế sẽ hỗ trợ giá dầu”.
Dấu hiệu Trung Quốc sẵn sàng giảm căng thẳng thương mại với Mỹ là quốc gia này thực hiện nhập khẩu một lượng lớn đậu tương của Mỹ lần đầu tiên trong hơn 6 tháng.
Bắc Kinh cũng đang nới lỏng việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao của mình, được gọi là “Made in China 2025” mà từ lâu đã khiến Washington khó chịu.
Nguồn: VITIC/Reuters
 

Nguồn: Vinanet