Số liệu từ Hiệp hội Sắt và Thép Trung Quốc (CISA), chỉ số quặng sắt (CIOPI) của nước này đạt 315,38 điểm hôm 26/8/2019, giảm 1,5% tương đương 4,81 điểm so với chỉ số trước đó hôm 23/8/2019.

Trong số đó, chỉ số giá quặng sắt thị trường nội địa đạt 331,91 điểm, giảm 0,27% tương đương 0,89 điểm so với chỉ số giá trước đó, chỉ số giá quặng sắt nhập khẩu đạt 312,25 điểm, giảm 1,75% tương đương 5,55 điểm so với chỉ số trước đó.

Giá thép tại Trung Quốc ngày 27/8/2019 giảm, với thép cuộn cán nóng  chạm mức thấp nhất trong hơn 2 tuần khi hoạt động bán tháo tiếp tục do lo ngại nhu cầu đối với vật liệu xây dựng và sản xuất suy yếu kéo dài.

Giá thép cuộn cán nóng trên sàn Thượng Hải giảm 3,3% xuống 3.561 CNY (502,06 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 9/8/2019.

Giá thanh cốt thép kỳ hạn trên sàn Thượng Hải giảm 2,9% xuống 3.308 CNY/tấn, thấp nhất kể từ ngày 12/8/2019. Như vậy, kể từ tháng 7/2019 đến nay, giá thép tại Thượng Hải giảm khoảng 10%, chịu áp lực bởi nhu cầu mùa vụ suy yếu và triển vọng đối với tiêu thụ thép suy giảm bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Hoạt động bán tháo vẫn tiếp tục bất chấp dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc sau những cử chỉ tích cực của Bắc Kinh, giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã gây thiệt hại cho tăng trưởng toàn cầu và sự leo thang vào thứ sáu tuần trước (23/8/2019), sau các hành động thuế quan mới nhất đã thúc đẩy lo ngại nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái. Triển vọng nhu cầu thép suy giảm đã kéo giá nguyên liệu sản xuất thép giảm bao gồm quặng sắt.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2020 trên sàn Đại Liên giảm 2,4% xuống 590 CNY/tấn và giảm 15,4% trong quý này, sau 5 quý tăng liên tiếp.

Nhà phân tích Helen Lau thuộc Argonaut Securities, Hồng Kông cho biết: “Cùng với thị trường thép chậm lại, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7/2019 bất ngờ tăng và dự trữ tại các cảng tăng kéo giá quặng sắt giảm”.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc  hồi phục lên 87,5 USD/tấn trong ngày thứ hai (26/8/2019), sau khi chạm mức thấp nhất trong gần 5 tháng (86,5 USD/tấn) trong tuần trước đó.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2019 trên sàn Singapore  giảm 1,4% xuống 82,5 USD/tấn.

Dự trữ quặng sắt nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc tăng 6 tuần liên tiếp lên 124,65 triệu tấn, cao nhất kể từ cuối tháng 5/2019, công ty tư vấn SteelHome cho biết.

Giá than luyện cốc giảm 1,2% xuống 1.299 CNY/tấn, trong khi giá than cốc giảm 2% xuống 1.871,5 CNY/tấn.

Thị trường nhà ở Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại trong năm nay, với dự báo doanh số bán giảm, khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực rà soát các ngân hàng.

Các thông tin khác:

Quặng sắt: Kể từ tháng 7/2019, nguồn cung quặng sắt hồi phục dần, khiến tồn kho tăng và  giá trở nên hợp lý hơn so với nửa đầu năm 2019.

Tuần trước, nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đạt gần 120 triệu tấn, tăng 3,3% tương đương 3,84 triệu tấn so với tuần trước đó, song dự trữ giảm khoảng 2,5 triệu tấn chủ yếu do bão.

Hơn nữa, nguồn cung quặng sắt từ Australia và Brazil đều hồi phục. Sau khi nhập khẩu tăng, tồn kho tiếp tục tăng hơn nữa.

Về nhu cầu thép, do hạn chế về môi  trường, sản lượng lò điện giảm đáng kể và lò cao cũng giảm. Tính đến 23/8/2019, công suất sản xuất lò cao chỉ đạt 82,07%. Chính phủ Trung Quốc cũng công bố quy định nghiêm ngặt, hạn chế tăng trưởng nhu cầu quặng sắt.

Thép HRC: Thống kê từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), trong tháng 6/2019 nước này nhập khẩu khoảng 302.600 tấn thép cuộn cán nóng (HRC), tăng 7,2% so với tháng trước đó, trong khi giảm 3,5% so với tháng 6/2018.

Trong nửa đầu năm 2019, nhập khẩu thép HRc của Thổ Nhĩ Kỳ đạt 1,8 triệu tấn, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, nhập khẩu từ Nga chiếm phần lớn đạt 750.000 tấn, giảm 22,18% so với cùng kỳ năm ngoái. Ukraine đứng thứ 2 đạt 226.000 tấn, giảm 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Lan đứng thứ 3 đạt 151.000 tấn, tăng 48,89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: VITIC/Reuters

Nguồn: vinanet