Giá vàng trong nước tăng
Vào thời điểm lúc 11h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 45,90 triệu đồng/lượng - bán ra 46,72 triệu đồng/lượng (tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm qua ở cả 2 chiều mua bán).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 45,60 triệu đồng/lượng - bán ra 46,60 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán).
Giá vàng SJC niêm yết tại Phú Quý SJC mua vào 45,90 triệu đồng/lượng (tăng 300.000 đồng/lượng) - bán ra 46,40 triệu đồng/lượng (tăng 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng SJC của công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá mua vào 45,95 triệu đồng/lượng (tăng 350.000 đồng/lượng) - bán ra 46,45 triệu đồng/lượng (tăng 250.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới vẫn ở mức thấp
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao sau khi loanh quanh ngưỡng 1.480 USD trong 2/3 thời gian giao dịch của phiên đã có dấu hiệu bật tăng khi các chỉ số chứng khoán Châu Á đóng cửa phiên trong sắc đỏ và thị trường chứng khoán Châu Âu cũng không nằm ngoài xu hướng khi kinh tế Đức có nguy cơ rơi vào suy thoái, các tập đoàn lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch virus Corona.
Hiện Trung Quốc đã khởi động lại các hoạt động kinh tế, song các chuyên gia lại cảnh báo về khả năng xảy ra một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vì dịch Covid-19.
Trong phiên đêm qua, các ngân hàng liên tục phát đi tín hiệu nâng đỡ thị trường: Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ mua 750 tỷ Euro chứng khoán để; Ngân hàng Trung ương Anh cũng nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ đã bổ sung thêm thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống tài chính của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng chuẩn bị công bố gói hỗ trợ tài chính cho công dân và doanh nghiệp Mỹ.
Phiên đêm qua, chỉ số USD đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Tuy nhiên, điều lo ngại là thâm hụt liên bang sắp tăng lên gấp đôi các gói cứu trợ tài chính và nỗ lực cứu trợ các công ty.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, có lúc giá vàng thế giới bật lên 1.488,4 USD/ounce, tăng 1,3 USD (0,09%) so với thời điểm mở cửa. Nhưng có vẻ đà tăng này không duy trì được lâu khi lực bán vẫn duy trì từ khi vàng rơi khỏi ngưỡng 1.500 USD/ounce.
Chốt phiên giao dịch đêm qua, giá vàng thế giới đã đóng cửa dưới ngưỡng 1.480 USD và ghi nhận thêm một phiên giảm giá, lực cầu suy giảm rõ rệt.
Lúc 7h30 sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới chỉ được giao dịch 1.475,9 USD/ounce, tăng nhẹ 3,50 USD (0,24%) so với thời điểm mở cửa. Đáng chú ý, ngay đầu phiên, giá kim loại quý đã giảm xuống 1.455,9 USD/ounce, đến 11h30 lên 1.483,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 năm 2020 trên sàn Comex New York đứng ở mức 1.473 USD/ounce. Giá vàng hôm nay cao hơn 14,7% (189 USD/ounce) so với đầu năm 2019.
Giới đầu tư bán tháo không ngừng tất cả các loại tài sản để thu tiền về khiến đồng USD tăng vọt lên các đỉnh mới. Trong trường hợp giá vàng tiếp tục giảm và thủng ngưỡng 1.450 USD/ounce, giới phân tích cho rằng lúc đó hoạt động bán tháo sẽ diễn ra trên diện rộng và tiếp tục đẩy vàng xuống mức sâu hơn và có thể dẫn tới sự sụp đổ tâm lý thị trường.
Hiện xét trong 30 phiên giao dịch gần nhất, giá vàng thế giới đã giảm mạnh 126,3 USD (tương đương giảm tới 7,89%).
Đến thời điểm này giá vàng thế giới tương đương 41,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC 5,3 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này cao do giá vàng thế giới giảm rất mạnh cả tuần qua, trong khi giá vàng trong nước điều chỉnh rất dè dặt. Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới tiếp tục được nới rộng và đã vượt 5 triệu đồng, tương đương mức cao nhất xảy ra hồi năm 2011 khi vàng bị đầu cơ làm giá. Do đó, các hoạt động mua bán lướt sóng thời điểm này nên được cân nhắc cẩn thận.
