Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết hoạt động chế tạo của Mỹ trong tháng Bảy đã tăng lên mức cao nhất trong gần một năm rưỡi qua nhờ sự gia tăng các đơn hàng, bất chấp những diễn biến tiêu cực mới mới của đại dịch COVID-19.
Tại Khu vực đồng euro (Eurozone), kết quả một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động chế tạo đã tăng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2019. Bên cạnh đó, số liệu khả quan trong lĩnh chế tạo tại châu Á cũng góp phần hỗ trợ giá dầu.
John Kilduff, chuyên gia thuộc Again Capital LLC - trụ sở ở New York - nhận định đà phục hồi của ngành công nghiệp cho thấy nhu cầu sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, hiện các nhà đầu tư vẫn lo lắng về triển vọng phục hồi của nền kinh tế trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, với số ca lây nhiễm COVID-19 ngày càng tăng mạnh trên toàn cầu. Nhiều quốc gia buộc phải áp đặt các chính sách hạn chế mới hoặc kéo dài các biện pháp hạn chế hiện tại trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Hiện số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 18 triệu, buộc nhiều thành phố lớn phải công bố các lệnh hạn chế mới để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng hơn 1% sau các số liệu kinh tế tích cực từ Mỹ, châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu và tình trạng dư cung khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) bắt đầu hạn chế các mức cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent tăng 63 US cent (1,5%) lên 44,15 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 74 US cent (1,8%) lên 41,01 USD/thùng.
Tuy nhiên, triển vọng dư cung khi OPEC và các nước sản xuất liên minh trong đó có Nga, còn gọi là OPEC+, chuẩn bị nới lỏng chương trình cắt giảm sản lượng trước sự gia tăng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã hạn chế giá dầu tăng.
Các thành viên OPEC+ đã giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5/2020 Trong tháng này, lượng cắt giảm sẽ giảm xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 12/2020.
Trong khi đó, theo một nguồn tin thân cận, trong hai ngày 1-2/8, sản lượng dầu khí của Nga đã tăng lên 9,8 triệu thùng/ngày so với mức 9,37 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng quay đầu giảm do đồng USD mạnh lên và giới đầu tư tăng cường bán tháo chốt lời. Thị trường đang dồn sự chú ý vào vấn đề Chính phủ Mỹ cam kết hỗ trợ thêm cho người thất nghiệp trước tác động của dịch COVID-19.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1%, xuống 1.972,52 USD/ounce, sau khi có thời điểm đạt mức kỷ lục 1.984,66 USD/ounce; gá vàng giao tháng 12/2020 vững ở mức 1.986,30 USD/ounce.
Theo Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường của RJO Futures, cho biết giá vàng giảm trong phiên này chỉ mang tính kỹ thuật bởi khi giá vàng gần chạm mức 2.000 USD/ounce, giới đầu tư bán ra chốt lời, trong khi đồng USD mạnh lên khiến vàng “chững” giá. Đồng USD tăng 0,3% trong phiên này, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi hoạt động chế tạo của Mỹ đã đạt mức cao nhất trong một năm rưỡi qua trong tháng 7/2020.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu của một gói cứu trợ mới ở Mỹ, giữa lúc các nhà lập pháp Mỹ đang tranh luận về vấn đề này.
Giá vàng đã tăng khoảng 30% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ lãi suất thấp và các gói kích thích kinh tế mạnh tay từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhằm giảm bớt tác động kinh tế từ đại dịch.
Các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng giá vàng sẽ tăng tiếp. Ngân hàng ANZ cho biết đã điều chỉnh tăng dự báo về giá vàng trong 6 và 12 tháng tới lên 2.300 USD/ounce. Tuy nhiên, ngân hàng này lưu ý rằng nếu kinh tế tiếp tục được cải thiện thì nhu cầu vàng sẽ bị cản trở.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,4%, xuống 24,26 USD/ounce, giá bạch kim tăng 1,1%, lên 916,66 USD/ounce, trong khi giá palađi vững ở mức 2.091,11 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, gía đồng chạm mức thấp nhất 3 tuần lúc đầu phiên, sau đó nhanh chóng đảo chiều tăng trở lại bởi số liệu sản xuất tích cực ở Trung Quốc làm dấy lên hy vọng nhu cầu sẽ hồi phục ở nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới này. Giá nhôm trên sàn London cũng tăng 2,1% lên 1.749 USD/tấn, cao nhất kể từ 14/2/2020.
Từ mức thấp nhất 4 năm hồi tháng 3/2020, giá đồng đã tăng dần lên mức cao nhất 2 năm vào giữa tháng 7/2020, và kể từ đó tới nay dao động trong biên độ hẹp khi số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng gây lo ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.
Trong phiên 3/8, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London kết thúc ở mức tăng 1,1% lên 6.483 USD/tấn, sau khi đầu phiên có thời điểm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 10/7 (6.301 USD/tấn).
Giá quặng sắt Trung Quốc trong phiên giao dịch vừa qua tăng mạnh nhất trong vòng 8 tuần do nhu cầu mạnh từ phía các nhà sản xuất thép. Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 4,2% lên 873 CNY (125,11 USD)/tấn, mức tăng mạnh nhất kể từ 8/6/2020. Trên sàn Singapore, quặng sắt giao cùng kỳ hạn cũng tăng 3,4% lên 109,57 USD/tấn. Phiên 31/7, giá quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc đạt mức cao nhất gần 12 tháng, là 109,5 USD/tấn.
Mặc dù chi phí nguyên liệu cao, các nhà máy thép Trung Quốc tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất ở các lò cao ở mức cao, kéo theo nhu cầu than và quặng sắt tăng. Theo công ty Sinosteel Futures Co Ltd ở Bắc Kinh, sản lượng sắt nóng chảy trung bình hàng ngày của các nhà máy thép đã lập kỷ lục cao mới, là 2,5 triệu tấn, chủ yếu do các lò cao hoạt động gần hết công suất.
Trên thị trường nông sản, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 1,05 US cent (0,9%) trong phiên vừa qua, xuống 1,179 USD/lb; trái lại, robusta giao cùng kỳ hạn tăng 7 USD (0,5%) lên 1.351 USD/tấn.
Một nhà môi giới Brazil cho biết, giá cà phê tăng gần đây đã thúc đẩy hoạt động giao dịch trên thị trường physical ở Brazil – nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới. Ông này cho biết thêm, thời tiết khô hạn quá mức ở Brazil có thể ảnh hưởng tới sản lượng vụ mới.
Giá đường thô tiếp tục tăng theo xu hướng giá dầu mặc dù triển vọng nguồn cung tiếp tục mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch vừa qua, đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,08 US cent (0,6%) lên 12,72 US cent/lb, mức cao nhất kể từ 10/3, mặc dù đồng real Brazil yếu đi. Trái lại, đường trắng kỳ hạn tháng 10 giá giảm 6,4 USD (1,7%) xuống 375,2 USD/tấn.
Thị trường gia tăng lo ngại về triển vọng sản lượng của Thái Lan, trong khi Trung Quốc mua đường nhiều hơn dự kiến, mặc dù hầu hết các dự báo cho rằng thị trường đường sẽ dư cung trong năm 2020/21. Nhu cầu đường từ Indonesia và Pakistan mạnh cũng đang hỗ trợ giá mặt hàng này.
Xuất khẩu đường Brazil tháng 7/2020 đã tăng hơn 90% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng tăng và nhu cầu từ bên ngoài mạnh.
Giá cacao trên sàn New York tăng mạnh trong phiên vừa qua khi các thương gia lạc quan rằng triển vọng nhu cầu nguyên liệu làm socola sẽ tăng. Tuy nhiên, dự báo vụ mùa 2020/21 sẽ dư cung cacao đã hạn chế đà tăng giá.
Kết thúc phiên giao dịch, cacao kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn New York tăng 69 USD (2,9%) lên 2.469 USD/tấn, cao nhất kể từ đầu tháng 6/2020; hợp đồng kỳ hạn tháng 12/2020 trên sàn London tăng 41 GBP (2,5%) lên 1.679 GBP/tấn.
Giá cao su trên sàn Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong vòng gần 2 tháng do những dữ liệu về mới công bố cho thấy hoạt động sản xuất hồi phục ở khắp Châu Á, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng cũng như nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu.
Trên sàn Osaka, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2021 kết thúc phiên tăng 3,4 JPY (2,1%) lên 167 JPY (1,58 USD)/kg, trong phiên có thời điểm đạt 167,2 JPY, cao nhất kể từ 8/6. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 35 CNY lên 10.860 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 4/8/2020

