Giá vàng trong nước tăng nhẹ
Vào thời điểm lúc 15h giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 55,65 triệu đồng/lượng - bán ra 56,12 triệu đồng/lượng (không đổi so với hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 55,70 triệu đồng/lượng - bán ra 56,10 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 55,70 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 56,03 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 55,72 triệu đồng/lượng - bán ra 56,02 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đồng/lượng cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng thế giới 1.863 - 1.867 USD/ounce
Giá vàng thế giới hôm nay giao dịch quanh ngưỡng 1.863 – 1.867 USD/ounce, giảm 4-7 USD so với hôm qua.
Đêm 18/11 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.878 USD/ounce. Vàng giao tháng 12 trên sàn Comex New York ở mức 1.877 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 18/11 cao hơn khoảng 23,5% (357 USD/ounce) so với đầu năm 2020. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,2 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 3,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm khá mạnh do đồng USD tăng trở lại và Cục dự trữ liên bang Mỹ chi nhánh Philadelphia công bố số liệu tích cực về lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, nhiều dự báo vàng sẽ tăng.
Ngân hàng trung ương Mỹ chi nhánh Philadelphia cho biết mặc dù số liệu về triển vọng khu vực sản xuất trong tháng 11 giảm so với tháng 10 nhưng vượt nhiều so với dự báo được đưa ra trước đó.
Theo báo cáo, các chỉ số đối với hoạt động sản xuất nói chung, đơn hàng mới và hoạt động vận tải ở mức tích cực tháng thứ 6 liên tiếp. Các tín hiệu cũng cho thấy tình hình sẽ tươi sáng trong 6 tháng tiếp theo, thông tin này tác động tiêu cực lên thị trường vàng.
Vàng giảm giá trong bối cảnh nước Mỹ vẫn bị bao trùm bởi tâm lý lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 lên cao và khó dập tắt trong ngắn hạn.
Vàng giảm bất chấp thị trường lao động Mỹ mất đà với một báo cáo mới nhất cho thấy số người lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh trong tuần vừa qua. Theo Bộ Lao động Mỹ, 742 nghìn người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 14/11/2020, tăng 31 nghìn trường hợp so với tuần trước đó.
Mặc dù tiếp tục giảm nhưng vàng vẫn được sự ưu ái của nhiều tổ chức. Goldman Sachs vẫn lạc quan cho rằng, giá vàng sẽ lên mức 2.300 USD/ounce trong năm 2021 dù đang có những thông tin tích cực về Covid-19 và kinh tế toàn cầu sẽ trở nên cân bằng hơn.
Chứng khoán Mỹ tăng trong bối cảnh giới đầu tư đánh cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng mua nợ của chính phủ trong những tuần tới để chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế do số ca mắc Covid-19 tăng đột biến. Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã công bố các loại vaccine có hiệu quả cao. Tuy nhiên, các nước sẽ cần thêm nhiều tháng nữa trước khi tốc độ lây lan chậm lại. Các nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều đau đớn.
Với Mỹ, Fed có thể sẽ buộc phải điều chính việc mua vào trái phiếu kho bạc khi mà lợi tức trái phiếu 10 năm tăng cao. Lợi tức tăng cao sẽ làm tăng chi phí vay vốn đối với các công ty và cá nhân, điều có thể đe dọa tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Sự chậm trễ trong việc thông qua gói cứu trợ tại Mỹ cũng làm cho tình hình trở nên căng thẳng hơn trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ đang vật lộn sau khi đại dịch Covid khiến họ mất việc làm, đây cũng là yếu tố hỗ trợ đối với vàng.
Theo ông Jim Wyckoff, chuyên gia kim loại quý tại Kitco, giá của kim loại quý vẫn duy trì ở mức thấp, mặc dù có một chút lo lắng về rủi ro đã xuất hiện trên thị trường vào cuối tuần này. Trong khi đó, các hạn chế ngày càng tăng đối với các doanh nghiệp và người dân ở Mỹ cũng như Châu Âu để chống lại đại dịch Covid-19. Các thị trường chứng khoán toàn cầu đang dần hồi phục sau những tin tức lạc quan về vaccine ngừa Covid-19 gần đây.
Goldman Sachs dự báo, thị trường tăng giá đối với hàng hóa thô như một hàng rào chống lại lạm phát sắp xảy ra. Cụ thể, lợi nhuận khoảng 27% trong 12 tháng tới theo chỉ số Goldman Sachs Commodity Index (GSCI), 19% lợi nhuận đối với kim loại quý, 40% đối với năng lượng, 3% đối với kim loại công nghiệp và -1% về nông nghiệp... Ngoài ra, Goldman được cho là vẫn giữ mục tiêu 2.300 USD/ounce đối với vàng.
Đồng bạc xanh được dự báo sẽ còn giảm giá và có thể mất tới 20% trong năm 2021. Về dài hạn, đây là một yếu tố tích cực đối với mặt hàng kim loại quý.
Mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu cũng đang tăng mạnh. Dầu WTI đã vượt ngưỡng 42 USD/thùng.

Nguồn: VITIC