Nỗi lo sợ về dịch bệnh Covid-19 lan rộng khiến hàng loạt các tài sản rủi ro như chứng khoán trên phạm vi toàn cầu bị bán ra mạnh.
Chứng khoán châu Á hôm 19/3 đồng loạt giảm điểm bất chấp biện pháp kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với kế hoạch chi 750 tỷ euro (820 tỷ USD) để mua trái phiếu cho đến khi bệnh dịch qua đi. Sắc đổ tràn ngập trên TTCK Nhật, Hồng Kông, Trung Quốc, Seul, Singapore…
Thị trường Manila có thời điểm lao dốc gần 25% sau khi mở cửa trở lại sau hai ngày ngừng giao dịch do tình hình dịch bệnh và chốt phiên cũng giảm hơn 13%.
Điều bất ngờ là cả các loại tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ cũng bị bán ra mạnh. Hồi đầu đợt dịch Covid-19, trái phiếu Mỹ là kênh trú ấn an toàn cho giới đầu tư. Trái phiếu Mỹ tăng mạnh tới mức, lợi tức trái phiếu 10 năm giảm 80% kể từ giữa tháng 2 cho tới đầu tháng 3 và đạt mức thấp kỷ lục 0,32%/năm. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, trái phiếu Mỹ cũng ồ ạt bị bán ra, nhất là trong phiên thứ Ba và thứ Tư, khiến lợi tức tăng vọt lên mức 1,25%. Đây là một diễn biến đáng sợ. Nó cho thấy các nhà đầu tư bán tất cả những gì có thể để chuyển sang tiền. Đó cũng là lý do tại sao đồng USD liên tục tăng vọt lên đỉnh cao mới. Giới đầu tư rõ ràng đang bị buộc phải bán để tăng lượng tiền nhằm sống sót qua một thời gian khó khăn mà đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong phiên 19/3, đồng bạc xanh đã tăng hơn 6% so với đồng AUD và hơn 3% so với đồng won của Hàn Quốc. Trong khi đó, đồng bảng Anh hiện đang ở quanh các mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.
Thị trường tài chính thế giới tiếp tục chao đảo. NHTW các nước tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ.
Ngân hàng trung ương Philippines hôm 19/3 đã cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến (50 điểm cơ bản) để đối phó với sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là lần thứ 5 ngân hàng giảm lãi suất kể từ năm 2018 khi ngân hàng này bắt đầu đảo ngược xu hướng tăng lãi suất.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 19/3 thông báo dự định mua 1.000 tỷ yen (9,18 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Mexico (Banxico) sẽ tung ra thị trường 2 tỷ USD, nhằm vực dậy đồng nội tệ peso, vốn đã mất giá tới 31% so với đồng USD trong một tuần qua.
Ngày 19/3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm hỗ trợ cung cấp USD cho các ngân hàng trung ương của một số nước.
Việc áp dụng hạn mức tín dụng chéo nhằm đảm bảo các ngân hàng bên ngoài nước Mỹ có thể tiếp cận dễ dàng với đồng USD, điều đang trở nên khó khăn với nhiều ngân hàng trên thế giới trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Fed sẽ cung cấp tới 60 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Australia, Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Singapore và Thụy Điển, và 30 tỷ USD cho mỗi ngân hàng trung ương của Đan Mạch, Na Uy và New Zealand. Cơ chế này sẽ được duy trì trong ít nhất 6 tháng, cho phép các ngân hàng trung ương nước ngoài đổi đồng nội tệ sang USD.
Trước đó giá vàng đã suy giảm khi các nhà đầu tư từ bỏ kim loại quý để quay sang tích trữ tiền mặt trong bối cảnh các biện pháp kích thích bổ sung của Mỹ được đưa ra. Phát biểu trên Reuters, Tai Wong - Giám đốc cơ sở và các công cụ phái sinh kim loại quý tại BMO cho rằng vàng tiếp tục hứng chịu sự hoảng loạn trên thị trường, giao dịch trở lại dưới mức 1.500 USD. Chỉ số USD-Index đã nhảy vọt lên mức cao nhất trong gần 3 năm cũng gây áp lực lên giá vàng.

Nguồn: VITIC