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

40,68

-0,33

-0,80%

Dầu Brent

USD/thùng

44,15

+0,63

+1,45%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

29.180,00

+340,00

+1,18%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,11

+0,00

+0,19%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

120,23

-1,08

-0,89%

Dầu đốt

US cent/gallon

123,20

-0,89

-0,72%

Dầu khí

USD/tấn

370,00

+5,00

+1,37%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

44.700,00

+180,00

+0,40%

Vàng New York

USD/ounce

1.989,60

+3,30

+0,17%

Vàng TOCOM

JPY/g

6.731,00

0,00

0,00%

Bạc New York

USD/ounce

24,40

-0,02

-0,07%

Bạc TOCOM

JPY/g

82,00

-0,60

-0,73%

Bạch kim

USD/ounce

919,42

-1,60

-0,17%

Palađi

USD/ounce

2.098,79

+3,65

+0,17%

Đồng New York

US cent/lb

291,30

+0,10

+0,03%

Đồng LME

USD/tấn

6.413,00

-17,50

-0,27%

Nhôm LME

USD/tấn

1.752,00

+38,50

+2,25%

Kẽm LME

USD/tấn

2.324,00

+5,50

+0,24%

Thiếc LME

USD/tấn

18.013,00

+116,00

+0,65%

Ngô

US cent/bushel

328,50

+1,50

+0,46%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

521,00

-10,25

-1,93%

Lúa mạch

US cent/bushel

272,75

+1,25

+0,46%

Gạo thô

USD/cwt

11,59

0,00

-0,04%

Đậu tương

US cent/bushel

896,25

+3,75

+0,42%

Khô đậu tương

USD/tấn

295,70

-1,60

-0,54%

Dầu đậu tương

US cent/lb

31,32

+0,56

+1,82%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

491,50

+1,40

+0,29%

Cacao Mỹ

USD/tấn

2.469,00

+69,00

+2,88%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

117,90

-1,05

-0,88%

Đường thô

US cent/lb

12,72

+0,08

+0,63%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

122,90

+1,15

+0,94%

Bông

US cent/lb

63,87

+1,21

+1,93%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

596,20

+10,40

+1,78%

Cao su TOCOM

JPY/kg

166,40

+0,10

+0,06%

Ethanol CME

USD/gallon

1,11

0,00

0,00%

 

 

Nguồn: VITIC/Reuters, Bloomberg